Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

TUỔI HAI MƯƠI - HẠNH PHÚC VÀ LÝ TƯỞNG


                                                                   Nguyễn Quỳnh Anh
                                                                          
Trong cuộc sống, chúng ta hay nói nhiều đến hạnh phúc, tuy nhiên có khi nào chúng ta suy nghĩ đến ý nghĩa chân chính của nó. Nhiều khi được một công việc tốt, xem một bộ phim hay, có một chuyến đi chơi lý thú với bạn bè chúng ta đã coi là hạnh phúc. Tất nhiên, một công việc tốt, một bộ phim hay, một chuyến đi chơi vui vẻ đều làm cuộc sống của chúng ta thêm phong phú nhưng tất cả những điều đó thật nhỏ bé biết bao so với sự to lớn của hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc không chỉ đến với những ai có cuộc sống sung sướng mà hạnh phúc có thể đến trong bất cứ điều kiện nào, thậm chí cả trong những hoàn cảnh khó khăn, đáng sợ vô hy vọng nhất nếu con người có lý tưởng và đấu tranh không ngưng nghỉ vì lý tưởng đó. Nói về hạnh phúc và lý tưởng, C.Mác khi còn là một thanh niên đã có những vần thơ rất tha thiết và nóng bỏng:
Sống yên tĩnh, làm sao mà chịu được
Khi tâm hồn đang rừng rực lửa đời
Không thể sống thiếu xông pha bão táp
Thiếu đấu tranh trong mê muội buông trôi…
Như vậy, theo quan điểm của C.Mác “hạnh phúc là đấu tranh”, hạnh phúc mà C.Mác nói đến cũng là lý tưởng của triệu triệu trái tim con người Việt Nam, đấu tranh vì hạnh phúc của dân tộc. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên đã xung phong ra trận với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”, đâu đâu cũng diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ, những ánh mắt gửi gắm niềm tin, những nụ cười quyết thắng hứa hẹn ngày trở về. Người ra đi biết rằng họ sẽ bước vào cuộc sống mới với nhiều cam go, thử thách, cái sống và cái chết chỉ là ranh giới mỏng manh. Tuy nhiên, với một bầu nhiệt huyết cháy bỏng họ sá chi điều đó, ra đi là tìm hạnh phúc, hạnh phúc ở đây có ý nghĩa vô cùng vĩ đại, là hạnh phúc của cả dân tộc.
Hoà trong lớp lớp thanh niên ưu tú thời ấy có anh Nguyễn Văn Thạc và chị Đặng Thuỳ Trâm…họ là những tri thức còn rất trẻ, mang trong tim nhiều hoài bão và khát vọng. Họ đã chiến đấu và hi sinh một cách anh dũng… Họ hy sinh một cách bình lặng, nhẹ nhàng cũng như bao người con khác đã ngã xuống dưới lòng đất mẹ… Người chết đi ánh sáng còn để lại, ánh sáng mà Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm là những dòng suy nghĩ thể hiện trong nhật ký của mình.
Thông qua những câu chuyện kể rất đời thường, thấm đẫm tình người, “Mãi mãi tuổi hai mươi” là tiếng nói phơi phới, trong trẻo của một sinh viên say mê lý tưởng, sẵn sàng ra trận, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mang chất hiện thực bởi 3 cuộc chiến đấu bao phủ cuộc sống của người nữ bác sĩ trẻ là: chống kẻ thù, chống những kẻ xấu trong hàng ngũ và chống lại chính những bản năng tầm thường của bản thân mình. Những trang viết của họ như nhắn nhủ với thế hệ trẻ hãy luôn vượt lên chính con người nhỏ bé của mình, hãy nuôi dưỡng lý tưởng nhân văn và lẽ sống vì cộng đồng. 
Chiến tranh đã đi qua, đất nước, nhân dân tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ, những người đã hiến dâng cuộc sống, tính mạng, những gì quý báu nhất của một con người, để dân tộc ta đi tới chiến thắng, đất nước ta được hòa bình, tự do, độc lập. Anh Nguyễn Văn Thạc và chị Đặng Thuỳ Trâm tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên ưu tú những năm 70 có học thức, đầy khát khao hoài bão cống hiến tài năng cho đất nước, có tâm hồn, tình yêu, tình bạn trong sáng, đẹp đẽ song cũng rất biết hy sinh cho lý tưởng, cho sự nghiệp chung của đất nước. Đọc Mãi mãi tuổi hai mươi và nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, trong lòng chúng ta trào dâng biết bao cảm xúc khó tả. Thật kỳ lạ, những dòng chữ ấy giúp ta mình chiêm nghiệm nhiều thứ về cuộc sống hiện tại, những khát khao sống chân thành, mạnh mẽ, sống có ích mà chúng ta hằng mong mỏi. Anh Thạc, chị Trâm có tiếc tuổi xuân không? Có chứ, họ tiếc phải bỏ dở những năm tháng giảng đường tuyệt đẹp, bỏ Hà Nội yên bình thơ mộng để dấn thân vào một cuộc sống chông gai, hiểm nguy, nhưng sự tiếc nuối ấy làm sao ngăn cản được những trái tim đầy nhiệt huyết cháy bỏng. Lý tưởng sống mà chúng ta thấy nổi trội nhất ở đây là lòng khát khao được sống thực là mình, được cống hiến hết mình.
Những dòng nhật ký được anh Thạc, chị Trâm viết cho riêng mình, bởi vậy khi đọc nó, chúng ta xúc động được bước vào thế giới nội tâm vừa phong phú vừa chân thực, sâu sắc của họ. Đọc những dòng nhật ký này, chúng ta càng hiểu thêm về sức mạnh chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc chống Mỹ cứu nước: Đó là sức mạnh của tâm hồn, của ý chí con người Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam. Đất nước ta chiến thắng vì có những người con ưu tú như anh Thạc, chị Trâm. Và biết bao con người như vậy đã ngã xuống mãi mãi không trở về. Họ hy sinh, nhưng tuổi thanh xuân của họ còn sống mãi, đúng như tên gọi của một trong 2 cuốn sách nhật ký ấy: “Mãi mãi tuổi hai mươi”.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ mới xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cuộc sống của tuổi trẻ ngày nay nói chung đã có rất nhiều điều khác với thế hệ thanh niên những năm chống Mỹ cứu nước. Nhưng điểm chung nhất của tuổi trẻ Việt Nam thì chỉ một, đó là khát vọng vươn lên, cống hiến cho lý tưởng cách mạng. Lý tưởng cách mạng của tuổi 20 ngày nay chính là phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để phấn đấu và cống hiến cho lý tưởng ấy, mỗi chúng hãy thắp lên ngọn lửa nhiệt tình vượt khó khăn, hoài bão chiếm lĩnh tri thức và công nghệ. Đó chính là sự thực hiện cụ thể và tiếp nối truyền thống, hoài bão và lý tưởng của thế hệ trẻ đi trước, hoài bão mà lớp người như chị Thuỳ Trâm và anh Nguyễn Văn Thạc đã khát khao mơ ước và không tiếc máu xương vun đắp…
Chúng hãy tự nhủ lòng mình: mình bước vào đời với điều kiện thuận lợi hơn thế hệ chị Trâm, anh Thạc rất nhiều, có điều kiện để cống hiến cho xã hội, cho đất nước, nhưng liệu mình đã có được đầy đủ nhiệt tình cách mạng, có hoài bão cao đẹp để phấn đấu, cống hiến cho xã hội, cho đất nước như anh Thạc, như chị Thùy Trâm và bao người đã ngã xuống cho mình có cuộc sống hòa bình tươi đẹp chưa?
Nguyễn Văn Thạc đã viết trong nhật ký một câu mà giờ đây khi đọc nó, tôi có cảm tưởng rằng anh đã dự cảm, đã muốn nhắn gửi cho chúng ta hôm nay:
Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, khi cánh cửa trời  rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ mà cuộc sống của họ đã xa xôi….”.







1 nhận xét:

  1. hjhj, lang thang trên mạng gặp blog của thầy thấy vui ghê.

    Trả lờiXóa