Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

SÓNG GIÓ Ở BIỂN ĐÔNG VÀ BIỆN PHÁP HOÁ GIẢI

                              Đại tá Hoàng Tăng Cường
                                                         Thượng úy Nguyễn Quỳnh Anh
                                                 (Trường Đại học An ninh nhân dân)

Chiến tranh lạnh chấm dứt, thế đối đầu hai cực Đông – Tây cũng không còn, nhiều xung đột được giải quyết khiến môi trường an ninh thế giới có những diễn biến tích cực, xu thế hợp tác ngày càng trở nên chủ đạo. Tuy nhiên, những sự kiện quốc tế xảy ra trong những năm đầu thế kỷ 21 đã gợi cho chúng ta những suy nghĩ, trăn trở về một thế giới tương lai, có lẽ kỷ nguyên hòa bình thực sự còn khá lâu mới có thể đạt đến.
Đối với châu Á – Thái Bình Dương, nhiều vấn đề bất ổn định vẫn đang tồn tại tiềm ẩn, nhiều điểm nóng vẫn sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Một trong những vấn đề nóng bỏng có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực, đồng thời liên quan đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam là tình hình biển Đông. Biển Đông có sức hút to lớn đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực bởi đây là vùng biển có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là con đường duy nhất nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hơn thế nữa, vùng biển này chứa đựng một nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ. Trong bối cảnh khan hiếm năng lượng như hiện nay, những lợi ích ở  biển Đông trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Chính vì những lí‎ do đó, nên dù nằm trong Thái Bình Dương nhưng biển Đông không hề thái bình mà luôn chứa đựng những nguy cơ “sóng to, gió lớn”. Sóng gió ở đây là cách nói hình ảnh về sự phức tạp trong quá trình giải quyết tranh chấp ở biển Đông giữa các quốc gia trong khu vực, nổi bật lên là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc để khẳng định chủ quyền lãnh thổ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ sau công cuộc cải cách năm 1978, Trung Quốc đã vươn lên một cách mạnh mẽ trước sự kinh ngạc của cộng đồng quốc tế và nhanh chóng trở thành một siêu cường về kinh tế cũng như chính trị, quân sự. Trong đối ngoại, Trung Quốc chủ trương sử dụng chính sách ngoại giao bè bạn, tránh những cách ứng xử có thể gây âu lo hay nghi ngờ từ phía các quốc gia láng giềng và đối tác kinh tế. Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc chỉ áp dụng chính sách ấy với các cường quốc Tây phương, còn đối với các quốc gia láng giềng nhỏ hơn, khi quyền lợi có sự xung đột, Trung Quốc lại không ngần ngại sử dụng vũ lực. Việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông đã cho thế giới thấy hình ảnh một Trung Quốc bá quyền, tự tin, kiêu hãnh và đầy tham vọng. 
 Hiện nay, những nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy một số quan điểm khác nhau hướng đến giải quyết vấn đề biển Đông, song lập trường chủ yếu là cứng rắn, khẳng định dứt khoát chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, gọi đó là 4 quần đảo lớn gồm: Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Những người theo quan điểm này cho rằng cùng với đất liền và biển đảo cũng giữ vai trò cực kỳ quan trọng, là cơ sở tồn tại và hạt nhân chiến lược cho sự phát triển của đất nước. Do đó, theo họ, Trung Quốc cần phải tăng cường phòng vệ biển, từng bước đẩy nhanh xây dựng lực lượng hải quân, thi hành chính sách hải dương “chủ quyền thuộc về ta, gác lại tranh cãi, cùng nhau khai thác”; định ra kế hoạch thiết thực trong khai thác tài nguyên biển, tập trung lực lượng kỹ thuật và tài lực của cả nước, ưu tiên khai thác khu vực có tranh chấp; phản ứng thích đáng với sự khiêu khích từ xung quanh, không loại trừ tấn công quân sự. Bởi vậy, mặc dù chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã rõ ràng với luận cứ vững chắc, thuyết phục hơn hẳn những lý do mà Trung Quốc đưa ra nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ và cụ thể hoá những đòi hỏi của mình bằng sức mạnh vũ lực. Từ năm 1956, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, lợi dụng cuộc chiến tranh giữa hai miền của Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, Trung Quốc đã cử lực lượng hải quân và không quân đến chiếm nốt phần còn lại của Hoàng Sa. Đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc thực hiện việc bành trướng bằng cách xây dựng căn cứ quân sự và đánh dấu chủ quyền ở khu vực này. Tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam đã đụng độ nhau trên một bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn chủ động có những động thái gây hấn với hải quân Việt Nam và bắt những ngư dân Việt Nam trên ngay chính lãnh hải của quốc gia mình. Không những tranh chấp với Việt Nam, mà Trung Quốc còn gây hấn với cả với những quốc gia khác, chẳng hạn như việc Trung Quốc lấn chiếm đảo Vành Khăn do Philipin quản lý ở Trường Sa vào tháng 2 năm 1995.
Có thể nói, tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề hết sức nan giải, khó đi đến hồi kết. Lý do chủ yếu là phía Trung Quốc luôn mang nặng tư tưởng nước lớn, bá quyền và trịch thượng. Tháng 11/2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký với nhau “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa”, song, điều đó chỉ là giải pháp tạm thời về việc duy trì sự ổn định ở Biển Đông. Sáng kiến “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc cũng không thể hiện sự thiện chí và trong sáng, vì không cân bằng được lợi ích giữa các quốc gia cùng tranh chấp. Không có quốc gia nào chấp nhận được sự lấp lửng khi Trung Quốc vẽ ra đường lưỡi bò chiếm đến 80% diện tích của Biển Đông.
Đối với, Việt Nam, từ thế kỷ XVIII, triều đình nhà Nguyễn đã cử người ra khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bao thế hệ người Việt Nam, đã hy sinh máu thịt để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vậy nên bằng mọi cách phải giữ lại những thành quả mà cha ông đã để lại, hoá giải những sóng gió ở biển Đông trở nên yêu cầu hết sức cần thiết đối với lợi ích quốc gia của Việt Nam và tình hình an ninh khu vực. Tuy nhiên, đây là tình huống chính trị mà đòi hỏi phải có những giải pháp tổng thể cả về kinh tế, chính trị và quan hệ quốc tế. Cần nhận thấy, Việt Nam - Trung Quốc có quan hệ láng giềng gần gũi và vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại chưa giải quyết trong quá khứ, hiện tại và thậm chí cả tương lai. Trung Quốc là một siêu cường kinh tế - chính trị - quân sự, có tầm ảnh hướng lớn đối với các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế. theo Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm, năm 2008, Trung Quốc đã đầu tư cho ngân sách quân sự 85 tỉ USD, chỉ đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Vì thế, sẽ rất bất lợi khi chọn giải pháp đương đầu quân sự với Trung Quốc. Trước một cơn sóng khổng lồ và dữ tợn, không nên ưỡn ngực ngăn chặn để bị nhấn chìm mà khôn ngoan nhất là tìm cách ngoi lên đầu ngọn sóng và lướt cùng sóng. Song, chúng ta sẽ ngoi lên đầu sóng như thế nào, trước tiên cần tăng cường sức mạnh ngoại giao hơn nữa, chủ động hội nhập một cách mạnh mẽ, nâng vị trí và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, với điều đó chúng ta sẽ sử dụng các diễn đàn quốc tế và các quan hệ hợp tác đa phương để thúc đẩy tốt quan hệ song phương, tìm kiếm một cơ chế  hợp lý để giải quyết vấn đề biển Đông. Mặt khác, Việt Nam phải ngày càng củng cố vững chắc cơ sở pháp lý cho chủ quyền của mình ở khu vực này, đồng thời tranh thủ các siêu cường có lợi ích chiến lược tại Châu Á – Thái Bình Dương, như Nga, Mỹ, Nhật, Ấn Độ để tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Giải pháp linh hoạt này không có nghĩa là cam chịu, khuất phục Trung Quốc mà chúng ta cũng cần có sự lên án mạnh mẽ, đồng thời vận động dư luận quốc tế lên án những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.
Tóm lại, biển Đông là nơi có tầm quan trọng chiến lược, nằm trong tổng thể an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Vì thế mà khu vực này luôn chứa đựng những biến số khó lường. Sóng gió ở biển Đông được tạo ra bởi nhiều quốc gia, nhưng nguyên nhân chủ yếu lại đến từ một siêu cường, có tư tưởng bành trướng từ lâu đời. Để đảm bảo cho sự phát triển phồn thịnh của khu vực, đồng thời đảm bảo chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải khôn khéo tìm cách hoá giải những cơn sóng này. Để làm được điều đó cần phải sử dụng tất cả các biện pháp từ chính trị đến kinh tế và ngoại giao, không ngừng nâng cao vị thế của quốc gia và sử dụng sức mạnh quốc tế để đàm phán với Trung Quốc một cách sòng phẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét