Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TÀI LIỆU BẮT BUỘC
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009
2. Bộ giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Triết học Mác – Lênin, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006
TÀI LIỆU THAM KHẢO
3. Lịch sử Triết học, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 1999
4. Viện nghiên cứu con người, Con người và phát triển con người trong quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003
5. Nguyễn Quỳnh Anh, Giáo án phần VI. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về con người và vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân
6. Nguyễn Quỳnh Anh, Tác động của toàn cầu hóa đến an ninh con người ở Việt Nam hiện nay, tham luận Hội thảo An ninh con người ở Đông Nam Á do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức năm 2008
7. Nguyễn Quỳnh Anh, Nhận diện và phê phán những luận điệu xuyên tạc vấn đề quyền con người, tuyên truyền phá hoại tư tưởng ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học và Giáo dục an ninh, số 5 (tháng 10/2007)

 

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ VỀ CON NGƯỜI VÀ VAI TRÒ SÁNG TẠO LỊCH SỬ CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN

Lịch sử khoa học nói chung, triết học nói riêng là lịch sử nghiên cứu về con người. Sở dĩ như vậy vì mục đích của khoa học trong đó có triết học (dù là thứ triết học nào) suy cho cùng là vì con người, phục vụ con người. Bản thân sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng chủ yếu hướng tới việc trang bị vũ khí lý luận để con người giải phóng mình, tạo dựng một xã hội ở đó “sự tự do của mỗi người là sự tự do của tất cả mọi người”. Không những thế, con người còn là yếu tố không thể thiếu trong vấn đề cơ bản của triết học, là điểm kết nối quan trọng giữa triết học tự nhiên và triết học xã hội. Chính chủ nghĩa duy vật lịch sử đã được hình thành trên cơ sở nghiên cứu đời sống sinh hoạt của con người, mà trước tiên là sinh hoạt vật chất.
Mặc dù triết học và nhiều khoa học khác đều coi con người là đối tượng nghiên cứu, song cách tiếp cận có những điểm khác nhau. Những ngành khoa học cụ thể nghiên cứu những khía cạnh riêng lẻ của con người, của xã hội loài người (Ví dụ: sinh học nghiên cứu cấu trúc cơ thể và các đặc điểm tự nhiên của con người; tâm lý học nghiên cứu đời sống tâm lý của con người…). Triết học nghiên cứu con người với tư cách là một chỉnh thể toàn vẹn có tính hệ thống, từ việc làm rõ khái niệm, bản chất con người đi đến truy tìm con đường, cách thức giải phóng con người. Những câu hỏi như “Con người từ đâu sinh ra? Ý nghĩa cuộc sống con người là gì? Trong mỗi thời đại lịch sử con người quan hệ với tự nhiên và đồng loại như thế nào? Con người có thể làm chủ tự nhiên, xã hội và bản thân mình hay không? Con người nào giữ vai trò quyết định bước tiến của lịch sử, quần chúng nhân dân hay những cá nhân kiệt xuất?...” đã được các học thuyết triết học từ cổ đại đến nay đã đặt ra và trả lời bằng những cách khác nhau, nhưng chỉ đến triết học Mác – Lênin mới được giải đáp đầy đủ và sâu sắc nhất.
Vậy, chủ nghĩa duy vật lịch sử xem xét vấn đề con người như thế nào và vai trò con người (trong đó quần chúng nhân dân được coi là nhân tố cách mạng và cơ bản nhất) thể hiện trong lịch sử ra sao. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu hai nội dung cụ thể: 1. Con người và bản chất con người; 2. Khái niệm quần chúng nhân dân và vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân.
1. Con người và bản chất của con người
Thực chất của việc nghiên cứu con người và bản chất con người là quá trình con người tự lấy mình làm đối tượng của nhận thức. Song, những nhận thức đó lại có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc định hướng hoạt động của con người trên bước đường tìm kiếm tự do. Bởi cho rằng đời sống con người là do các thế lực siêu nhiên quyết định nên hầu hết các trường phái triết học duy tâm – tôn giáo đã đưa ra con đường giải thoát về mặt tinh thần. Hạnh phúc mà họ mong mỏi không phải trong cuộc sống hiện thực mà ở một cõi thiên đường mông lung nào đó. Nhiều trường phái triết học tư sản trước Mác cũng như hiện nay thì nghiêng về bản chất tự nhiên của con người, từ đó khuếch trương chủ quan tính, khiến con người tách khỏi xã hội, dường như bơ vơ, lạc lõng, không tìm được lối đi. Khác với những học thuyết đó, triết học Mác – Lênin xem xét con người một cách cụ thể và toàn diện. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về con người thể hiện như sau:
a/ Khái niệm con người
Con người là một thực thể tự nhiên mang đặc tính xã hội, trong đó, phương diện tự nhiên và phương diện xã hội thống nhất biện chứng với nhau. Điều đó đã được C.Mác khẳng định trong tác phẩm Bản thảo kinh tế triết học năm 1844: “Con người là một thực thể tự nhiên có tính người, là một sinh vật có tính loài”[1].
- Thứ nhất, bản tính tự nhiên của con người:
Con người trước hết mang bản tính tự nhiên, tự nhiên chính là tiền đề vật chất đầu tiên quy định sự hình thành, tồn tại và phát triển của con người. Vì thế, nghiên cứu cấu tạo, nguồn gốc tự nhiên của con người là cơ sở quan trọng để con người hiểu biết chính bản thân mình, tiến đến làm chủ bản thân mình trong mọi hành vi và hoạt động sáng tạo ra lịch sử. Bản tính tự nhiên của con người được phân tích từ những khía cạnh sau đây:
+ Con người là sản phẩm của tự nhiên, là kết quả của quá trình tiến hóa và phát triển lâu dài của giới tự nhiên. Quan điểm trên của chủ nghĩa duy vật lịch sử được chứng minh bằng toàn bộ sự phát triển của chủ nghĩa duy vật và khoa học tự nhiên. Học thuyết của Đarwin về sự tiến hoá của các loài đã khẳng định rằng giới sinh vật, kể cả loài người là sản phẩm của sự tiến hóa. Cách đây khoảng 3,5 tỷ năm, trái đất được bao phủ bởi đại dương mênh mông, hạt sống đầu tiên được hình thành đó là những hạt côaxécva. Từ hạt sống đầu tiên đó giới sinh vật đã phát triển một cách đa dạng thành các cơ thể đơn bào, đa bào, thực vật, động vật. Trong thế giới sinh vật phong phú và đa dạng ấy, có một loại động vật linh trưởng cấp cao là tổ tiên của con người ngày nay. Thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn và chịu sự tác động của các nhân tố tiến hóa là di truyền, biến dị và chọn lọc tự nhiên, loài linh trưởng ấy đã tiến hóa thành người. Sự tiến hóa của loài người lần lượt trải qua các dạng sau: Người vượn Australopithecus, người khéo léo Homo habilis, người đứng thẳng Homo erectus, người thông minh Homo sapiens, người hiện đại Homo sapiens spiens. (Chúng ta có thể hình dung thuyết tiến hoá của Đácuyn qua hình ảnh và đoạn phim mô phỏng sau). 
Vấn đề nguồn gốc của con người ngày càng được làm sáng tỏ bởi những khám phá của khoa học hiện đại. Năm 1974, nhà nhân chủng học Donald Johanson tìm thấy hoá thạch gần như nguyên vẹn của một phụ nữ tồn tại từ 3,2 triệu năm trước tại Ethiopia và đặt tên là Lucy. Tháng 10, năm 2009, các nhà khoa học ở California - Mỹ công bố hình ảnh hoàn chỉnh về con người có niên đại cách đây 4,4 triệu năm mang tên Ardi (phát hiện này được tạp chí Times của Mỹ coi là thành tựu khoa học mang tính đột phá nhất trong năm 2009). Sự xuất hiện của Ardi đã làm thay đổi những hiểu biết truyền thống về cội nguồn con người, các nhà khoa học cho rằng Ardi đứng thẳng, không giống vượn, có thể là tổ tiên chung của con người và các động vật linh trưởng hiện nay. Tiếp theo đó, ngày 9 tháng 4 năm 2010, các nhà khoa học Australia công bố kết quả nghiên cứu hai bộ xương hoá thạch cách đây khoảng 1,75 đến 1,95 triệu năm tìm được ở Nam Phi, bổ sung một mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa từ người tối cổ lên người hiện đại 
Từ thuyết tiến hoá luận của Darwin đến những khám phá của khoa học hiện đại là chặng đường dài thể hiện cố gắng của con người trong quá trình tìm hiểu chính bản thân mình. Mặc dù các thành tựu khoa học có thể mở ra hướng mới cho việc nghiên cứu nguồn gốc con người, song, chúng không phủ nhận mà tiếp tục xây dựng căn cứ vững chắc cho nhận định: con người là sản phẩm của tự nhiên, của quá trình tiến hoá.
+ Con người là một bộ phận của giới tự nhiên, đồng thời giới tự nhiên cũng là “thân thể vô cơ của con người”. Con người là bộ phận của giới tự nhiên nên như mọi động vật khác con người có đầy đủ những đặc điểm mà tự nhiên ban tặng. Con người phải dựa vào tự nhiên, tìm thức ăn, nước uống từ trong tự nhiên, đấu tranh để tồn tại, ăn uống và sinh con đẻ cái. C.Mác viết: “Con người không bao giờ thoát ly khỏi những đặc tính vốn có của vật, thành thử bao giờ cũng chỉ có thể nói đến việc những đặc tính ấy có ít hay nhiều đến sự chênh lệch về mức độ thú tính và tính người mà thôi”[2]. Bởi mang các đặc điểm tự nhiên - sinh học, nên con người còn bị hạn chế bởi những đối tượng tự nhiên – thân thể vô cơ ở bên ngoài. Những biến đổi của tự nhiên và những quy luật tự nhiên (đồng hóa, dị hóa, di truyền, biến dị, thích nghi, sinh, lão, bệnh, tử) trực tiếp hoặc gián tiếp thường xuyên quy định sự tồn tại của con người và xã hội loài người… (Ví dụ: Sự giống nhau giữa những người có cùng chung huyết thống là do chịu sự tác động của quy luật di truyền; cơ thể của con người thích nghi với môi trường bằng việc trời lạnh thì da co lại, trời nóng thì đổ mồ hôi…). Diễn đạt quan niệm trên, C.Mác viết: “Thực thể không có tự nhiên ở bên ngoài nó thì không phải là thực thể tự nhiên, nó không tham gia vào đời sống tự nhiên”[3]. Bên cạnh đó, với tư cách là thực thể tự nhiên, con người bằng hoạt động của mình cũng luôn tác động ngược lại với tự nhiên, làm thay đổi tự nhiên. Điều này thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa con người với những tồn tại khác của giới tự nhiên.
- Thứ hai, bản tính xã hội của con người:
Mặc dù mang bản tính tự nhiên, song con người không đồng nhất với các tồn tại khác của tự nhiên mà còn mang bản tính xã hội. C.Mác viết: “Nhưng con người không chỉ là thực thể tự nhiên, nó là thực thể tự nhiên có tính chất người”[4]. Bản tính xã hội của con người được phân tích từ những khía cạnh sau:
+ Sự hình thành con người không phải chỉ từ sự tiến hoá, sự phát triển của giới tự nhiên mà còn có nguồn gốc xã hội, mà trước hết và cơ bản nhất là nhân tố lao động. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã phân tích vai trò của lao động và khẳng định lao động là yếu tố quyết định sự hình thành bản tính xã hội ở con người, nhờ đó mà con người có khả năng vượt qua những tồn tại tự nhiên khác vươn lên đứng đầu trong giới sinh vật. C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Có thể phân biệt con người với súc vật, bằng ý thức, bằng tôn giáo, nói chung bằng bất cứ cái gì cũng được. Bản thân con người bắt đầu bằng sự tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình”[5]. Con người chỉ có thể tồn tại khi được thoả mãn những nhu cầu tự nhiên - sinh học, tuy nhiên các tư liệu để thoả mãn nhu cầu đó không có sẵn trong giới tự nhiên, bởi thế con người phải lao động, sáng tạo và không ngừng sáng tạo. Chính quá trình lao động đã hoàn thiện mặt tự nhiên, xây dựng nền tảng sinh học vững chắc cho bản tính xã hội của con người (Ví dụ: nhờ lao động, kết cấu bộ não con người trở nên phức tạp hơn, con người có dáng đứng thẳng và bàn tay cầm nắm khéo léo như ngày hôm nay). Thông qua lao động, con người đã hình thành tư duy – ý thức, con người bằng hoạt động thực tiễn đã tác động vào các đối tượng hiện thực, buộc chúng phải bộc lộ các thuộc tính, quy luật vận động để con người nhận thức. Cũng nhờ lao động, ngôn ngữ xuất hiện để đáp ứng nhu cầu trao đổi tư tưởng, kinh nghiệm của con người và trở thành phương tiện hữu hiệu để con người thiết lập, phát triển các mối quan hệ xã hội.  
Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều động vật cũng có khả năng suy xét và tạo ra những vật dụng phục vụ cuộc sống của chúng, thậm chí một số nghiên cứu cho thấy trí khôn của loài chó có thể tương đương với một đứa trẻ hai tuổi. Như vậy, có phải động vật cũng có tư duy như con người và điểm khác biệt thật sự giữa con người và thế giới loài vật là gì? Để trả lời cho câu hỏi đó, cần thiết phải trở lại làm rõ khái niệm tư duy – ý thức của con người qua đó so sánh với cái gọi là “suy xét” hay “trí khôn” ở loài vật. Tư duy – ý thức là sự phản ánh năng động, sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc con người. Phản ánh là thuộc tính chung của mọi đối tượng vật chất, thể hiện qua việc tái tạo những đặc điểm của dạng vật chất này ở hệ thống vật chất khác trong quá trình tác động qua lại giữa chúng. Sự phản ánh ở những động vật có hệ thần kinh trung ương gọi là tâm lý động vật, song tâm lý động vật chưa phải là tư duy – ý thức, nó mới là sự phản ánh có tính chất bản năng do nhu cầu trực tiếp của sinh lý cơ thể và do quy luật sinh học chi phối. Bởi vậy, ngay cả những động vật có “trí khôn” nhất cũng không thể có được năng lực như con người.
Trước tiên là khả năng làm ra những vật dụng, ong, chim, kiến hay mối biết làm tổ, hải ly biết xây những đập nước nhưng những sản phẩm như thế hoàn toàn là thuộc phần bản năng của chúng. Một loài chim nhất định làm tổ theo cùng cách từ thế hệ này sang thế hệ khác, tổ ong dù là một kết cấu hết sức phức tạp nhưng trước đây và muôn đời sau cũng không thay đổi. Điều này cho thấy rằng tổ là một sản phẩm của bản năng chứ không phải của nghệ thuật, vốn đòi hỏi lý trí và ý chí tự do. Trong khi đó, nhờ tư duy, con người biết sáng chế và tuyển chọn, họ là những nghệ sĩ thực sự, trong khi con vật thì không. Chỉ có con người mới chế tạo máy móc để tạo năng suất, những con vật có thể sử dụng những công cụ thô sơ, nhưng không một con vật nào tạo ra được máy vi tính, hay những máy học hiện đại… C.Mác và Ăngghen đã viết: “Con nhện làm những động tác giống như động tác của người thợ dệt, và bằng việc xây dựng những ngăn tổ sáp của mình, con ong đã làm cho một số nhà kiến trúc phải hổ thẹn. Nhưng điều ngay từ đầu phân biệt nhà kiến trúc tồi nhất với con ong giỏi nhất là trước khi xây dựng một cái gì đó nhà kiến trúc đã xây dựng chúng ở trong đầu óc của mình rồi”[6] “Con vật chỉ tái sản xuất ra bản thân nó, còn con người thì tái sản xuất ra toàn bộ giới tự nhiên”[7].
Tiếp theo là cái gọi là “suy xét” ở loài vật, nói đúng hơn là những con vật có thể giải quyết các vấn đề mỗi khi chúng phải đương đầu với tình trạng cấp bách về sinh học để tìm cách đạt được những gì chúng cần. Sự “suy nghĩ”, “thông minh” của con vật chỉ ở mức độ này, không con vật nào từng ngồi xuống để suy nghĩ, theo cách mà một triết gia hay một nhà toán học làm khi anh ta không có gì thúc bách về mặt sinh học để phải làm như thế. Hơn nữa, việc con người suy nghĩ lan man và sử dụng tới ngôn ngữ là một biểu hiện nữa cho thấy việc này hoàn toàn khác hẳn cách một con vật giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên là con vật tạo ra được âm thanh và truyền đạt được những cảm xúc hoặc rung động của chúng cho nhau, nhưng không một con vật nào truyền đạt suy nghĩ; không một con vật nào từng thốt ra một câu để khẳng định một điều gì đó là đúng hay sai, không con vật nào biết sử dụng ngôn ngữ để truyền những tư tưởng hay toàn bộ truyền thống văn hóa, từ thế hệ này sang thế hệ khác mà chỉ một loài vật có lý trí là con người mới có thể làm điều đó.
Cuối cùng, nhờ có ý thức – có sự phản ánh sáng tạo, khác với tâm lý động vật mà ngay cả những đặc điểm tưởng chừng như mang tính tự nhiên, bản năng thuần tuý của con người cũng vượt lên trên thế giới loài vật. Thực tế, bản tính tự nhiên của con người đã được xã hội hoá để mang tính người hơn… (Ví dụ: nhu cầu ăn, mặc của con người thoạt tiên là nhu cầu sinh học, chỉ cần ăn no - mặc ấm; song, hiện nay nhu cầu này đã mang tính xã hội, con người ngày càng hướng tới việc ăn ngon - mặc đẹp, ăn sung - mặc sướng; hay như hoạt động duy trì nòi giống, sinh con đẻ cái cũng được con người điều tiết cho phù hợp với đạo đức, pháp luật, phù hợp với nhu cầu xã hội).
+ Sự tồn tại, phát triển của con người luôn bị chi phối bởi các nhân tố xã hội và các quy luật xã hội. Xã hội là hình thức vận động cao nhất của thế giới vật chất, hình thái này lấy con người và sự tác động qua lại giữa người với người làm nền tảng. Con người là bộ phận căn bản nhất của xã hội nên mỗi sự chuyển biến của xã hội đều ghi những dấu ấn nhất định lên con người, các quy luật xã hội vẫn luôn tác động ngoài ý chí và nguyện vọng của con người. Những nhân tố, quy luật xã hội có ảnh hưởng đến con người đó là kinh tế, chính trị, văn hóa…, là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật về sự phù hợp giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng, quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, các quy luật về giai cấp và đấu tranh giai cấp… (Ví dụ: Một người sinh ra trong xã hội có giai cấp sẽ thuộc một giai cấp nhất định, chịu sự tác động của quy luật đấu tranh giai cấp; nếu anh thuộc giai cấp vô sản, bị giai cấp tư sản bóc lột, đời sống cực khổ nhất thiết anh phải đứng lên đấu tranh giành lại quyền và lợi ích chính đáng cho bản thân mình, gia đình mình, giai cấp mình).
Như vậy, sự tồn tại bản tính tự nhiên của con người không chỉ bác bỏ quan niệm siêu nhiên về nó mà còn khẳng định con người là sản phẩm của quá trình tiến hóa tự nhiên, chính tự nhiên là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của con người. Bản tính xã hội của con người chỉ được hình thành dựa trên một nền tảng tự nhiên – sinh học vững chắc, song đến lượt mình, bản tính xã hội quay lại tác động hoàn thiện mặt tự nhiên trong con người. Trên thực tế, mặc dù có có những nét chung với động vật, chẳng hạn như những đặc điểm về cơ cấu và chức năng của cơ thể, đặc tính di truyền… song, bản tính tự nhiên trong con người không còn nguyên dạng như trong động vật, mà nhờ mặt xã hội, những nét chung ấy đã được cải tạo và phát triển ở trình độ cao hơn. Những vấn đề đã trình bày ở trên cho thấy tính thống nhất biện chứng giữa bản tính tự nhiên và bản tính xã hội của con người. Bản tính tự nhiên đã được nhân hoá để mang giá trị văn minh loài người, còn bản tính xã hội thì không thể thoát ly tiền đề tự nhiên - sinh học, hai mặt đó hoà quyện với nhau để tạo thành con người viết hoa, con người tự nhiên – xã hội.
b/ Bản chất của con người
Quan điểm về bản chất con người của chủ nghĩa Mác được hình thành trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những quan điểm về con người trong lịch sử triết học, đặc biệt là của triết học cổ điển Đức với hai đại biểu xuất sắc: Hêghen và Phoiơbắc. Nhà triết học duy tâm khách quan Hêghen coi toàn bộ thế giới hiện thực chỉ là hiện thân của ý niệm tuyệt đối, chính ý niệm tuyệt đối tha hoá thành tự nhiên, xã hội và con người. Phê phán quan điểm của Hêghen, Phoiơbắc khẳng định con người không phải là nô lệ của thượng đế hay tinh thần, mà là sản phẩm cao quý nhất của tạo hoá, là những con người bằng xương, bằng thịt, bản chất con người là tổng thể những khát vọng, khả năng, nhu cầu, ham muốn và trí tưởng tượng. Mặc dù có những điểm tích cực nhưng triết học nhân bản của Phoiơbắc cuối cùng cũng rơi vào duy tâm bởi ông đã tuyệt đối hoá mặt tự nhiên của con người, tách rời con người với đời sống hiện thực và các quan hệ xã hội. Ông không biết đến những quan hệ giữa người với người nào khác ngoài tình yêu, hơn nữa lại là thứ tình yêu được lý tưởng hoá trở thành tôn giáo… coi đó là liều thuốc thần diệu có thể xoá tan mọi ưu phiền, đau khổ trong đời sống con người. Bởi vậy, theo Ph.Ăngghen, con người trong triết học của Phoiơbắc là con người phi lịch sử, phi giai cấp và hết sức trừu tượng.
Theo chủ nghĩa duy vật lịch sử, sự tồn tại bản tính tự nhiên trong con người là một tất yếu khách quan, song để nhận thức được bản chất con người phải xuất phát từ chính đời sống con người, từ những quan hệ xã hội. Bởi vậy, trong luận đề thứ sáu của tác phẩm Luận cương về Phoiơbắc, C.Mác đã viết: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”[8]. Luận đề này có vai trò hết sức quan trọng và mang tính nguyên tắc trong việc giải quyết vấn đề con người của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vì vậy, đương nhiên phải làm sáng tỏ phương pháp tiếp cận, nội dung và ý nghĩa thực sự của nó.
- Thứ nhất, về phương pháp tiếp cận:
Luận đề này khẳng định cần phải chấm dứt các cuộc tranh luận chung chung, trừu tượng về con người, mà phải đặt con người “trong tính hiện thực của nó”. Bản chất con người không phải là cái gì đó cao siêu, bên ngoài con người “tách khỏi bản thân nó để lên ở trên mây thành một vương quốc độc lập”[9], mà nằm ngay trong chính đời sống hiện thực đầy sống động của con người. Vì vậy, nghiên cứu con người phải gắn với điều kiện lịch sử, với hoàn cảnh sống cũng như quá trình hoạt động để tồn tại và phát triển của con người (Ví dụ: Con người đó tồn tại trong thời đại, xã hội nào, phương thức sản xuất, chế độ chính trị, văn hoá, xã hội ra sao…). Đây chính là sự vận dụng quan điểm lịch sử - cụ thể của chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc phân tích lịch sử xã hội loài người. Chỉ trên cơ sở phương pháp luận ấy mới có thể lý giải chính xác bản chất con người cũng như tìm kiếm con đường giải phóng con người, khắc phục những bế tắc của chủ nghĩa duy tâm tư biện và chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc.
- Thứ hai, nội dung của luận đề:
+ Bản chất con người do những quan hệ xã hội của con người quy định. Con người “trong tính hiện thực của nó” tồn tại một cách cụ thể bằng hoạt động lao động sản xuất, chinh phục tự nhiên, đấu tranh giai cấp, cải tạo xã hội… Bằng những hoạt động đó, con người tạo dựng, thiết lập đồng thời tham gia vào các quan hệ xã hội. Đây là những mối liên hệ vô cùng đa dạng và phong phú, là sợi dây gắn kết con người, các cộng đồng người (Ví dụ: quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc, quan hệ tôn giáo, quan hệ nghề nghiệp, quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị…). Bản thân những quan hệ xã hội không độc lập, riêng rẽ mà đan xen, hoà quyện, tác động qua lại và trở thành yếu tố quan trọng cấu thành xã hội. Bởi vậy, “tổng hoà những quan hệ xã hội” không có nghĩa là một phép cộng giản đơn, tổng số các quan hệ xã hội mà là sự khái quát tất cả các quan hệ xã hội trong sự tương tác, gắn bó, thâm nhập lẫn nhau. Có nhiều cách tiếp cận để tìm hiểu về tổng hoà những quan hệ xã hội: nếu xét theo thời gian thì bao gồm những quan hệ con người đã có, đang có và sẽ có (quá khứ - hiện tại – tương lai); nếu xét theo loại quan hệ thì bao gồm quan hệ vật chất và quan hệ tinh thần; xét theo tính chất thì bao gồm quan hệ trực tiếp, gián tiếp, tất nhiên, ngẫu nhiên, ổn định, không ổn định.
Là thành viên của xã hội, con người chịu tác động mạnh mẽ của các quan hệ xã hội, thông qua các quan hệ xã hội mà con người hình thành và bộc lộ bản chất của mình. Chính sự tác động của các quan hệ xã hội đã kết tinh và định hình ở con người năng lực hoạt động thực tiễn, tư duy, sự tự ý thức và đánh giá và điều chỉnh hành vi. Con người ở trong hoàn cảnh, trong những mối quan hệ xã hội nào thì sẽ định hình bản chất đó. (Ví dụ: Đối với sinh viên, nếu sống học tập sinh hoạt trong một môi trường giáo dục lành mạnh, quan hệ thầy trò, bè bạn.. tích cực, trong sáng thì sẽ phát triển bản chất theo hướng tiến bộ, còn ngược lại, nếu đó là môi trường không tốt thì sẽ chậm tiến bộ, thậm chí thụt lùi). Bởi vậy, nếu tách rời các mối quan hệ xã hội, thì con người sẽ không thể trở thành người theo nghĩa đích thực - “con người viết hoa” (Ví dụ: Người sói, người vượn, người gà… Hình ảnh minh hoạ sau đây là của một người đàn ông ở quốc đảo Fipji, bị cha mẹ nhốt vào chuồng gà trong một khoảng thời gian dài. Sau khi trốn ra được thì người đàn ông này ảnh hưởng hầu hết những tập tính của gà như mổ thức ăn, vỗ cánh và cất tiếng kêu gọi bầy…). Nhấn mạnh điều này, C.Mác viết: “Bản chất con người tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội…chỉ có trong xã hội, tồn tại tự nhiên của con người mới là tồn tại có tính người”[10].
Trong tính phức tạp và đa dạng của những quan hệ xã hội làm hình thành bản chất con người thì quan hệ sản xuất có ý nghĩa quyết định nhất. Sở dĩ như vậy vì chính quan hệ sản xuất – quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất mà hạt nhân của nó là quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất đã chi phối hết thảy những quan hệ còn lại của con người. Chỉ có điều quan hệ này chi phối trực tiếp hay gián tiếp ở mức độ rộng hay hẹp, sâu hay nông mà thôi. Điều này được giải thích bằng tầm quan trọng của sản xuất đối với sự tồn tại của con người và xã hội loài người, con người phải sản xuất và thiết lập các quan hệ xã hội trong quá trình sản xuất đó. Đến lượt mình, quan hệ sản xuất tác động trở lại con người theo những phương thức nhất định, hình thành chất con người (Ví dụ: Trong xã hội nguyên thủy, lực lượng sản xuất còn thấp kém, con người sống theo bầy đàn, ăn chung làm chung do vậy con người thể hiện sự bình đẳng, hợp tác, tương trợ lẫn nhau. Trong chế độ chiếm hữu nô lệ với quan hệ người bóc lột người, chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất thì ở con người hình thành đầu óc tư hữu, tư tưởng bóc lột, chủ nghĩa cá nhân...)
Từ những sự phân tích ở trên, có thể thấy rằng bản chất con người không phải là một hệ thống đóng kín, nhất thành bất biến, mà là hệ thống mở, luôn biến đổi, tương ứng với điều kiện tồn tại của con người. Bằng hoạt động thực tiễn của mình, con người tác động làm biến đổi tự nhiên và xã hội, thúc đẩy các quan hệ xã hội biến đổi ngày một đa dạng và phong phú hơn. Cùng với việc biến đổi của các quan hệ xã hội thì bản chất con người cũng thay đổi theo. Bởi thế, cũng là người dân Việt Nam trong quan hệ kinh tế - chính trị của chế độ phong kiến - thực dân, mang thân phận nô lệ, bị áp bức bóc lột, song khi những quan hệ đó bị lật đổ, thay thế bằng quan hệ kinh tế - chính trị xã hội chủ nghĩa thì từ thân phận nô lệ họ đã trở thành người làm chủ chính mình và làm chủ xã hội (Chúng ta hãy xem xét đoạn phim minh hoạ sau: đây là hình ảnh người nông dân Việt Nam trong chế độ phong kiến đang quằn lưng lao động phục vụ cho giai cấp địa chủ; hình ảnh Chí Phèo trong đoạn phim chính là sản phẩm của những quan hệ xã hội trong xã hội phong kiến nửa thực dân thối nát. Còn đây là hình ảnh người nông dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa).
Có thể nói, con người không thể tách rời xã hội, tách rời các mối quan hệ xã hội mà cùng với xã hội khai thác thiên nhiên, sinh hoạt xã hội, phát triển ý thức. Trong quá trình ấy con người tiếp cận các quan hệ xã hội, từng bước chiếm lĩnh trở thành bản chất của mình, bản chất con người luôn gắn chặt với những quan hệ xã hội, với đời sống của chính con người. Vì thế, có thể khẳng định rằng, không có con người trừu tượng, thoát ly mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã hội mà con người luôn cụ thể, xác định, sống trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định, một thời đại nhất định. C.Mác đã viết: “Con người không phải là một sinh vật trừu tượng đâu đó ẩn nấp ngoài thế giới. Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội”[11].
+ Con người không hoàn toàn lệ thuộc vào hoàn cảnh, vào những quan hệ xã hội mà có năng lực sáng tạo ra hoàn cảnh, ra lịch sử của chính con người. Con người là sản phẩm của quá trình phát triển hết sức lâu dài của thế giới tự nhiên và lịch sử xã hội. Mỗi một xã hội, một thời đại với những quan hệ xã hội nhất định đều ghi những dấu ấn đặc trưng ở con người. Tuy nhiên, con người không chỉ thuần tuý là sản phẩm của lịch sử mà còn có vai trò sáng tạo lịch sử. Con người bằng hoạt động thực tiễn, trước tiên là hoạt động lao động đã tác động vào tự nhiên, cải tạo tự nhiên, từ đó con người đã tự khẳng định bản thân mình với tư cách là chủ thể tích cực bắt thế giới tự nhiên phải tuân theo con người, phục vụ con người. Cùng với quá trình đó, con người thiết lập những quan hệ xã hội và thúc đẩy quan hệ xã hội biến đổi. Mặc dù, bản chất con người là “tổng hoà những quan hệ xã hội”, song nếu không có hoạt động của con người thì cũng không tồn tại quan hệ xã hội, quy luật xã hội và không có sự tồn tại của toàn bộ lịch sử xã hội loài người. Vì vậy, có thể khẳng định, bản chất con người được hình thành đồng thời với quá trình con người sáng tạo và làm chủ lịch sử của chính con người. C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “Toàn bộ cái gọi là lịch sử thế giới chẳng qua chỉ là sự sáng tạo của con người kinh qua lao động của con người, sự sinh thành của tự nhiên cho con người”[12].
+ Tình huống và hướng giải quyết:
1 - Trước đây cũng như hiện nay, nhiều học giả tư sản luôn tìm cách phủ nhận chủ nghĩa Mác nói chung và triết học Mác nói riêng, theo họ triết học Mác đã tuyệt đối hoá mặt xã hội mà bỏ rơi con người tự nhiên. Ở Việt Nam, cũng có một số phần tử cơ hội, hùa theo những ý kiến đó, công kích quan điểm về con người của chủ nghĩa Mác. Trong bài Phê bình nhận thức luận về con người của Mác – Ăngghen, Trần Mạnh Hảo đã viết với lời lẽ rất hằn học: “Rõ ràng, qua đoạn văn khái quát về nhận thức luận con người, Mác đã hoàn toàn rơi vào duy tâm chủ quan, khi tuyệt đối hoá yếu tính xã hội của con người, đồng thời phủ định yếu tính tự nhiên nơi con người” “Mác, trong cơn cuồng si chống lại người thầy duy vật của mình là Phoiơbắcđã không còn đủ lý tính cần thiết để đi đến một định nghĩa về con người, lại đưa ra một quan niệm sai trái một cách quá vĩ đại và ngờ nghệch một cách quá kinh thiên là tước bỏ tính tự nhiên nơi con người”. Đồng chí hãy nhận xét quan điểm trên và nêu ý kiến của bản thân?
2 - Nhiều học thuyết tư sản đã đề cao bản tính tự nhiên của con người, từ đó khếch đại chủ quan tính, cho rằng quyền tự nhiên của con người là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đây chính là nền tảng tư tưởng mở đường cho quan niệm đề cao nhân quyền hơn chủ quyền, cắt nghĩa cho việc các thế lực thù địch can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của những quốc gia độc lập. Bằng lý luận của chủ nghĩa Mác và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng chí hãy vạch rõ tính chất phản khoa học của quan niệm trên?
Hướng giải quyết:
1 - Những quan điểm cho rằng triết học Mác bỏ rơi mặt tự nhiên của con người (trong đó có cả ý kiến của Trần Mạnh Hảo) là sai lầm, hoặc do nhận thức sai lệch, phiến diện hoặc cố tình xuyên tạc tính khoa học của chủ nghĩa Mác. Họ chủ yếu dựa vào luận đề “bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội” được C.Mác viết trong tác phẩm Luận cương về Phoiơbắc, cô lập luận đề đó với tổng thể những quan điểm về con người của chủ nghĩa Mác, từ đó phê phán C.Mác một cách thiếu căn cứ. Trên thực tế, triết học Mác không hề phủ nhận bản tính tự nhiên - sinh học, mà coi đó là nền tảng, là tiền đề đầu tiên cho sự tồn tại và phát triển của con người. Cũng vì thế, khi đề cập đến khái niệm con người, C.Mác khẳng định “Con người là một thực thể tự nhiên có tính người, là một sinh vật có tính loài”[13]. Sự tiến bộ của triết học Mác đó là chỉ ra bản chất xã hội của con người, mặc dù tự nhiên là thân thể vô cơ của con người, song trong quá trình hoạt động thực tiễn, chinh phục tự nhiên, con người đã biến bản tính tự nhiên của mình trở thành bản chất xã hội, chứng tỏ con người là động vật cao nhất, là chủ thể của lịch sử. Như vậy, mọi sự phê phán quan điểm về con người của triết học Mác nhằm tới mục đích gì, phải chăng họ muốn hạ thấp vị trí của con người, xem con người ngang hàng với thế giới loài vật. Còn đối với trường hợp Trần Mạnh Hảo, những lời lẽ tưởng chừng sâu sắc đó chỉ phản ánh được sự thiếu hiểu biết, sự bất mãn của một phần tử cơ hội - một nhà thơ tập làm triết học mà thôi.
2 - Việc tuyệt đối hoá mặt tự nhiên của nhân quyền là sai lầm và phản khoa học vì con người không chỉ tồn tại với tư cách là con người tự nhiên mà còn mang bản chất xã hội. Con người không phải là thực thể ngủ im trong vỏ ốc, trong một thế giới khép kín đầy bí ẩn mà con người mà là những thực thể sống động, tồn tại trong một thời đại nhất định, một xã hội nhất định, có những quan hệ xã hội hết sức phong phú và phức tạp. Do vậy, mỗi con người phải có trách nhiệm và gắn bó với xã hội, với cộng đồng, quốc gia mà mình sinh sống. Điều này đồng nghĩa với việc quyền con người phải thống nhất với  vận mệnh dân tộc và chủ quyền quốc gia, chỉ khi quốc gia có chủ quyền thì vấn đề nhân quyền mới được đảm bảo. Như vậy, không thể có chuyện “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, việc tuyệt đối hoá các quyền cá nhân sẽ gây phương hại cho xã hội khi có các thế lực theo đuổi những giá trị riêng vì mục đích, ý đồ của mình mà bất chấp sự phản đối của các lực lượng tiến bộ. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định mối liên hệ hữu cơ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia. Khi đất nước còn đắm chìm trong màn đêm nô lệ, quằn quại dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc thì những giá trị nhân quyền như “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà chúng mang đến khai hoá cho nhân dân ta là “nhà tù”, “rượu cồn và thuốc phiện”, là sự đàn áp đẫm máu và dã man… Là một dân tộc phải chiến đấu bền bỉ, đổ bao máu và nước mắt để vươn lên giành lại chủ quyền dân tộc, giành quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc, hơn ai hết chúng ta hiểu rằng quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, chỉ khi nào giành được độc lập tự do, quyền tự quyết cho dân tộc mình thì nhân dân mới được hưởng những quyền cơ bản của con người.
- Thứ ba, ý nghĩa của luận đề:
Từ quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin về con người có thể rút ra một số ý nghĩa phương pháp luận quan trọng sau đây:
+ Một là, để lý giải một cách khoa học những vấn đề về con người thì không thể đơn thuần từ phương diện bản tính tự nhiên của nó mà điều căn bản hơn, có tính quyết định là phải từ phương diện bản tính xã hội, từ những quan hệ xã hội tạo nên bản chất con người. Chỉ khi đặt con người vào chính điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vào những quan hệ xã hội đang tác động, chi phối con người mới có thể đưa ra những nhận định đúng đắn về con người. Chẳng hạn như sự hạn chế năng lực sáng tạo của những con người tiểu nông không thể trả lời từ bản tính tự nhiên của họ mà phải từ sự hạn chế trình độ phát triển của các quan hệ kinh tế - chính trị - văn hoá của xã hội tiểu nông (Ví dụ: Người nông dân Việt Nam từ nhiều đời đã gắn bó với nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún, tự cung, tự cấp, bó hẹp trong phạm vi làng xã, cộng đồng tự giám sát lẫn nhau thông qua dư luận xã hội… chính điều đó đã làm nảy sinh một số hạn chế như tư tưởng cục bộ dòng họ, xem thường pháp luật “phép vua thua lệ làng”, khả năng hạch toán kinh tế kém cỏi, thiếu chuẩn xác về thời gian, tâm lý cầu an, cầu may, coi trọng kinh nghiệm, coi thường lý luận…).
+ Hai là, động lực cơ bản của sự tiến bộ và phát triển của xã hội chính là năng lực sáng tạo nên lịch sử của con người. Vì vậy, phát huy năng lực sáng tạo của mỗi con người, vì con người chính là phát huy nguồn động lực quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Đối với Việt Nam hiện nay, để phát huy nguồn lực con người, cần phải xây dựng ở con người những phẩm chất sau: “1. Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; 2. Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; 3. Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; 4. Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; 5. Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực”[14].
+ Ba là, sự nghiệp giải phóng con người, nhằm phát huy khả năng sáng tạo lịch sử của nó phải hướng vào giải phóng những quan hệ kinh tế - xã hội. Giải phóng con người chính là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa Mác – Lênin,  ngay từ năm 1835, trong Những suy tư của một chàng trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp, C.Mác đã viết: “… kim chỉ nam chủ yếu phải định hướng cho chúng ta trong việc lựa chọn nghề nghiệp là phúc lợi của loài người, là sự hoàn thiện của chính chúng ta…; kinh nghiệm ca ngợi những ai đem lại hạnh phúc cho một số lượng người nhiều nhất là người hạnh phúc nhất”[15]. Tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen chấp bút đó là: “vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức” [16]. Thực sự, giải phóng con người là khát vọng của nhân loại và cũng là vấn đề được nhiều học thuyết đưa ra, song vì chưa lý giải đúng đắn bản chất con người nên không tìm ra được con đường hợp lý và đúng đắn (Ví dụ: Các tôn giáo coi cuộc đời con người chỉ là tạm bợ, “sống gửi, thác về” nên chủ trương giải thoát bằng con đường tu hành, giải phóng về mặt tinh thần, tìm hạnh phúc ở kiếp sau chứ không phải trong đời sống hiện thực). Theo chủ nghĩa Mác, bản chất con người được hình thành trong các mối quan hệ xã hội và thay đổi khi các mối quan hệ xã hội thay đổi. Vì vậy, để phát triển bản chất con người theo hướng tích cực, cần phải giải phóng họ khỏi những quan hệ xã hội tiêu cực đang đè nặng, đồng thời, tạo ra những quan hệ xã hội tích cực (Ví dụ: Để giáo dục một đứa trẻ trở thành người có ích cho xã hội thì phải quan tâm xây dựng những mối quan hệ xã hội tích cực như: Gia đình đầm ấm, hạnh phúc, quan hệ bạn bè, nhà trường, thầy cô trong sáng, xã hội văn minh. Trong công tác cải tạo người lầm lỗi, những quan hệ xã hội tích cực mà chúng ta cần tạo ra đó là một môi trường lành mạnh để họ học tập, cải tạo, khi họ trở về với xã hội thì phải tiếp nhận họ một cách chân tình, không phân biệt đối xử, tạo công ăn việc làm cho họ… điều đó sẽ làm bản chất của họ trở nên tốt đẹp hơn).
Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định trong những xã hội tồn tại quan hệ áp bức, bóc lột lao động của con người bị tha hoá, người lao động đánh mất mình trong hoạt động người, nhưng lại tìm lại mình trong hoạt động vật. Tức là con người chỉ là chính mình khi thực hiện những hoạt động mang tính chất bản năng, tự nhiên nhưng khi lao động - thực hiện hoạt động mang tính người thì tự bản thân con người tách ra khỏi sản phẩm mình làm ra và nô dịch cho nó. C. Mác viết: “Tính tha hoá của lao động biểu hiện ở chỗ là một khi không còn sự cưỡng bức lao động về thể xác hoặc về mặt khác thì người ta trốn tránh lao động như trốn tránh bệnh dịch hạch vậy”[17]. Bởi vậy, sự nghiệp giải phóng con người sẽ bắt đầu bằng việc xoá bỏ các quan hệ kinh tế - xã hội áp bức, bóc lột đang trói buộc làm tha hoá con người và xây dựng những quan hệ xã hội mang tính nhân đạo, nhân văn. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chính là hành động thực tiễn của con người để thực hiện mục tiêu đó, chính cuộc cách mạng này đã xác lập và phát triển một xã hội tự do – xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa – mà sự tự do sáng tạo của người này trở thành điều kiện cho sự tự do, sáng tạo của người khác, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Vì lý do đó, chiến lược phát triển và giải phóng con người của Việt Nam hiện nay đã thể hiện nhất quán việc kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, giải phóng con người khỏi sự thao túng của những quan hệ xã hội cũ đã lỗi thời, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tóm lại, với quan niệm duy vật triệt để và phương pháp biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đã khẳng định: con người là một thực thể thống nhất giữa phương diện tự  nhiên và phương diện xã hội; bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội. Nếu như các trường phái triết học phi mácxít xem xét con người một cách trừu tượng, tìm bản chất con người từ những lực lượng siêu nhiên hoặc đề cao bản chất tự nhiên vô tình hạ thấp con người xuống hàng động vật thì triết học Mác đã xem xét con người một cách hiện thực trong các quan hệ xã hội, nhấn mạnh sự phân biệt giữa con người với thế giới loài vật nhưng không bỏ quên bản tính tự nhiên – sinh học của con người. Luận đề trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội” đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử triết học khi nghiên cứu về con người, mở đường cho sự nghiệp giải phóng con người. Có thể nói, trong triết học Mác – Lênin, con người được đặt vào đúng vị trí mà nó phải có, đó là con người tự nhiên - xã hội, song, con người bằng hoạt động thực tiễn của mình đã tác động vào tự nhiên - xã hội, làm chủ nó và sáng tạo ra lịch sử của chính con người.
2. Khái niệm quần chúng nhân dân và vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân
Con người bằng hoạt động thực tiễn tác động vào tự nhiên, cải biến tự nhiên và chính trong quá trình đó, con người đã làm ra lịch sử của mình. Tuy nhiên, vai trò quyết định đối với sự phát triển xã hội là thuộc về con người nào: quần chúng nhân dân hay các cá nhân, vĩ nhân, lãnh tụ. Để trả lời câu hỏi trên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu khái niệm quần chúng nhân dân, vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong sự vận động và phát triển của lịch sử.
a/ Khái niệm quần chúng nhân dân
Quần chúng nhân dân theo nghĩa rộng là dân cư của một quốc gia, đó là toàn bộ những người thực hiện hoạt động sinh sống của mình trong phạm vi một quốc gia. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp trong những xã hội không có giai cấp. Đối với xã hội có giai cấp, khái niệm “dân cư” không đồng nghĩa với khái niệm “quần chúng nhân dân” bởi vì ở đó diễn ra một sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các nhóm dân cư thống trị bóc lột với đông đảo người lao động. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tiêu chuẩn quan trọng nhất để thừa nhận những nhóm dân cư nhất định là một bộ phận của quần chúng nhân dân là sự quan tâmkhả năng tham gia giải quyết nhiệm vụ của tiến bộ, góp phần phát triển xã hội. Thực tế cho thấy, quá trình vận động, phát triển của lịch sử diễn ra thông qua hoạt động của đông đảo quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của của một cá nhân tổ chức, nhằm thực hiện mục đích và lợi ích của mình. Với cách tiếp cận đó, chủ nghĩa duy vật lịch sử đã đưa ra khái niệm quần chúng nhân dân như sau: Quần chúng nhân dân là bộ phận có chung lợi ích căn bản, bao gồm những thành phần, những tầng lớp và những giai cấp, liên kết lại thành tập thể dưới sự lãnh đạo của một cá nhân, tổ chức hay đảng phái nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của một thời đại nhất định. Trong khái niệm “quần chúng nhân dân” cần lưu ý một số điểm chính:
- Thứ nhất, quần chúng nhân dân bao gồm những thành phần, những tầng lớp và những giai cấp có chung lợi ích căn bản, liên kết lại thành tập thể dưới sự lãnh đạo của một cá nhân, tổ chức hay đảng phái. Lợi ích ở đây được hiểu là lợi ích chung, là cái có ý nghĩa khách quan cần thiết cho mỗi thành viên là bộ phận của quần chúng nhân dân. Nếu không cùng chung lợi ích các thành phần, tầng lớp, giai cấp đó cũng không thể liên kết lại được vì thực tế mối quan hệ cá nhân - tập thể, cá nhân – xã hội là quan hệ giai cấp (Ví dụ: Trong cách mạng tư sản, quần chúng nhân dân bao gồm giai cấp tư sản, giai cấp công nhân, thợ thủ công, thương nhân, trí thức… lợi ích căn bản của họ là thoát khỏi sự thống trị của địa chủ phong kiến, xây dựng xã hội mới, bình đẳng, bác ái và đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quần chúng nhân dân bao gồm giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động có chung lợi ích căn bản là cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không có áp bức bóc lột, con người được phát triển toàn diện và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân).
- Thứ hai, nhiệm vụ của quần chúng nhân dân là giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của một thời đại nhất định. Bởi vậy, ở những thời đại, những xã hội khác nhau thì quần chúng nhân dân sẽ phải đối mặt và phải giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau. (Ví dụ: Nhiệm vụ của quần chúng nhân dân trong cách mạng tư sản là đánh đổ địa chủ phong kiến, giành lại quyền lợi cho giai cấp tư sản. Nhiệm vụ của của quần chúng nhân dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa là xây dựng và bảo vệ thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân).
- Thứ ba, vì hai điểm đã nêu trên, khi nghiên cứu khái niệm quần chúng nhân dân cần phải gắn với từng giai đoạn lịch sử nhất định, thấy được những lực lượng căn bản tạo thành quần chúng nhân dân, cụ thể là:
+ Những người sản xuất ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần, đóng vai trò là hạt nhân cơ bản của quần chúng nhân dân. Quần chúng nhân dân trước tiên là những người lao động, bằng bàn tay khối óc của mình sản xuất ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần để phục vụ xã hội. Nếu không có hoạt động của những người lao động thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được, chính vì vậy họ đóng vai trò hết sức quan trọng là hạt nhân cơ bản của quần chúng nhân dân. Ngày nay, mặc dù nhân loại đã có những bước tiến bộ vượt bậc, nhìn lại chặng đường đã qua chúng ta vẫn phải nghiêng mình kính nể trước những cố gắng đáng khâm phục của quần chúng nhân dân, của những người lao động. Họ đã sản xuất ra một khối lượng của cải khổng lồ cho xã hội và những giá trị tinh thần sống mãi với thời gian. Đối với Việt Nam, đông đảo quần chúng nhân dân bao gồm công nhân, nông dân, thương nhân, trí thức…đang ngày đêm lao động trên các lĩnh vực khác nhau để làm giàu cho Tổ quốc. Nhân dân Việt Nam cũng đã sáng tạo ra nhiều giá trị tinh thần to lớn như ca dao, dân ca, nhã nhạc Huế, văn hoá cồng chiêng của người dân tộc Tây Nguyên…
+ Những bộ phận dân cư chống lại giai cấp thống trị áp bức bóc lột, đối kháng với nhân dân. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen khẳng định: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp...”[18]. Trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, quần chúng nhân dân được xác định là số đông những người sản xuất chủ yếu ra của cải cho xã hội nhưng bị giai cấp thống trị - là bộ phận thiểu số áp bức bóc lột. Những bộ phận dân cư bị bóc lột ấy đã liên kết lại với nhau đấu tranh để giành lại quyền và lợi ích chính đáng cho bản thân mình, giai cấp mình, chống lại những giai cấp, tầng lớp đi ngược với lợi ích của nhân dân, đối kháng với nhân dân. Lênin đã viết: “Khi dùng danh từ "nhân dân", Mác không thông qua danh từ ấy để xoá mờ mất sự khác biệt về giai cấp; Mác đã gộp vào danh từ ấy những thành phần nhất định có khả năng làm cách mạng đến cùng”[19] (Ví dụ: Phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản và các tầng lớp lao động chống lại giai cấp tư sản, trong đó giai cấp vô sản và các tầng lớp lao động là quần chúng nhân dân còn giai cấp tư sản là giai cấp thống trị, áp bức bóc lột, đối kháng với lợi ích của đông đảo nhân dân lao động).
+ Những giai cấp, những tầng lớp xã hội thúc đẩy sự tiến bộ xã hội thông qua hoạt động của mình, trực tiếp hoặc gián tiếp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quần chúng nhân dân bao gồm những người sản xuất trực tiếp - những người lao động, các nhóm dân cư không bóc lột - với tư cách là những thành phần chủ yếu của mình, tuy nhiên không phải lúc nào quần chúng nhân dân cũng chỉ quy vào những những giai cấp và tầng lớp đó. Quần chúng nhân dân còn bao gồm những giai cấp, tầng lớp xã hội thông qua hoạt động của mình thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Chú ý đến điều này là hết sức quan trọng nhất là trong điều kiện hiện nay, khi cả nhân loại đang chung sức để giải quyết những vấn đề có tính chất toàn cầu vì hoà bình, hợp tác và phát triển (Ví dụ: Hoạt động của đông đảo nhân dân gồm mọi giai cấp, tầng lớp, dân tộc trên thế giới nhằm chống chiến tranh, kêu gọi hoà bình, tiến hành các hoạt động nhân đạo hỗ trợ người nghèo, …viện trợ, giúp đỡ, xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân của thiên tai, thảm hoạ động đất, sóng thần. Đó là những hoạt động phù hợp với sự tiến bộ của xã hội, và những bộ phận dân cư có những hoạt động đó được coi là quần chúng nhân dân).
Từ những phân tích trên đây có thể thấy quần chúng nhân dân không phải là một cộng đồng bất biến, mà mang tính lịch sử, nó thay đổi cùng với những biến đổi của những nhiệm vụ lịch sử ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn phát triển nhất định. Tuy nhiên, lực lượng cơ bản nhất của quần chúng nhân dân chính là những con người lao động sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho sự sinh tồn và phát triển của xã hội. Ngoài ra, tuỳ theo mỗi điều kiện lịch sử xác định mà quần chúng nhân dân còn có thể bao gồm những lực lượng giai cấp và tầng lớp xã hội khác.
b/ Vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân và vai trò của cá nhân trong lịch sử
Trước khi chủ nghĩa Mác ra đời, triết học duy tâm và triết học duy vật đều không hiểu đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân và mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử. Chủ nghĩa duy tâm khách quan cho rằng mọi thay đổi trong lịch sử xã hội là do ý chí của đấng tối cao, là do “mệnh trời”, ý chí đó được các cá nhân thực hiện. Còn các nhà duy tâm chủ quan thì cho rằng lịch sử nhân loại là lịch sử của các bậc vua chúa, anh hùng hào kiệt, thiên tài lỗi lạc. Quần chúng nhân dân chỉ là “lực lượng tiêu cực” là “phương tiện” mà các vĩ nhân cần đến để đạt được mục đích của mình (Ví dụ: Đavít Hium [1771 - 1776] - nhà triết học người Anh đã khẳng định quyền lực chính trị là tổ chức của những lãnh tụ mà quần chúng lệ thuộc vào như một thói quen; Khổng Tử cho dân là người để sai khiến; Mạnh Tử cho dân là người bị trị và phải nuôi người). Những nhà duy vật trước Mác vẫn chưa thoát được quan niệm duy tâm về xã hội, mặc dù họ không tin vào Thượng đế, thần linh khi cho rằng, nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội là tư tưởng, đạo đức, là các vĩ nhân sớm nhận thức được chân lý vĩnh cửu. (Ví dụ: Mi - khai - lốp – xki [1842 - 1904] - nhà chính luận người Nga, đã đưa ra lý luận “người hùng”, và “đám dân thường”, xem phong trào quần chúng như những phong trào về căn bản là vô ý thức và bắt chước. Ông cho rằng: “quần chúng nhân dân như những dãy số không vô tận, dãy số không đó chỉ được chuyển thành đại lượng có ích khi có những người anh hùng đứng đầu dãy số không ấy”). Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng có những quan điểm miệt thị, hạ thấp vai trò của nhân dân (Trần Khánh Dư - một tướng lĩnh đời Trần nói: “Tướng là chim ưng, quân dân là con vịt, đem vịt mà nuôi chim ưng thì có gì là lạ”; thượng hoàng Trần Minh Tông thì khẳng định dứt khoát: “Bọn gia nô dù có chút công cũng không được dự vào quan tước của triều đình”[20]).
Có thể nói những quan điểm, tư tưởng trước Mác hầu hết coi thường vai trò của quần chúng nhân dân; đề cao vai trò của vĩ nhân, các bậc anh hùng hào kiệt, điều này được thể hiện đó là: những sự kiện, chiến thắng lớn lao trong lịch sử đều được ghi nhận đó là công lao của các vĩ nhân còn vai trò quần chúng hết sức mờ nhạt. Tuy bên cạnh đó cũng có những nhà tư tưởng đề cập đến vai trò của quần chúng nhưng lại không nhận thức được đúng đắn vai trò đó, chẳng hạn có quan điểm cho rằng ai được lòng dân thì sẽ được thiên hạ, nếu ông vua nào vô đạo thì dân có quyền lật đổ, tuy nhên cũng chỉ thấy sức mạnh của nhân dân như một lực lượng phá hoại, chưa coi nhân dân thật sự là một lực lượng sáng tạo. Những quan điểm trên, trong một chừng mực nhất định đã làm hạn chế vai trò của quần chúng nhân dân.
Khắc phục những hạn chế đó, chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử. Bởi vì mọi lý tưởng giải phóng xã hội, giải phóng con người chỉ được chứng minh thông qua sự tiếp thu và hoạt động của quần chúng nhân dân. Hơn nữa, tư tưởng tự nó không thể làm biến đổi xã hội mà phải thông qua hành động cách mạng, hoạt động thực tiễn của quần chúng nhân dân để biến lý tưởng ước mơ thành hiện thực trong đời sống xã hội (Ví dụ: Trước những năm 30, khi đất nước ta còn chìm trong màn đêm nô lệ, có biết bao cuộc đấu tranh ngoan cường, bất khuất của những người lao động hằng khao khát tự do, từng nung nấu ý chí giải phóng khỏi “ngục tù”. Nhưng những cuộc đấu tranh đó vì mang nặng tính chất tự phát, thiếu tổ chức, không huy động được sức mạnh đông đảo của quần chúng nhân dân nên đều thất bại, bị đàn áp dã man, bị dìm trong bể máu. Những bậc chí sỹ, bụng ôm chí lớn nhưng cũng đành bó tay trước thời cuộc như Phan Bội Châu, trở thành ông già Bến Ngự. Khi Đảng ra đời, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, tạo ra sức mạnh lớn hơn bao giờ hết, sức mạnh của nhân dân. Chính sức mạnh ấy đã làm nên những chiến thắng vẻ vang, ghi những trang vàng chói lọi cho lịch sử dân tộc). Tuy nhiên, trong sự sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân, không thể không kể đến vai trò của những cá nhân kiệt xuất – vĩ nhân, lãnh tụ. Bởi vậy chúng ta có thể xem xét vai trò quyết định lịch sử của quần chúng nhân dân và mối quan hệ giữa nó với cá nhân, lãnh tụ ở những điểm chính sau:
- Thứ nhất, vai trò quyết định lịch sử của quần chúng nhân dân:
+ Một là, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội. Sản xuất vật chất là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội. Ăngghen viết: Mác là người đầu tiên “đã phát hiện ra quy luật phát triển  của lịch sử loài người, nghĩa là tìm ra cái thật sự giản đơn… là trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, trước khi có thể lo đến chuyện làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo…”[21]. Con người sản xuất của cải vật chất, đó là yêu cầu khách quan của sự sinh tồn xã hội. Xã hội không thể thoả mãn nhu cầu của mình bằng những cái dã có sẵn trong tự nhiên, để duy trì và ngày càng nâng cao đời sống của mình, con người phải tiến hành sản xuất của cải vật chất; nếu không có sản xuất thì xã hội sẽ diệt vong. Vì thế, sản xuất của cải vật chất là một điều kiện cơ bản của mọi xã hội, là một hành động lịch sử mà hiện nay, cũng như hàng ngàn năm trước đây, người ta vẫn phải tiến hành từng ngày, từng giờ cốt để duy trì cuộc sống của con người. Trong quá trình sản xuất vật chất thì yếu tố cơ bản nhất của lực lượng sản xuất là đông đảo quần chúng nhân dân lao động bao gồm cả lao động chân tay và lao động trí óc. Lực lượng sản xuất bao gồm: người lao động và tư liệu sản xuất; song, người lao động có vai trò hết sức quan trọng không thể thay thế. Công cụ lao động do con người sáng tạo ra và có vai trò rất quan trọng, nó “nhân” sức mạnh của con người trong quá trình lao động sản xuất. Tuy nhiên công cụ lao động chỉ trở thành yếu tố tích cực khi chúng kết hợp với lao động sống. Nếu tách khỏi nhân dân lao động thì công cụ dù có ý nghĩa đến đâu cũng không thể phát huy tác dụng của mình. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất vật chất, chế tạo và cải tiến công cụ lao động là hoạt động của xã hội, của quần chúng nhân dân chứ không phải là hoạt động hoạt động riêng lẻ của một số cá nhân. Lênin cũng đã khẳng định: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là những người lao động”[22].
Quần chúng nhân dân trong quá trình sản xuất đã cải tiến công cụ lao động, tích luỹ kinh nghiệm từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất vật chất, trong quá trình lao động quần chúng nhân dân đã không ngừng cải tiến công cụ lao động, và tích luỹ kinh nghiệm. Do vậy, lao động của con người trở nên có trí tuệ, công cụ lao động, kỹ năng sản xuất của con người ngày càng hoàn thiện. Chính điều đó đã tạo nên những biến đổi sâu sắc trong toàn bộ lực lượng sản xuất (Ví dụ: Công cụ lao động của con người đã được cải tiến từ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, từ những công cụ thô sơ đến máy móc hiện đại. Con người từ chỉ biết săn bắn hái lượm, đến trồng trọt, chăn nuôi, không những thế còn biết lựa chọn, tạo ra những giống vật nuôi cây trồng có năng suất cao hơn). Hiện nay khoa học ngày càng có vai trò hết sức to lớn trong sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, khoa học cũng là sản phẩm của quần chúng nhân dân với mục đích nâng cao khả năng chinh phục tự nhiên, cải tiến công cụ  lao động, cũng như kỹ năng sản xuất của con người. Thực tiễn hoạt động sản xuất của loài người thì quần chúng nhân dân là cơ sở và là động lực của sự phát triển khoa học kỹ thuật. Nền sản xuất xã hội sẽ sa sút, kém hiệu quả nếu tài năng, trí tuệ, năng suất lao động của đông đảo những người lao động không được phát huy, không được nâng cao. Trong trường hợp đó khoa học cũng khó phát triển.
Như vậy, hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng nhân dân là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển kéo theo đó là sự thay đổi về mặt phương thức sản xuất và toàn bộ đời sống xã hội. Từ đó có thể khẳng định, hoạt động sản xuất ra của cải vật chất của quần chúng nhân dân là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội, bởi xét đến cùng lực lượng sản xuất là cái quy định sự biến đổi của lịch sử và trong lực lượng sản xuất thì quần chúng nhân là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất.
- Hai, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hoá, tinh thần. Quần chúng nhân dân chẳng những đóng vai trò quyết định trong sản xuất vật chất, trong cách mạng xã hội mà còn đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, khoa học đồng thời áp dụng những thành tựu đó vào hoạt động thực tiễn. Những sáng tạo về văn học, nghệ thuật, khoa học, nghệ thuật, khoa học, y học, quân sự, kinh tế, chính trị, đạo đức… của nhân dân vừa là cội nguồn, vừa là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nền văn hoá tinh thần của các dân tộc trong mọi thời đại.
Quần chúng nhân dân trước tiên là những người sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần. Trước nhu cầu của đời sống vật chất và tinh thần của con người qua nhiều thế hệ, quần chúng nhân dân đã sáng tạo, đúc kết ra vô vàn giá trị văn hóa, tinh thần vô cùng quý giá, mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng (Ví dụ: Kinh Veda, sử thi Ramayana và Mahabharata là những di sản tinh thần quý báu phản chiếu được sáng tác qua nhiều thế hệ phản ánh đời sống tinh thần phong phú của nhân dân Ấn Độ. Đối với Việt Nam những giá trị văn hóa như nhã nhạc Huế, trường ca Đăm San, trường ca Đẻ đất đẻ nước cũng là những di sản vô giá của quần chúng nhân dân mà chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy). Nhân loại vô cùng biết ơn những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học như: Aristôt, Pascal, Anhxtanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh…Họ đã có những tác phẩm, phát minh vô cùng vĩ đại làm phong phú kho tàng văn hoá nhân loại. Tuy nhiên, những sáng tạo văn hoá tinh thần đó đều có quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Bên cạnh việc sáng tạo, hoạt động của quần chúng nhân dân trong thực tiễn còn là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tạo tinh thần trong đời sống xã hội (Ví dụ: Tinh thần bất khuất, anh dũng của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là nguồn cảm hứng, là đề tài vô cùng phong phú cho các nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ… trong hoạt động nghiên cứu, sáng tác của mình. Những phát hiện nghệ thuật sâu sắc và mới mẻ bắt nguồn từ nguồn cảm hứng chủ đạo đó đã làm nên giá trị trong tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu, Lê Anh Xuân… như tác phẩm: Dáng đứng Việt Nam, Mảnh trăng cuối rừng, Hòn Đất… bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Nga Karmen. Nhà khoa học Trần Đại Nghĩa đã phát minh ra tên lửa Sam 2 bắn được B52 của Mỹ cũng bắt nguồn từ yêu cầu cấp bách trong sự nghiệp chung của toàn dân tộc). Tiếp theo đó, quần chúng nhân dân là người bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Các giá trị văn hoá tinh thần chỉ có thể trường tồn khi được đông đảo quần chúng nhân dân chấp nhận và truyền bá sâu rộng, trở thành giá trị phổ biến. Trong nền văn học nghệ thuật lớn đều bắt nguồn từ nghệ thuật dân gian. Mác viết: “Thần thoại Hy Lạp không những cấu thành kho tàng nghệ thuật Hy Lạp mà còn là miếng đất nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp nữa”; Truyện Kiều của Nguyễn Du sống mãi với nhân dân ta và nhân dân thế giới chính là vì tác phẩm phản ánh sinh động cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đồng thời thừa kế những tinh hoa văn học dân gian, nhất là ca dao, dân ca.
Ngày nay chúng ta cũng thấy có nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật ra đời rất nhanh, nhưng cũng mau chóng đi vào quên lãng, vì đó là những sản phẩm đẻ non do thị hiếu của một bộ phận khán giả chứ không bắt nguồn từ chính tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Nói về vai trò của quần chúng trong sáng tạo nghệ thuật, Hồ Chí Minh nhận định: “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng, quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa... Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý”. Quần chúng là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các sáng tác, là người sáng tạo, kiểm nghiệm và có quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá. Có thể nói, quần chúng nhân dân đông đảo, với hoạt động thực tiễn của họ, là cơ sở sản xuất tinh thần của xã hội.
- Ba là, quần chúng nhân dân là lực lượng và động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng và cải cách trong xã hội. Theo nghĩa rộng, cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính chất bước ngoặt và căn bản về chất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là phương thức thay thế hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời bằng hình thái kinh tế xã hội cao hơn. Theo nghĩa hẹp cách mạng xã hội là việc lật đổ một chế độ chính trị đã lỗi thời, thiết lập một chế độ chính trị tiến bộ hơn. Nguyên nhân sâu xa của cuộc cách mạng xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất phát triển đến mức nhất định thì quan hệ sản xuất cũ trở nên lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. “Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ sản xuất ấy  trở thành xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại của một cuộc cách mạng xã hội”[23]. Trong xã hội có giai cấp, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất biểu hiện thành mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng, giữa giai cấp thống trị và giai cấp lao động bị trị. Từ mâu thuẫn đó dẫn tới đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cuộc cách mạng xã hội. Đó là bước nhảy vọt tất yếu trong sự phát triển của xã hội có giai cấp (Ví dụ: Trong chế độ tư bản, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất biểu hiện thành mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, từ đó dẫn đến đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa). Cải cách xã hội cũng tạo nên sự thay đổi về chất nhất định trong đời sống xã hội, song cải cách chỉ tạo nên những biến đổi riêng lẻ, bộ phận trong khuôn khổ chế độ đang tồn tại; những cải cách xã hội có ý nghĩa thúc đẩy quá trình tiến hoá tạo tiền đề dẫn tới cách mạng xã hội.
Quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của các cuộc cách mạng và cải cách, vì đây là lực lượng có lợi ích gắn bó chặt chẽ và lâu dài với cách mạng và cải cách. Trong phần khái niệm, chúng ta đã xác định, quần chúng nhân dân là những bộ phận dân cư chống lại giai cấp thống trị áp bức bóc lột, đối kháng với nhân dân. Trên thực tế cách mạng hay cải cách xã hội chính là cuộc đấu tranh của những giai cấp tầng lớp, giai cấp chống lại những lực lượng đi ngược với lợi ích của số đông quần chúng nhân dân, giành lại những quyền và lợi ích chính đáng của mình. Như vậy, lợi ích của quần chúng nhân dân gắn liền với lợi ích cách mạng, cải cách, do đó có thể khẳng định rằng, quần chúng nhân dân chính là động lực cơ bản của cách mạng, cải cách (Ví dụ: Trong cuộc cách mạng tháng Tám, lợi ích của nhân dân Việt Nam gắn liền với lợi ích của cách mạng, từ đây nhân dân ta thoát khỏi kiếp sống nô lệ, bần hàn, trở thành người làm chủ đất nước, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc).
Quần chúng nhân dân còn là lực lượng cơ bản của cách mạng và cải cách. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng.  Thực tế đã chứng minh rằng không có một chuyển biến chế độ, cách mạng xã hội, một sự cải cách nào mà không là hoạt động của quần chúng nhân dân. Trong các cuộc cách mạng làm thay đổi từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác, quần chúng nhân dân luôn là lực lượng tham gia đông đảo và chỉ khi quần chúng tham gia một cách đông đảo, tự giác, tích cực thì cách mạng mới có thể giành được thắng lợi (Ví dụ: Trong thời kỳ cổ đại nếu không có các cuộc đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của hàng chục vạn nô lệ và tầng lớp bình dân chống giai cấp chủ nô thì chế độ nô lệ dù đã thối nát cũng không thể sụp đổ. Cuối xã hội phong kiến các phong trào đấu tranh của nông dân, thợ thủ công, thương nhân, trí thức… do giai cấp tư sản lãnh đạo đã dẫn đến các cuộc cách mạng tư sản trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII làm sụp đổ chế độ phong kiến, đưa xã hội chuyển sang thời đại tư sản. Tháng Mười năm 1917, một cơn bão cách mạng đã nổ ra ở nước Nga, làm nên “mười ngày rung chuyển thế giới”. Cách mạng tháng Mười là thắng lợi vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga, là sự vùng lên của những con người cực khổ bần hàn, là sự kế thừa, phát triển và đáp ứng những tư tưởng tiến bộ cũng như khát vọng tự giải phóng, khát vọng tự làm chủ vận mệnh của nhân dân Nga, của toàn nhân loại).
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân. Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước quần chúng nhân dân luôn là lực lượng đông đảo làm nền tảng cho đất nước, là gốc rễ của mỗi dân tộc, là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Từ thời các vua Hùng, Hai Bà Trưng… đều dựa vào sức mạnh của toàn dân và chính sức mạnh đó đã đánh bại những kẻ thù vô cùng hung bạo. Lý Công Uẩn nói: “Trên vâng mệnh trời dưới theo ý dân, thấy thuận tiện thì thay đổi”. Nguyễn Trãi khẳng định: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ vai trò của quần chúng nhân dân: “Trong bầu trời, không có gì quý bằng nhân dân, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[24]. Tinh thần, sức mạnh của nhân dân Việt Nam được nhân dân thế giới tôn trọng, kính nể. Trong báo cáo tại hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX”, Rô - Mét - Chan - ĐRa, Chủ tịch danh dự Hội đồng hoà bình thế giới đã viết: “Nhân dân Việt Nam thống nhất với nhau như vậy nên đã bảo vệ được chủ quyền đất nước mình. Việt Nam, Hồ Chí Minh chiến thắng, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”…”[25].
Thực tiễn cho thấy, nếu ở đâu cấp uỷ, chính quyền không quan tâm sâu sắc đến nhân dân, có những cán bộ quan liêu, hách dịch, coi thường nhân dân, vi phạm quyền lợi của nhân dân thì sẽ gây hại cho cách mạng (Ví dụ: Tại Thái Bình, tháng 5/ 1997, bà con nhân dân tập hợp thành đoàn đông người kéo lên tỉnh đòi thanh tra kinh tế, tố cáo cán bộ. Một số kẻ xấu đã lợi dụng tình hình đó để trả thù cá nhân, có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật. Ở bên ngoài kẻ địch tung tin nhân dân Thái Bình chống Đảng. Thái Bình là  địa phương giàu truyền thống cách mạng cho nên không có lý do gì để nói nhân dân chống lại chế độ, chống lại sự nghiệp do mình dày công tạo dựng nên. Qua công tác kiểm tra cho thấy, nguyên nhân chính của vụ việc trên là do cán bộ tham nhũng, có những biểu hiện mất dân chủ, khiến nhân dân bất bình. Khi có bàn tay của kẻ địch lập tức trở thành ngòi nổ làm tình hình trở nên phức tạp).
- Thứ hai, mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân và cá nhân, lãnh tụ: Xét từ kinh tế đến chính trị, từ thực tiễn đến tinh thần tư tưởng thì quần chúng nhân dân luôn đóng vai trò quyết định trong lịch sử. Tuy nhiên, vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân không bao giờ có thể tách rời vai trò của các cá nhân ở vị trí thủ lãnh, lãnh tụ hay ở tầm vĩ nhân của cộng đồng nhân dân. VI. Lênin đã viết: “Trong lịch sử chưa hề có giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”[26].
Khái niệm cá nhân dùng để chỉ mỗi con người cụ thể sống trong cộng đồng xã hội nhất định và được phân biệt với những cá nhân khác thông qua tính đơn nhất và tính phổ biến của nó, tức là đều mang bản chất xã hội, không tách rời xã hội, song, lại có những đặc điểm sinh học cũng như xã hội khác nhau. Trong quá trình hoạt động thực tiễn, mỗi cá nhân dù muốn hay không, ít hay nhiều cũng đều tham gia vào quá trình sáng tạo lịch sử. Tuy nhiên, những cá nhân ghi dấu ấn sâu sắc vào lịch sử thường là các lãnh tụ, cá nhân kiệt xuất. Lãnh tụ trước hết là cá nhân kiệt xuất song không phải bất cứ cá nhân kiệt xuất hay vĩ nhân nào cũng trở thành lãnh tụ (Ví dụ: Anhxtanh, Nobel, Nguyễn Du… chỉ là những vĩ nhân mà thôi). Chủ nghĩa Mác – Lênin quan niệm, lãnh tụ là những cá nhân kiệt xuất do phong trào của quần chúng nhân dân tạo nên, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân.
+ Để trở thành lãnh tụ, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, cá nhân kiệt xuất phải có những phẩm chất cơ bản sau: Một là, có tri thức uyên bác, nắm bắt được xu thế vận động của dân tộc, quốc tế và thời đại; Hai là, có năng lực tập hợp quần chúng nhân dân, thống nhất ý chí và hành động của quần chúng nhân dân vào nhiệm vụ của dân tộc, quốc tế và thời đại; Ba là, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, hy sinh quên mình vì lợi ích của quần chúng nhân dân (Ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng nhất về một lãnh tụ trí tuệ uyên bác, tư duy sắc bén, những tư tưởng của Người đã trở thành di sản quý báu định hướng cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Hồ Chí Minh là ngọn cờ tập hợp quần chúng, quy tụ quần chúng biến đó thành sức mạnh cho công cuộc giành độc lập nước nhà. Bản thân Người cũng dành cả cuộc đời mình vì tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Ham muốn lớn nhất của Hồ Chí Minh đó là “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[27].
+ Bất cứ thời kỳ nào, cộng đồng xã hội nào, nếu lịch sử đặt ra những nhiệm vụ cần giải quyết thì từ trong phong trào quần chúng nhân dân, tất yếu sẽ xuất hiện những lãnh tụ đáp ứng nhiệm vụ đó. Bởi vậy, sự xuất hiện của lãnh tụ, cá nhân kiệt xuất tiêu biểu cho mọi thời đại không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà mang tính tất yếu. Khẳng định điều này, Ph.Ăngghen đã từng viết: “Thật là điều ngẫu nhiên thuần tuý mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời đại nhất định nào đó. Nhưng nếu chúng ta phế bỏ người đó đi, thì lại xuất hiện một sự đòi hỏi một người thay thế, và người thay thế này sẽ xuất hiện, tốt hay xấu nhưng cuối cùng rồi cũng xuất hiện”[28]. Mặc dù, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, lãnh tụ chỉ là cá nhân xuất hiện từ phong trào của quần chúng nhân dân, thống nhất lợi ích với quần chúng nhân dân, song, lãnh tụ lại có vai trò hết sức quan trọng đối với phong trào của quần chúng. Nếu lãnh tụ nắm bắt được những quy luật vận động và phát triển của xã hội thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Một lãnh tụ sáng suốt, đức độ, tài năng xuất hiện đúng lúc bao giờ cũng có tác dụng thúc đẩy phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ, chắc chắn, đúng hướng, ít sai lầm và do đó giúp cho phong trào quần chúng đạt tới những thành thành quả tốt đẹp nhất, to lớn nhất, đưa xã hội ngày một phát triển. Ngược lại, nếu lãnh tụ không nắm bắt được những quy luật của lịch sử xã hội thì sẽ kìm hãm sự phát triển đối với xã hội, thậm chí có thể dẫn lịch sử trải qua những bước quanh co, phức tạp (Ví dụ: Sự cai trị tàn bạo của vua Luis XIV của Pháp, vua Tần Thuỷ Hoàng ở Trung Quốc, sự hiếu chiến của Hítle đã đẩy nhân dân đi đến khổ cực, khốn cùng, ngăn cản sự phát triển của phong trào quần chúng; sự bạc nhược của những vua quan triều Nguyễn đã đưa Việt Nam đến cảnh nước mất, nhà tan).
Có thể nói, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định vai trò quyết định của quần chúng nhân dân, đồng thời đánh giá cao vai trò của lãnh tụ song kiên quyết chông lại tệ sùng bái cá nhân. Sùng bái cá nhân sẽ làm cho quần chúng thiếu tin vào lực lượng của bản thân họ, làm cho họ có thái độ phục tùng mù quáng, không phát huy được tính năng động, sáng tạo của họ trong sự nghiệp cách mạng, đồng thời tạo ra các hiện tượng tiêu cực như bè phái, mất đoàn kết, thái độ xu nịnh, quan liêu, gia trưởng, hành động tham nhũng cũng như mọi tệ hại khác. Khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền mà có những người lãnh đạo ưa thích và chấp nhận sự sùng bái cá nhân thì sẽ gây ra những tổn thất nặng nề cho sự nghiệp cách mạng. Người mắc bệnh sùng bái cá nhân thường thần thánh hoá bản thân mình, coi mình cao hơn tập thể, đứng trên và ở ngoài sự kiểm soát của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Họ tự coi mình là "đấng cứu tinh" của quần chúng, tự xem mình có quyền định đoạt mọi đường lối, chính sách của cách mạng, coi người khác chỉ có nhiệm vụ phục tùng, thậm chí họ trở thành chuyên quyền độc đoán. Những cá nhân lãnh đạo đó sẽ tạo ra các hiện tượng tiêu cực như trên và cuối cùng đánh mất lòng tin của cán bộ và quần chúng.
- Thứ ba, ý nghĩa phương pháp luận:
Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân và vai trò của các cá nhân đối với tiến trình lịch sử dã cung cấp một phương pháp luận khoa học cho hoạt động nhận thức và thực tiễn, cụ thể:
+ Một là, việc lý giải một cách khoa học về vai trò quyết định lịch sử của quần chúng nhân dân đã xoá bỏ sai lầm của chủ nghĩa duy tâm đã từng thống trị lâu dài trong nhận thức về động lực và lực lượng sáng tạo ra lịch sử loài người. Đồng thời, đem lại một phương pháp luận khoa học trong việc nghiên cứu và nhận định lịch sử cũng như việc nghiên cứu và đánh giá vai trò của mỗi cá nhân, thủ lĩnh, vĩ nhân, lãnh tụ trong cộng đồng xã hội.
+ Hai là, lý luận về vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân đã cung cấp một phương pháp luận khoa học để chúng ta vận dụng vào việc tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh của quần chúng để đưa sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa đi đến thắng lợi cuối cùng.
Đối với lực lượng công an nhân dân, là cánh tay đắc lực của Đảng, là đầy tớ của nhân dân, muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình cần thiết phải nhận thức được vai trò của quần chúng nhân dân, luôn kính trọng, yêu mến nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sỹ phải xây dựng cho mình quan điểm tác phong quần chúng, luôn ghi nhớ và phấn đấu học tập và rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mệnh, 5 lời thề danh dự của công an nhân dân, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, chống lại các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, sách nhiễu nhân dân, có thái độ trân trọng, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của nhân dân và kịp thời khắc phục những thiếu sót. Mặt khác, công an phải làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc để quần chúng tham gia, ủng hộ, giúp đỡ. Bởi Bác Hồ từng nói: “Năm vạn người chỉ có năm vạn cặp mắt và năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[29].


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen : Toàn tập, NXB. CTQG, Hà Nội, 2000, t42, tr. 234.
[2]  t20, tr.146.
[3]  t42, tr.232.
[4]  t42, tr. 234.
[5]  t42, tr.137
[6] 1993: t23, tr.266 – 267.
[7]  1995: t42, tr.137.
[8] t3, tr.11
[9] t3, tr.10 – 11.
[10] t42, tr. 170.
[11] 1995: t1, tr. 569.
[12]  t42, tr. 182
[13] C.Mác và Ph.Ăngghen : Toàn tập, NXB. CTQG, Hà Nội, 2000, t42, tr. 234.
[14] ĐCSVN: VK HN V, BCH TW khoá VIII, Nxb.CTQG, Hà Nội, 1998, tr.58 – 59.
[15] 2000: t40, tr. 17 – 18.
[16] 2004: t21, tr. 11 – 12.
[17] 2000: t42, tr.133.
[18] Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 74 – 75.
[19]  V.I. Lênin, toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mát – xcơ – va, Tập 2, tr. 159.
[20] HĐTWCĐBSGTQG, Giáo trình Triết học Mác – Lênin, Nxb.CTQG, HN, 2001, tr.126.
[21] C. Mác – Ph. Ăngghen: tuyển tập, T2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 198.
[22] VI. Lênin toàn tập, NXB. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.38, tr. 430.
[23] C. Mác và Ph. Ăngghen: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t3, tr. 15.
[24] Hồ Chí Minh toàn tập, T8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 276.
[25] Tạp chí Cộng sản 10/10 - 2000.
[26] C. Mác - Ph. Ăngghen: tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội 1984, t6, tr. 789 - 790.
[27] Hồ Chí Minh: toàn tập, T12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 501.
[29] Hồ Chí Minh toàn tập, T6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 366.