Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

VÀI NÉT VỀ CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ

Võ Thủ Phương
Khủng bố đã xuất hiện và tồn tại từ hàng nghìn năm nay, nhưng sự kiện ngày 11-9-2001 mới là mốc đen tang tóc đánh dấu sự hiện diện rất nguy hiểm của khủng bố trong đời sống xã hội quốc tế. Cũng từ thời điểm này, việc nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố được triển khai rộng và sâu hơn.
Khái niệm Chủ nghĩa khủng bố, Khủng bố, Hoạt động khủng bố, trong nhiều trường hợp được các nhà nghiên cứu, các học giả, sử dụng với ý nghĩa tương đương, bởi lẽ, có quan điểm khá phổ biến cho rằng với chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng được hòa tan trong hành động. Trong hầu hết các nghiên cứu, những khái niệm trên được dùng theo nghĩa song trùng. Tuy nhiên, nếu nhìn chủ nghĩa khủng bố dưới góc độ hệ tư tưởng, theo tiến sĩ luật học N. N.A-pha-na-sép thì: "đặc trưng của hệ tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố như là một phức thể các nguyên tắc tư tưởng cực kỳ cấp tiến (cực tả, cực hữu, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ly khai, chủ nghĩa nước lớn,…), là sự luận chứng cho việc áp dụng bạo lực dưới những hình thức khác nhau một cách bất hợp pháp để đạt đến các mục tiêu xã hội, chủ yếu là về mặt chính trị, của các cơ cấu trên đây".
Lần đầu tiên người ta bắt gặp thuật ngữ chủ nghĩa khủng bố (terrorism) vào năm 1798; thuật ngữ này do nhà triết học người Đức Ê-ma-nu-en Căng sử dụng. Cũng năm ấy, thuật ngữ này xuất hiện trong một phụ lục của Đại từ điển Viện Hàn lâm Pháp.
Khái niệm về chủ nghĩa khủng bố thay đổi theo thời gian. Theo một nghiên cứu của CIA, thì từ năm 1936 đến 1981, có không ít hơn 109 định nghĩa khác nhau về chủ nghĩa khủng bố, và nghiên cứu này cũng bất đồng quan điểm với các định nghĩa đã thu thập được(1). Thực tế cho thấy, do cách nhìn nhận khủng bố từ nhiều góc độ khác nhau, do nhiều nguyên nhân chủ quan (có thể theo một ý đồ nào đó) hoặc khách quan, do các mối quan hệ chính trị biến đổi theo thời gian, nên các định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố dễ sai lệch nhau, thậm chí trái ngược nhau. Dưới đây là một vài định nghĩa được nhiều người chấp nhận.
Các cơ quan hữu quan của Liên hợp quốc định nghĩa hoạt động khủng bố như sau: "Hoạt động khủng bố là hoạt động huỷ hoại nhân quyền, quyền dân chủ và tự do cá nhân, uy hiếp sự an toàn và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, tạo sức ép lên quốc gia, phá vỡ văn minh xã hội, là hành vi phạm tội với việc gây hậu quả bất lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội"(2). Tuyên ngôn về vấn đề chủ nghĩa khủng bố của Liên hợp quốc nêu rõ: "Tất cả các hình thức của chủ nghĩa khủng bố, dù xảy ra ở nơi nào, ai là kẻ chủ mưu, và hành vi phạm tội ra sao, cũng không thể thanh minh, cho nên thông qua các điều của Hiệp ước Quốc tế, cần tăng thêm mức độ xử phạt"(3).
Định nghĩa về khủng bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (1998) cho rằng: "Hoạt động khủng bố là một hành động bạo lực có mưu tính trước, nhằm những mục đích chính trị, thực hiện hướng vào những mục tiêu phi quân sự, bởi những tổ chức dưới cấp nhà nước hay bởi những cá nhân bí mật, thường với mục đích gây ảnh hưởng với một đối tượng nào đó" (4).
Theo nhiều nhà nghiên cứu, các loại hình khủng bố có thể kể tới vào thời điểm hiện nay là: 1- Khủng bố nhà nước; 2- Khủng bố mang tính tôn giáo; 3- Khủng bố mang tính chất chính trị; 4- Khủng bố mang mầu sắc chủ nghĩa ly khai; 5- Khủng bố mang tính chất phản kháng, trả thù.
Nói chung, cách phân loại này chỉ mang tính tương đối, bởi trong nhiều trường hợp, các loại hình khủng bố có thể lồng vào nhau, đan xen nhau, và ta khó có thể phân biệt rạch ròi, đâu là loại hình này, đâu là loại hình kia. Chẳng hạn, các hoạt động khủng bố ở Tre-xni-a vừa mang mầu sắc tôn giáo, vừa mang mầu sắc của chủ nghĩa ly khai. Có thể đưa thêm vào loại hình thứ 6: Tổ hợp của các loại hình khủng bố đã nêu trên. Cố nhà báo Eqbal Ahmad (1939-1999), biên tập trị sự của báo Chủng tộc và Giai cấp, còn xem xét hai loại hình nữa của chủ nghĩa khủng bố: chủ nghĩa khủng bố hình sự, và chủ nghĩa khủng bố của (phe) đối lập(5). Tuy nhiên, hai loại hình này dường như đã được bao hàm trong năm loại hình đã nêu.
Nguyên nhân phát sinh và dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố
Sẽ là sai lầm nếu cố gắng quy lý do bùng phát chủ nghĩa khủng bố vào một hoặc hai nguyên nhân nào đó. Do hoạt động khủng bố đa dạng và xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau, với những điều kiện địa chính trị, xã hội khác nhau, nên nguyên nhân gây ra chúng cũng có thể khác nhau. Về đại thể, giới nghiên cứu lý luận đề cập đến các nguyên nhân cơ bản sau:
1 - Các hệ quả tiêu cực của toàn cầu hóa. Trong khi toàn cầu hóa mang lại cho các nước phát triển những lợi ích to lớn, những cơ hội phát triển mạnh mẽ thì nó mang lại cho các nước đang phát triển đầy những thách thức và rất nhiều khó khăn. Hệ quả của sự kiện này là khoảng cách giầu nghèo ngày càng mở rộng, mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với tình trạng phân phối không công bằng ngày một tăng. Sự bần cùng về kinh tế gạt một bộ phận không nhỏ dân chúng ra bên lề của tiến trình phát triển, và nó góp phần làm suy thoái đạo đức, tư tưởng, tạo ra một khoảng trống về mặt tinh thần, để chủ nghĩa khủng bố có điều kiện xâm nhập. Toàn cầu hóa về văn hóa, bên cạnh những mặt tích cực, cũng có những tác động tiêu cực, nó làm phai nhạt bản sắc văn hóa của dân tộc, tôn giáo, lợi dụng mối đe dọa hiện hữu này rồi thổi phồng nó lên; một số tổ chức Hồi giáo cực đoan đã vận động, tuyên truyền dân chúng, để tạo nên sự phản kháng mạnh mẽ, thậm chí là quá khích. Toàn cầu hóa với mặt trái đầy mâu thuẫn đã tạo ra môi trường dung dưỡng và phát triển cho chủ nghĩa khủng bố. Và, đến lượt mình, chủ nghĩa khủng bố cũng đang trong quá trình toàn cầu hóa.
Mặt tiêu cực của toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra sự bùng phát của chủ nghĩa khủng bố, nhưng nó là một trong những nguyên nhân chủ chốt, không thể xem nhẹ(6).
2 - Tình trạng nghèo đói toàn cầu. Cuối thế kỷ XX đã đi vào lịch sử thế giới như là một thời kỳ bần cùng hoá trên cấp độ toàn cầu. Toàn cầu hoá sự nghèo đói - điều đã xoá bỏ phần lớn những thành tựu của tiến trình phi thực dân hoá sau chiến tranh - bắt nguồn tại Thế giới thứ ba trùng với sự tấn công dữ dội của cuộc khủng hoảng nợ. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, tình trạng này đã lan ra nhiều vùng quan trọng trên thế giới, bao gồm cả Bắc Mỹ, Tây Âu, các nước thuộc Liên Xô, cũng như Đông Nam Á và Viễn Đông(7). Tình trạng toàn cầu hoá nghèo đói đã đẩy một phần không nhỏ nhân loại vào cảnh khốn cùng (theo một đánh giá của Liên hợp quốc, tại Đông Phi, 23 triệu người, mà nhiều người trong số đó đã chết, đang ở trong vòng nguy cơ của nạn đói). Những người khốn khổ này sẽ làm gì trên con đường đói khát?. Phản ứng lại xã hội, cái xã hội mà họ cho rằng đã mang đến cho họ đói khổ, là phản ứng tự nhiên. Những thủ lĩnh khủng bố đã và đang tận dụng tâm lý khủng hoảng này để gieo rắc tư tưởng phản kháng, thù hận, và trong nhiều trường hợp chúng đã thành công. Nghèo đói, tuyệt vọng, mất lòng tin vào tương lai, vào xã hội, thế hệ trẻ dễ ngả theo sự dẫn dụ của các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm. Chẳng hạn, sự kiện đẫm máu ngày 28-4-2004 tại Thái Lan đã cho thấy lớp trẻ bị lợi dụng và bị đẩy vào một cuộc bạo động không có khả năng chiến thắng. Những kẻ tham gia bạo động mới chỉ từ 15 đến 20 tuổi (có 2 người khoảng 40 tuổi), được trang bị bằng dao rựa, gậy gộc, tấn công hết sức liều lĩnh vào 10 trạm kiểm soát và đồn cảnh sát tại 3 tỉnh miền nam Thái Lan, kết quả là 127 người chết mà hầu hết là thuộc lực lượng nổi dậy.
Nạn nghèo đói có thể được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa tới sự phản kháng, đưa tới tình trạng bạo lực - môi trường thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố. Cựu tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn cho rằng, xã hội Mỹ đang ngày càng giàu, nhưng vấn đề nghèo đói của thế giới lại ngày càng nghiêm trọng. Trong tình hình này, đói nghèo rất dễ trở thành mảnh đất để chủ nghĩa khủng bố phát sinh. Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau, một bài học mà người Mỹ cần ghi nhớ là "hoa thơm không thể hưởng một mình"
3 - Chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chủ nghĩa dân tộc mang tính chất bành trướng có thể sinh ra chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa bá quyền. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan kiểu bảo thủ có thể dẫn đến chủ nghĩa bài ngoại, hoặc chủ nghĩa ly khai. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được coi là một trong những nguồn gốc dai dẳng nhất, mạnh mẽ nhất và chết người nhất đẻ ra chủ nghĩa khủng bố(8). Tuy nhiên, ở đây cần có sự phân biệt giữa chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa cực đoan sinh ra từ cách cảm nhận cực đoan về các hiện tượng của đời sống xã hội, còn chủ nghĩa khủng bố ra đời từ những cực đoan của chủ nghĩa cực đoan. Khi kẻ cực đoan ném đá, thì kẻ khủng bố bắt đầu đánh bom; khi kẻ cực đoan mới chỉ đe dọa giết người thì kẻ khủng bố đã ra tay sát hại trên thực tế(9).
4 –Chủ nghĩa Tôn giáo cực đoan. Có một số học giả và cả chính khách trên thế giới cho rằng tôn giáo là vườn ươm để chủ nghĩa khủng bố sinh sôi. Có người còn đánh đồng Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố, cho rằng Hồi giáo là nguyên nhân đẻ ra chủ nghĩa khủng bố, rằng trong tình hình hiện nay, khi các hình thức tôn giáo đi tới chủ nghĩa cực đoan thì chúng càng dễ trực tiếp đẻ ra chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản bác lại các mệnh đề trên.
Việc đánh đồng chủ nghĩa khủng bố với Hồi giáo là không thể chấp nhận được, nhưng cũng không thể phủ định một thực tế là không ít hoạt động khủng bố có nguồn gốc từ tôn giáo. Có thể nhận xét một cách không quá đáng rằng, mọi thứ tư tưởng hệ nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố về mặt thế giới quan đều có thể quy về chủ nghĩa cực đoan (cực đoan dân tộc, cực đoan tôn giáo,…).
5 - Sự thiếu vắng hệ tư tưởng cách mạng. Theo Eqbal Ahmad, việc thiếu vắng hệ tư tưởng cách mạng đã làm cho khủng bố bành trướng trong thời đại của chúng ta(10).
Sự thiếu vắng một hệ tư tưởng cách mạng đã tạo ra một khoảng trống, mà chủ nghĩa khủng bố có thể lợi dụng để xâm nhập, lôi cuốn, phủ dụ, và đưa không ít người vào con đường lầm lạc. Dĩ nhiên công tác tuyên truyền của các tổ chức khủng bố, các giáo phái cực đoan, quá khích, đóng một vai trò không nhỏ trên lĩnh vực đó.
6 - Chủ nghĩa cường quyền và bá quyền. Dù về mặt lý luận, người ta vẫn chưa thống nhất với quan điểm cho rằng chủ nghĩa cường quyền và bá quyền là một trong những nguyên nhân đưa đến chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa cường quyền, bá quyền là nguyên nhân gây ra sự phản kháng, thậm chí sự phản kháng của cả một dân tộc. Hoạt động khủng bố, trong nhiều trường hợp là thủ đoạn của sự phản kháng. Có thể lấy trường hợp của Bin La-den để phân tích. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Mỹ đã huy động người Hồi giáo chống lại việc Liên Xô can thiệp vào Áp-ga-ni-xtan, Bin La-den là một trong những nhân vật quan trọng được CIA tuyển mộ đầu tiên. Bin La-den đã bôn ba khắp nơi để chiêu binh mãi mã cho cuộc Jihad (chiến đấu) chống chủ nghĩa cộng sản. Nhưng đến năm 1990, Mỹ đưa quân vào A-rập Xê-út, đây là thánh địa của Hồi giáo (quê hương của Mô-ha-mét), để tiến hành Chiến tranh Vùng Vịnh, và sau đó, khi đã kết thúc cuộc chiến tranh này, Mỹ không chịu rút quân, mặc dù đã nhiều lần Bin La-den đề nghị Mỹ "hãy rút đi". Sau đó, như người ta đã biết, để phản kháng lại sự bội tín của ông chủ cũ của mình, Bin La-den lại tiến hành một cuộc Jihad mới, nhưng lần này là để chống Mỹ. Không loại trừ còn có những nguyên nhân khác đưa đến sự phản kháng và hoạt động khủng bố của Bin La-den, song rõ ràng, trong trường hợp này, hậu quả tiêu cực của chủ nghĩa cường quyền, bá quyền đóng vai trò không nhỏ.
Chống chủ nghĩa khủng bố - Cuộc chiến đầy gian nan
Chống chủ nghĩa khủng bố là vấn đề lớn, cấp bách được đặt ra trước toàn nhân loại, nhưng việc giải quyết nó lại không thể nhanh gọn, thời gian không thể tính theo đơn vị tháng, năm, mà phải cần tới cả thập kỷ, nhiều thập kỷ, hoặc lâu hơn thế rất nhiều!. Bởi lẽ, loại trừ chủ nghĩa khủng bố có nghĩa là phải loại trừ mọi căn nguyên sinh ra chủ nghĩa khủng bố, đó là nạn nghèo đói, là những hậu quả tiêu cực của toàn cầu hoá, những mâu thuẫn trong quan hệ Bắc - Nam, là sự biến thái cực đoan của mọi thứ chủ nghĩa cực đoan, là chủ nghĩa cường quyền, bá quyền, v.v.. Bên cạnh đó, việc củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức an ninh chống khủng bố như In-ter-pon, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đối với thế hệ trẻ cũng hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, đã có nhiều hiện tượng tiêu cực phát sinh từ thực tiễn của cuộc đấu tranh chống khủng bố mà các học giả chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố đã cảnh báo.
Trước hết, đó là sự lợi dụng chủ nghĩa khủng bố để thực hiện những mưu đồ cá nhân. Có quốc gia đã uỷ thác cho chủ nghĩa khủng bố những vấn đề mà mình khó giải quyết, lại có quốc gia cần tới chủ nghĩa khủng bố như một cái cớ để thực thi chính sách nhà nước. Chủ nghĩa khủng bố trở thành vật hiến tế cho cuộc đấu tranh vì lợi ích(11).
Thứ hai, hiện tượng quốc gia này vì một lý do nào đó đã dung túng cho các tổ chức khủng bố, mà các tổ chức này đã tiến hành khủng bố ở quốc gia khác, đã tạo ra một tình trạng không lành mạnh, thiếu tin tưởng lẫn nhau trong công cuộc chống khủng bố nói riêng, và trong quan hệ quốc tế nói chung.
Không thể chống khủng bố, khi có những thành viên của "liên minh" chống khủng bố lại cần đến khủng bố như một thứ công cụ để thực hiện ý đồ riêng tư.
Chủ nghĩa khủng bố chống lại nhân loại, cho nên việc loại bỏ chủ nghĩa khủng bố ra khỏi đời sống xã hội quốc tế là công việc chẳng của riêng ai. Đây là một quá trình gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ dựa trên sự tin cậy lẫn nhau của cộng đồng quốc tế. Đây là một quá trình lâu dài, và về một phương diện nào đó, nó gắn bó hữu cơ với việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ mà Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ vào tháng 9-2000 đã đề ra. Đây là một quá trình phải mang tính phi mâu thuẫn, bởi nếu vừa chống khủng bố, vừa nuôi dưỡng khủng bố thì khủng bố sẽ vẫn tồn tại.

(1) Viện Thông tin khoa học xã hội, TN 2004 - 63, tr 3
(2) Dự báo thế kỷ XXI, Nxb Thống kê Hà Nội, 1998, tr 873
(3) Sđd, tr 873
(4) Khía cạnh xã hội và tâm lý của chủ nghĩa khủng bố: Ai trở thành kẻ khủng bố và tại sao, Ban Nghiên cứu Liên bang, Thư viện Quốc hội Mỹ, tháng 9 - 1999, tr 17
(5) Về chủ nghĩa khủng bố, Nxb Chính trị quốc gia, 2002, tr 80
(6) Khủng bố và chống khủng bố với vấn đề an ninh quốc tế, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2003, tr 26
(7) Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu - vấn đề và cách tiếp cận, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội 2004, tr 45-46
(8) Sđd, tr 119-120
(9) Sđd tại chú thích 6, xem tr 48
(10) Về chủ nghĩa khủng bố, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr 84
(11) Viện Thông tin khoa học xã hội, TN 2004 - 64, tr 8

2 nhận xét:

  1. Định nghĩa về khủng bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (1998) cho rằng: "Hoạt động khủng bố là một hành động bạo lực có mưu tính trước, nhằm những mục đích chính trị, thực hiện hướng vào những mục tiêu phi quân sự, bởi những tổ chức dưới cấp nhà nước hay bởi những cá nhân bí mật, thường với mục đích gây ảnh hưởng với một đối tượng nào đó" (4).
    sao người mỹ lại né tránh nói về chủ nghĩa khủng bố cấp nhà nước nhỉ? hay họ chính là hiện thân của chủ nghĩa khủng bố cấp nhà nước.

    Trả lờiXóa
  2. Hi bạn, bạn có thể cho mình xin thông tin về tác giả bài viết và cách liên lạc đc k? mình cũng đang nghiên cứu về vấn đề này, nếu có cách liên hệ và trao đổi với tác giả bài viết thì tốt quá. Mình cảm ơn!
    Mail của mình là lethuytrami@gmail.com

    Trả lờiXóa