Ths. Nguyễn Văn Thành
(Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á)
Những sự kiện diễn ra trên trường quốc tế những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 vừa qua đem đến cho chúng ta những suy nghĩ về một thế giới tương lai khi bước vào thế kỷ XXI. Thời kỳ chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Tuy nhiên, kỷ nguyên hoà bình thực sự cho toàn thể nhân loại trên hành tinh có lẽ còn khá lâu mới có thể đạt đến. Những mâu thuẫn và xung đột sắc tộc, tôn giáo, nạn khủng bố quốc tế, rồi nội chiến, chiến tranh cục bộ… diễn ra khá gay gắt ở nhiều nơi. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra: Thế giới sẽ đi về đâu? Có diễn ra trật tự thế giới mới không và trật tự thế giới mới sẽ như thế nào?… Mặc dù có hạn chế về thời gian và khả năng của mình, những tư liệu chọn lọc đưa ra chưa được đầy đủ, nhưng tác giả bài viết này thử cố gắng tập hợp những ý kiến, quan điểm, những dự báo chung nhất của một số nhà nhà khoa học về cái gọi là trật tự thế giới mới (trật tự của thời kỳ mà nhiều người gọi là thời kỳ sau hậu chiến tranh lạnh) nhằm bước đầu tiếp cận và để cùng nhau suy nghĩ về vấn đề này.
Khi dự báo về trật tự thế giới trong thời gian tới (ở đầu thế kỷ này), hầu như các ý kiến đều có xu hướng cho rằng, thế giới ở thế kỷ mới này sẽ tiến dần từ một trật tự “đơn – đa cực” hiện nay tới một trật tự “đa cực”, trong đó các cực cấu thành có khả năng sẽ là Mỹ – EU – Nhật Bản – Nga – Trung Quốc và có thể cả Ấn Độ. Độ dài của thời kỳ quá độ từ trật tự “đơn – đa cực” hiện sang “đa cực” sẽ diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây, và triển vọng về sự ra đời của một thế giới đa cực không phải là thấp[1]. Tại một hội thảo bàn về “Trật tự toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương sau 11/9”, đại diện của Hàn Quốc cũng cho rằng quan hệ giữa các nước lớn thay đổi đáng kể, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau chống khủng bố toàn cầu. Thế giới bắt đầu thời kỳ sau hậu chiến tranh lạnh, một trật tự thế giới mới đang hình thành sau 11/9; cục diện quan hệ giữa các cường quốc đang thay đổi. Theo đại biểu Singapore thì các nước ý thức được sự bất ổn bên trong và mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Mỹ bắt đầu có ảnh hưởng ở Nam Á và Trung Á. Quan hệ giữa các nước lớn chuyển đổi đáng kể theo hướng ấm lên do có điểm đồng lợi ích trong chống khủng bố. Quan hệ Trung-Mỹ được cải thiện đáng kể sau một loạt khủng hoảng trước đó. Sự kiện 11/9 cũng cho Nhật Bản cơ hội tăng cường liên minh với Mỹ và mở rộng vai trò an ninh. Quan hệ của Nga với Trung Quốc và Mỹ cân bằng hơn, tạo điều kiện cho quan hệ Nga-Mỹ hợp tác chống khủng bố[2]…
Theo tác giả người Nga Sergej Vladimovich Kortunov, cuộc tấn công ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ và hoạt động chống khủng bố diễn ra sau đó, dù không nên thổi phồng ảnh hưởng trực tiếp của nó, đã nói lên những thay đổi có tính chất lâu dài, ảnh hưởng rõ rệt đến cơ cấu các quan hệ quốc tế, đến đường phân chia nền chính trị thế giới, đến sự đổ vỡ trật tự thế giới cũ và hình thành trật tự thế giới mới.
Để đưa ra ý kiến về sự hình thành trật tự thế giới mới, tác giả đã chỉ ra những yếu tố xác nhận sự sụp đổ của trật tự thế giới cũ là: Trước hết, thế giới một cực dựa trên sự thống trị hoàn toàn của nước Mỹ trên thế giới, không thể bảo đảm an ninh thế giới cũng như an ninh quốc gia của chính nước Mỹ, ít ra là vào nửa đầu thế kỷ XXI. Thứ hai là quan niệm thế giới đa cực cũng không thể là một kết cấu vững chắc của trật tự thế giới mới. Ba là tiềm lực của NATO tỏ ra không mấy hữu hiệu để chống lại thách thức quan trọng nhất của thế kỷ XXI, vì tiềm lực này được tạo ra nhằm để thực hiện những nhiệm vụ quân sự hoàn toàn khác với nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Thứ tư, sự kiện 11/9 cũng đã giáng một đòn mạnh vào Liên hợp quốc và các tổ chức khác của hệ thống an ninh thế giới (ví dụ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) là những tổ chức không được chấp nhận trong bối cảnh lịch sử mới. Năm là, các cơ chế an ninh tập thể của SNG đã tỏ ra không hiệu quả.
Mặt khác, tác giả cũng quan niệm tính không lường trước được của những nguyên tắc, những thông số và nội dung của hệ thống các quan hệ quốc tế mới đang hình thành. Do vậy, ngày nay phải ghi nhận những yếu tố quan trọng nhất gây ra tính không ổn định của tình hình là: 1- Các hành động của diễn viên chính là nước Mỹ; 2-Chính sách của CHND Trung Hoa; 3- Thế giới Hồi giáo. Về khu vực xung đột và các vùng lân cận, những nơi mà tình hình ở đó đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành trật tự thế giới mới, thì có những yếu tố gây bất ổn như lực lượng Taliban hay tư tưởng chống đối của những người Hồi giáo[3].
Chúng ta thử xem qua một số nước hoặc tổ chức được cho là có nhiều khả năng nhất để trở thành một trong các cực cấu thành của trật tự thế giới mới này.
- Đối với Mỹ: Phần đông các nhà phân tích cũng nhất trí với nhau là Mỹ hiện đang ở “thế thượng phong”, là cường quốc vượt trội và là cường quốc duy nhất có ảnh hưởng chi phối ở cấp độ toàn cầu. Về vai trò siêu cường của Mỹ, theo Kortunov thì trong tương lai, Mỹ vẫn muốn giành sự thống trị toàn cầu với tư cách là thủ lĩnh duy nhất. Dù là siêu cường duy nhất nhưng Mỹ không thể một mình giải quyết nổi những vấn đề quốc tế quan trọng. Mỹ khống chế châu Âu bằng đòn bẩy lợi ích song phương thông qua NATO, khống chế châu Á thông qua trục an ninh Nhật – Mỹ và trong tương lai 10 năm tới, những liên minh này vẫn tiếp tục được tăng cường hơn nữa bất chấp những bất đồng có thể nảy sinh[4]. Tại Hội thảo “Trật tự toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương sau 11/9” (tổ chức vào 27-28/2/2002 tại Xiêm Riệp – Campuchia), theo đại biểu Mỹ thì sự kiện 11/9 đã tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ và quan hệ quốc tế. Cuộc tấn công khủng bố được coi là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế. Về chính sách đối ngoại của Mỹ: ưu tiên số 1 hiện nay là chống khủng bố; thứ hai là sau 11/9 Mỹ đánh giá lại lập trường “can dự có chọn lọc” và thực hiện chính sách đối ngoại tích cực hơn; ba là chú trọng chủ nghĩa đa phương hơn; bốn là cải thiện quan hệ với các nước lớn; năm là tăng cường luật chơi; sáu là bảo vệ an ninh nước Mỹ[5]õ. Còn tác giả Kortunov thì kết luận khẳng định chắc chắn rằng nỗ lực thiết lập trật tự thế giới mới kiểu Mỹ – trong mọi trường hợp, ở giai đoạn hiện nay – đã bị thất bại. Một trật tự như thế không có triển vọng với tư cách là một xu hướng phát triển thế giới độc nhất. Những ý đồ tiếp theo nhằm áp đặt nó cho thế giới sẽ gặp phải sự chống đối còn lớn hơn từ phía các chủ thể khác của quan hệ quốc tế [6].
- Đối với Liên minh châu Âu (EU): Theo Lại Văn Toàn thì những chỉ số về kinh tế xã hội đưa ra năm 2000 đã cho phép hình dung về một EU như một sức mạnh tương đương với Mỹ. Do vậy, nhiều nhà phân tích đã dự báo về sự nổi lên của EU trong 50 năm đầu của thế kỷ XXI như một cực mới cạnh tranh với Mỹ. Nhưng tình hình mới hiện nay lại cho phép dự đoán về tiềm năng EU có thể xuất hiện sớm hơn trong vòng thập niên đầu của thế kỷ này. Việc Mỹ đơn phương tuyên bố tiếp tục triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia vào tháng 2/2001 đã gây cho EU sự bất bình gay gắt và với thái độ cường quyền kiểu Mỹ, Tây Âu buộc phải có cái nhìn mới về “người đồng minh chiến lược” của mình và bắt đầu cảnh giác. Vì thế có thể dự đoán rằng trong vòng thập kỷ này EU sẽ thành lập một kiểu lực lượng như Lực lượng phản ứng nhanh (Rapid Reaction Force) cùng với một Ủy ban Chính trị và An ninh riêng của mình. Sau sự kiện 11/9 và cuộc chiến ở Afghanistan , EU đã khẳng định vị thế và khả năng là một cực trong thế giới đa cực[7]. Trong khí đó, tác giả Kortunov cho rằng vai trò của châu Âu trong sự hình thành trật tự thế giới mới đang giảm một cách tương đối[8].
- Đối với Nhật Bản: Nhiều dự báo cho rằng trọng tâm phát triển kinh tế của thế giới ở thế kỷ XXI sẽ chuyển dịch từ Tây Âu về phía châu Á-Thái Bình Dương, và Nhật Bản sẽ là một trong những động lực chủ yếu dẫn dắt khu vực này. Bước vào thiên niên kỷ mới, Nhật Bản vẫn là một cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Vai trò của Nhật Bản trong các tổ chức quốc tế và khu vực sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển. Về mặt quân sự thì Nhật Bản có thể khó trở thành một cường quốc độc lập, nhưng vị thế chính trị của Nhật Bản sẽ được nâng cao ngang tầm với địa vị kinh tế, và dần dần trở thành một cực trong trật tự thế giới đa cực[9].
- Đối với Trung Quốc: Với một tiềm năng to lớn về nhiều mặt (cả về diện tích, dân số, sức mạnh kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng…), Trung Quốc rất có khả năng vươn lên thành một cường quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cả thế giới trong tương lai không xa. Theo nghiên cứu của Lại Văn Toàn thì cho dù Mỹ có thực hiện một phương án nào trong hai phương án theo ý muốn là: Trung Quốc sẽ là một thành viên của “cộng đồng” châu Á-Thái Bình Dương; hoặc Trung Quốc trở thành một quan sát viên, “một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, cho dù xảy ra tình huống cụ thể nào đi chăng nữa, Trung Quốc trong vòng 10 năm tới vẫn tiến dần đến vị thế một cực trong trật tự thế giới[10]. Có nhiều người suy nghĩ rằng trong trật tự thế giới mới, thế lực siêu cường Trung Quốc sẽ “tái xuất hiện”, có nhiều khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ để rồi sẽ vượt Mỹ vào khoảng giữa thế kỷ này[11].
Tại cuộc Hội thảo “Trật tự toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương sau 11/9” nói trên, đại biểu Trung Quốc nêu lên quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc chiến chống khủng bố thế giới sau sự kiện 11/9 là Trung Quốc ủng hộ hành động quân sự của Mỹ một cách rõ ràng và mạnh mẽ, đặc biệt hành động quân sự của Mỹ ở nước thứ ba với 3 lý do: 1- Đây là thảm hoạ lớn chống nhân loại; 2- Trung Quốc ủng hộ Mỹ chính là phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc; 3- Trung Quốc tính đến quan hệ song phương Trung-Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc cho rằng chính Mỹ phải chịu trách nhiệm về thảm hoạ 11/9 vì do chính sách đối ngoại của Mỹ trong những thập kỷ qua chống nhiều nước thế giới thứ ba và do chính sách bá quyền và chính trị cường quyền của Mỹ gây ra; đó là quan hệ nhân quả và không đồng tình với cách trả đũa của Mỹ. Quan điểm chính thức của Trung Quốc về trật tự thế giới và khu vực sau sự kiện 11/9 là không thay đổi, vẫn tương tự như những năm qua: hoà bình và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, đa cực hoá vẫn là xu thế lâu dài; cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Giới học giả Trung Quốc cho rằng không có thay đổi lớn trong quan hệ quốc tế cũng như quan hệ giữa các nước lớn[12].
- Đối với nước Nga: Nga vẫn là một cường quốc quân sự. Nói về tiềm năng thì không chỉ nhấn mạnh đến vị thế của Nga là một cường quốc hạt nhân, có nền công nghệ quân sự và vũ trụ, mà còn phải thấy nguồn nhân lực khoa học và trí tuệ dồi dào, một nền văn hoá Nga tiên tiến, một lãnh thổ rộng lớn có tài nguyên phong phú lại tiếp giáp với hai trung tâm kinh tế lớn của thế giới là Tây Âu và châu Á-Thái Bình Dương. Với những tiềm năng như vậy, việc vươn lên tầm cỡ của một thế lực toàn cầu đối với Nga chỉ còn là vấn đề thời gian. Do vậy có thể dự đoán rằng trong 10 năm tới Nga sẽ hội tụ được những điều kiện để trở thành một cực trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành[13]. Tác giả Kortunov cũng cho rằng vai trò của Nga trong sự hình thành trật tự thế giới mới có khả năng tăng lên. Tuy vậy, tác giả này cũng cho rằng nước Nga hiện quá yếu về kinh tế và quân sự để có thể đóng vai trò là một trung tâm sức mạnh ngang Mỹ, một đối tác ngang với Mỹ trong xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế mới. Trong chính sách của mình, Nga sẽ buộc phải dựa vào cả châu Âu, Trung Quốc và thế giới Hồi giáo. Với trường hợp ngoại giao khéo, chính sách đa phương này có thể làm cho nước Nga trở thành một đối tác vô cùng sáng giá và có thể là không thể thay thế của cộng đồng thế giới. Tác giả cũng nhận định rằng, triển vọng xích lại gần nhau giữa Nga và Mỹ là khá hạn chế, trong đó có nguyên nhân là khả năng quân sự – chính trị khác nhau. Tác giả cho rằng không nên đánh giá quá cao tiềm năng của liên minh chống khủng bố giữa Nga và phương Tây. Tuy nước Nga chưa chắc gia nhập vào NATO, nhưng sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và NATO trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế là hoàn toàn có thể và cần thiết[14].
Như vậy, có thể thấy cục diện thế giới những thập niên đầu thế kỷ này nổi lên một số điểm như sau:
- Sự kiện 11/9 đã ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ, làm chuyển hoá sâu sắc cục diện thế giới và khu vực, thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đã kết thúc. Những cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq vừa qua đã nói rõ điều đó.
- Một thế giới đa cực, mặt dù có thể có những yếu tố làm cho tính đa cực này không ổn định, được hình thành, trong đó nổi lên các nước lớn Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga…
- Trong những thập niên đầu của thế kỷ mới, có thể những xu thế chính của thời đại (như hoà bình, hợp tác và cạnh tranh, toàn cầu hoá, khu vực hoá…) và quan hệ giữa các nước lớn vẫn không có gì thay đổi lớn, nhưng trong tương lai xa hơn thì tình hình có thể sẽ còn tuỳ thuộc vào những diễn biến khác trên trường quốc tế, trật tự thế giới mới cũng sẽ phụ thuộc vào những nhận thức và hành động của con người, của các nước trên toàn thế giới.
Cho dù một trật tự thế giới mới có diễn ra theo như những dự báo hay không, lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc vẫn là đảm bảo độc lập dân tộc, hoà bình và an ninh, thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân. Mong rằng mỗi quốc gia dân tộc sẽ nhận thức đầy đủ và đúng đắn (chẳng hạn vấn đề đang nổi lên hiện nay là nạn khủng bố và việc Mỹ lợi dụng vấn đề chống khủng bố để phát động chiến tranh xâm lược) để có những hành động tích cực, phù hợp với xu hướng hoà bình, hợp tác của toàn nhân loại, bởi vì, như trên đã nói, tương lai của một trật tự thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự nhận thức và hành động của các dân tộc, của các nước, dù nước lớn hay nước nhỏ. [1] Lại Văn Toàn: Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh – Phân tích và dự báo. Tạp chí. TT KHXH, số 11/2001, tr. 14-15.
[2] Hải Hà: Hội thảo “Trật tự toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương sau 11/9”. Tạp chí. Nghiên cứu Quốc tế, số 1/2002, tr. 51-52.
[3] Sergej Vadimovich Kortunov: Sự hình thành trật tự thế giới mới. Viện TTKHXH, tài liệu phục vụ nghiên cứu, số TN 2002-70, tr. 1-3.
[4] Lại Văn Toàn: Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh: phân tích và dự báo. Tạp chí. Thông tin KHXH, số 11/2001, tr. 16-17.
[5] Hải Hà: Hội thảo “Trật tự toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương sau 11/9”. Tạp chí.Nghiên cứu Quốc tế, số 1/2002, tr. 51.
[6] Sergej Vadimovich Kortunov: Sự hình thành trật tự thế giới mới. Viện TTKHXH , TN 2002-71, tr. 4.
[7] Lại Văn Toàn: Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh: Phân tích và dự báo. Tạp chí. Thông tin KHXH, số 11/2001, tr. 17-18.
[8] Sergej Vadimovich Kortunov: Sự hình thành trật tự thế giới mới. Viện Thông tin KHXH , TN 2002-71, tr. 4.
[9] Lại Văn Toàn: Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh: Phân tích và dự báo. Tạp chí. Thông tin KHXH, số 11/2001, tr. 19-20.
[10] Lại Văn Toàn: Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh: Phân tích và dự báo. Tạp chí Thông tin KHXH, số 11/2001, tr. 20.
[11] James C. Hsiung: Châu Á-Thái Bình Dương trong trật tự thế giới thế kỷ XXI. Tài liệu của Viện Thông tin KHXH, số TN 2003-47.
[12] Hải Hà: Hội thảo “Trật tự toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương sau 11/9”. Tạp chí NCQT, số 1/2002, tr. 50.
[13] Lại Văn Toàn: Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh: Phân tích và dự báo. Tạp chí Thông tin KHXH, số 11/2001, tr. 20.
[14] Sergej Vadimovich Kortunov: Sự hình thành trật tự thế giới mới. Viện Thông tin KHXH , TN 2002-71, tr.4-5.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét