Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

AN NINH CON NGƯỜI VÀ NHỮNG MỐI ĐE DỌA TOÀN CẦU


                                                     TS. Tạ Minh Tuấn
                     (PGĐ TT nghiên cứu Âu - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế)

Kể từ sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và những biến đổi nhanh chóng về chính trị và quan hệ quốc tế, nhiều vấn đề an ninh mới đã nổi lên trên phạm vi toàn cầu, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với con người. Vậy thực chất của vấn đề an ninh con người hiện nay là gì, những yếu tố nào đang và sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh con người trên phạm vi toàn cầu, nhân loại phải làm gì để vượt qua những thách thức, bảo đảm cho sự phát triển tự do và bền vững của mình? Bài viết này cố gắng phân tích và trả lời một phần những câu hỏi đó.
I. Các nhân tố cấu thành an ninh con người
Theo quan điểm chính thức được ghi nhận trong "Báo cáo phát triển con người" năm 1994 của Liên hợp quốc - tài liệu được cho là đã đề cập toàn diện nhất về khái niệm an ninh con người, an ninh con người có hai khía cạnh chính: 1- an toàn trước các mối đe dọa triền miên như đói khát, bệnh tật và áp bức; 2 - con người được bảo vệ trước những biến động bất thường và có hại đối với cuộc sống hằng ngày - bất luận ở trong gia đình, nơi công sở hay ở cộng đồng(1). ủy ban An ninh con người của Liên hợp quốc lại định nghĩa an ninh con người là phải bảo vệ các giá trị cơ bản quan trọng nhất trong cuộc sống của tất cả mọi người theo hướng tăng cường khả năng tự do lựa chọn và hưởng thụ của con người, nghĩa là bảo vệ con người khỏi những mối đe dọa và tình huống nguy hiểm và hiện hữu ở khắp mọi nơi. Nói cách khác, nó có nghĩa cần phải tạo dựng cùng lúc các hệ thống chính trị, xã hội, môi trường, kinh tế, quân sự và văn hóa để chúng giúp con người đặt nền móng vững chắc cho sự tồn tại, cho cuộc sống bản thân và bảo vệ nhân phẩm của chính mình. Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Kô-phi An-nan đã từng nhấn mạnh an ninh con người không tách rời hòa bình, an ninh và phát triển. Nó không chỉ đơn giản là tình trạng không có xung đột bạo lực, mà còn bao gồm nhân quyền, quản lý nhà nước tốt, cơ hội tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe và bảo đảm mỗi cá nhân có cơ hội và sự lựa chọn để phát huy được năng lực của mình(2).
Theo các tài liệu chính thức của Liên hợp quốc và phù hợp với cách lý giải được trình bày ở trên, có 7 nhân tố cơ bản cấu thành an ninh con người(3). Mặc dù các quốc gia chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm về an ninh con người, nhưng những nội dung này hầu như không bị tranh cãi nhiều, ngoại trừ cách thức làm sao để thực hiện việc bảo đảm an ninh con người dựa trên các tiêu chí đó.
1 - An ninh kinh tế: An ninh kinh tế ở đây được hiểu tương đối hẹp so với khái niệm an ninh kinh tế trong kinh tế học. Nó không hướng tới việc duy trì hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước khỏi sự cạnh tranh của hàng nước ngoài, cũng không bàn các vấn đề tài chính, thuế quan mà hướng vào việc bảo đảm mức thu nhập cơ bản của con người. ở tiêu chí này vấn đề việc làm đóng vai trò quan trọng. Dân số thế giới tăng mạnh(4), trong khi đó, sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học - công nghệ đã cho ra đời nhiều ngành sản xuất mới đòi hỏi trình độ và tay nghề nhân công cao hơn rất nhiều, ví dụ như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, và các ngành công nghiệp dịch vụ khác, mà chỉ có một bộ phận nhỏ lực lượng lao động có thể đáp ứng các yêu cầu công việc mới. Các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động ngày càng thu hẹp khiến cho sức ép cạnh tranh việc làm ngày càng lớn, đe dọa trực tiếp tới an ninh kinh tế của mỗi cá nhân.
2 - An ninh lương thực: theo định nghĩa của Chương trình lương thực thế giới, an ninh lương thực là một trạng thái mà không lúc nào con người bị đói - nghĩa là họ có đủ các chất dinh dưỡng cho một cuộc sống hiệu quả, hoạt bát và khỏe mạnh(5). Tuy nhiên sẵn có nguồn lương thực chưa phải một điều kiện để bảo đảm an ninh, bởi vì con người vẫn có thể bị chết đói khi lương thực dồi dào. Trong một thế giới tiến bộ như ngày nay vẫn còn hơn 800 triệu người bị đói(6). Vấn đề chủ yếu ở chỗ việc phân phối lương thực kém hiệu quả và con người thiếu khả năng mua hàng(7). Qua đó có thể thấy ngoài nhân tố ảnh hưởng của thiên tai đối với khả năng sản xuất lương thực, các chính sách và trình độ quản lý kinh tế của các chính phủ cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo đảm nguồn cung cấp lương thực cũng như thu nhập cho người dân.
3 - An ninh sức khỏe: Sức khỏe có thể là một trong những nhân tố quan trọng và trực tiếp nhất của an ninh con người. Một người bị ốm, nhất là bị bệnh nặng luôn có cảm giác thiếu an toàn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đều coi "sức khỏe là vốn quý của con người". Ở các nước đang phát triển, mỗi năm có hàng triệu người chết do các căn bệnh truyền nhiễm và liên quan đến ký sinh trùng. Còn ở các nước phát triển, các nhân tố gây chết người thường liên quan đến hệ tuần hoàn máu (do lối sống) và ung thư. Ở cả hai nhóm nước này, mối đe dọa tới sức khỏe con người thường nhiều hơn trong cộng đồng dân cư nghèo khổ nhất, những người sinh sống ở nông thôn và nhất là trẻ em và phụ nữ(8). Những năm gần đây nhiều loại bệnh như HIV/AIDS ngày càng trở nên nguy hiểm, ngoài ra Tổ chức y tế thế giới cảnh báo một số loại bệnh mới như cúm gia cầm H5N1 cũng có nguy cơ đe dọa tính mạng của hàng chục triệu người nếu nó trở thành đại dịch.
4 - An ninh môi trường: Các mối đe dọa từ môi trường đối với con người có thể chia làm hai loại: do con người tạo ra và do thiên thiên tạo ra. Những mối đe dọa do con người tạo ra bao gồm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, sa mạc hóa hoặc nạn chặt phá rừng; ô nhiễm không khí. Báo cáo phát triển con người năm 2006 đã cho thấy ngày nay có tới 1,1 tỉ người ở các nước đang phát triển không được tiếp cận nguồn nước một cách đầy đủ và khoảng 2,6 tỉ người thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản(9). Mối đe dọa do thiên nhiên tạo ra bao gồm: bão, lụt, hạn hán, động đất, sóng thần. Ước tính số người tại châu á chết và mất tích trong thảm họa sóng thần tháng 12-2004 là hơn 200.000 người; chỉ riêng In-đô-nê-xi-a bị thiệt hại khoảng 164.000 người(10). Khoa học đã chứng minh rằng con người và thiên nhiên có mối quan hệ mật thiết, và do đó hiện tượng biến đổi khí hậu khiến cho thiên nhiên trở nên ngày càng khắc nghiệt có một phần lớn bắt nguồn từ những hoạt động của con người. Ví dụ sự nóng lên của trái đất là do lượng khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính, hoặc lũ lụt và hạn hán bắt nguồn từ việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên rừng. Vấn đề an ninh môi trường nghiêm trọng tới mức UNDP đã dành toàn bộ Báo cáo phát triển con người năm 2007/2008 để bàn về chủ đề này. Báo cáo khẳng định rằng: có một điều tương đối rõ ràng là con người đang gặp phải ngày càng nhiều các trận bão lớn, lụt lội và hạn hán; chúng đang hủy hoại cơ hội của con người và làm gia tăng bất bình đẳng. Thế giới đang tiến sát tới thời điểm không thể tránh được thảm họa sinh thái(11).
5 - An ninh cá nhân: có lẽ không phải chịu các hành vi bạo lực đối với thân thể mỗi cá nhân là khía cạnh quan trọng nhất của an ninh con người. Bất luận ở nước giàu hay nghèo, cuộc sống con người ngày càng bị đe dọa bởi nạn bạo lực khó lường trước. Có một số hình thức đe dọa sau:
- Đe dọa từ nhà nước (tra tấn, lao động khổ sai)
- Đe dọa từ các quốc gia khác (chiến tranh, xung đột vũ trang giữa các nhóm xuyên biên giới)
- Đe dọa từ các nhóm người khác (căng thẳng và xung đột sắc tộc)
- Đe dọa từ các cá nhân hoặc băng nhóm chống lại các cá nhân và băng nhóm khác (tội phạm, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bạo lực đường phố)
- Đe dọa trực tiếp đối với phụ nữ và trẻ em (bạo lực trong gia đình, lạm dụng trẻ em)
- Đe dọa đối với bản thân (tự tử, nghiện hút)(12).
Tuy nhiên, tùy điều kiện của mỗi quốc gia mà các hình thức đe dọa tới an ninh cá nhân sẽ khác nhau(13).
6 - An ninh cộng đồng: hầu hết con người gắn vấn đề bảo vệ an ninh của mình vào trong một nhóm người nhất định, chẳng hạn như một gia đình, một cộng đồng dân cư, một tổ chức hay một nhóm sắc tộc(14). Nói rộng hơn, an ninh của một người cũng có thể được bảo đảm khi người đó sống ở trong một quốc gia nhất định, bao gồm nhiều cộng đồng khác nhau hợp thành. Đương nhiên một cộng đồng thường có khả năng tập hợp lực lượng mạnh hơn để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Nếu một nhóm hay một cộng đồng nào đó được an toàn, thì khả năng mỗi thành viên trong cộng đồng cũng được an toàn là rất cao. Tuy nhiên từ sau Chiến tranh lạnh, khuynh hướng xung đột giữa các cộng đồng tăng lên,ví dụ như giữa cuộc chiến tranh ở Cô-sô-vô, xung đột của người Cuốc ở miền Bắc I-rắc, hệ quả của chúng làm giảm mức độ an toàn đối với các cộng đồng đó và với từng cá nhân sống trong cộng đồng.
7 - An ninh chính trị: đối với nhân tố này trong khái niệm an ninh con người, Liên hợp quốc gắn nó với việc "xã hội tôn trọng các quyền cơ bản của con người"(15). Theo nghĩa này, an ninh chính trị được mở rộng rất nhiều bởi lẽ bản thân quyền con người đã bao hàm cả quyền chính trị. Điều này đồng nghĩa với việc vi phạm nhân quyền là đe dọa tới an ninh chính trị. Tuy nhiên, ở khía cạnh này, bảo đảm an ninh chính trị còn tập trung vào việc làm sao để con người không phải chịu sự đàn áp, ngược đãi của các lực lượng thuộc quyền lực nhà nước, đặc biệt là công an và quân đội. Thậm chí tỉ lệ ngân sách quốc phòng so với chi phí cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác cũng được coi là một tiêu chí để đánh giá mức độ an ninh chính trị(16).
II. Các mối đe dọa toàn cầu đối với an ninh con người
Có thể chia mối đe dọa đối với an ninh con người theo 2 loại: Thứ nhất là các mối đe dọa ở cấp quốc gia, tức là chúng thường chỉ có tác động trong phạm vi biên giới quốc gia; thứ hai là các mối đe dọa toàn cầu, tức là chúng phổ biến và có tác động trên phạm vi rộng, xuyên quốc gia, ảnh hưởng tới nhiều cộng đồng khác nhau. Các mối đe dọa tới an ninh con người thuộc loại thứ nhất đã được đề cập nhiều trong các phân tích ở phía trên, vì vậy ở đây chúng tôi chỉ tập trung phân tích các mối đe dọa thuộc loại thứ 2 - các mối đe dọa toàn cầu, bao gồm 7 mối đe dọa cơ bản nhất như sau:
1 - Sự gia tăng dân số không được kiểm soát: Mặc dù các nước đã có nhiều chính sách hạn chế hoặc khuyến khích thích hợp để giảm tăng dân số, nhưng tổng dân số toàn cầu vẫn có thể lên đến 9,4 tỉ người năm 2050(17). Tốc độ tăng dân số đã tạo áp lực rất lớn đối với việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên không có hoặc ít khả năng tái tạo như đất, nước, dầu mỏ, than đá v.v..
2 - Bất bình đẳng về cơ hội kinh tế: Cơ hội kinh tế ở đây hiểu một cách đơn giản nhất theo những con số thể hiện mức thu nhập bình quân đầu người. Khoảng cách giữa nhóm người giàu nhất và nghèo nhất tiếp tục gia tăng. Hiện vẫn còn tới 1,01 tỉ người sống dưới 1 đô la Mỹ một ngày. Có những nước ở châu Phi đang tụt hậu gần như khó có cơ hội đuổi kịp các nước phát triển hơn. Nó cho thấy toàn cầu hóa nền kinh tế không đồng nghĩa với việc tạo sự bình đẳng về cơ hội kinh tế cho mọi quốc gia, mọi cộng đồng.
3 - Áp lực về di dân: Một trong những hậu quả rõ rệt của việc gia tăng dân số và tình trạng đói nghèo ở các nước đang phát triển là làn sóng di cư quốc tế tăng mạnh trong những năm qua. Tổ chức Di trú quốc tế ước tính, năm 2005 trên toàn thế giới có khoảng 191 triệu người di cư so với 176 triệu người năm 2000, trong đó có từ 30 triệu đến 40 triệu người di cư bất hợp pháp. Phần lớn những người di cư đều từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển(18). Họ tạo nên áp lực lớn đối với xã hội các nước tiếp nhận, từ tạo việc làm, chăm sóc y tế, cung cấp chỗ ở cho đến bảo đảm an ninh cho họ. Bản thân những người nhập cư còn cạnh tranh với người bản địa về công việc, làm gia tăng mâu thuẫn giữa các cộng đồng dân cư ở nhiều nước phát triển.
4 - Xuống cấp về môi trường: Phần lớn các hình thức xuống cấp môi trường đều có tác động nghiêm trọng trong phạm vi quốc gia hoặc ở từng địa phương cụ thể(19). Tuy nhiên hậu quả của chúng ngày càng lan rộng mang tính quốc tế cao, đe dọa đến nhiều quốc gia, thậm chí trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ các vụ cháy rừng ở In-đô-nê-xi-a sẽ làm cho khói bụi lan sang Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po; hoặc sự nóng lên của trái đất làm cho tan băng ở hai cực khiến nước đại dương dâng cao, uy hiếp trực tiếp các nước ven biển có nền đất thấp. Xuống cấp môi trường đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm vào bậc nhất đối với sự sinh tồn của con người.
5 - Buôn lậu ma túy: Mặc dù các nỗ lực quốc tế phòng chống ma túy có mang lại một số thành tựu nhất định, nhưng vẫn chưa có khả năng ngăn chặn triệt để. Ma túy hủy hoại tinh thần và sức khỏe của con người, xói mòn các nền tảng văn hóa, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Những năm gần đây các sản phẩm ma túy tổng hợp như thuốc lắc phát triển mạnh ở châu á càng làm cho nạn buôn ma túy thêm trầm trọng, mở rộng mối đe dọa đối với nhiều đối tượng mới, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, kể cả học sinh và sinh viên.
6 - Khủng bố quốc tế: Số liệu thống kê cho thấy từ 1975 đến 1992 bình quân có 500 vụ khủng bố quốc tế xảy ra mỗi năm(20). Từ đầu những năm 1990 trở lại đây số vụ khủng bố không giảm, quy mô khủng bố ngày càng lớn. Sau vụ 11-9 ở Mỹ, các vụ tấn công khủng bố ở Ba-li, In-đô-nê-xi-a, ga tàu điện ngầm ở Luân-đôn, Anh hay trên tàu hỏa ở Ma-đrít, Tây Ban Nha làm hàng trăm người thiệt mạng. Khủng bố không chỉ đe dọa tính mạng con người khắp nơi trên thế giới, mà còn gây thiệt hại nặng nề về tinh thần và vật chất.
7 - Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD): sau Chiến tranh lạnh, các kho WMD của Mỹ và Nga đều giảm nhưng nguy cơ phổ biến lại tăng lên. ấn Độ và Pa-ki-xtan đã trở thành quốc gia hạt nhân từ năm 1998. CHDCND Triều Triên cũng tham gia câu lạc bộ hạt nhân năm 2006. Việc phát hiện ra mạng lưới phổ biến công nghệ hạt nhân của A.Q Khan từ Pa-ki-xtan cho thấy sự yếu kém trong việc phòng chống cho dù đã có các biện pháp nghiêm ngặt ở cấp độ quốc tế cũng như quốc gia. Vì WMD vẫn là vũ khí có sức hủy diệt lớn nhất nên một khi những kẻ khủng bố sở hữu WMD sẽ là thảm họa đối với thế giới.
III. Biện pháp bảo vệ an ninh con người trong điều kiện hiện nay
Bản thân vấn đề "an ninh con người" là rất phức tạp nên việc bảo đảm an ninh con người lại càng không đơn giản. Tùy thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề này của từng quốc gia, từng cộng đồng, hay rộng hơn cả là các tổ chức mang tầm vóc thế giới mà chính sách và biện pháp bảo đảm an ninh con người khác nhau. Mỗi nước có thể có con đường, cách đi của riêng mình. Dù vậy, thế giới mà trong đó sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng lên đòi hỏi phải có cách tiếp cận và giải pháp ở cấp độ quốc tế. Các biện pháp toàn cầu thường có tác động sâu sắc và lâu dài đối với các cộng đồng dân cư và để thực hiện được các biện pháp đó đòi hỏi phải có sự quyết tâm, trách nhiệm cao, sự hợp tác, phối hợp của tất cả các quốc gia, các cộng đồng trên toàn thế giới. Có thể khái quát những biện pháp bảo vệ an ninh con người trên phạm vi toàn cầu như sau:
- Phát triển có tính bền vững, bao gồm kiểm soát tăng dân số tự nhiên và bảo vệ môi trường; tạo cơ hội công bằng (phân phối tốt hơn các tư liệu sản xuất như đất đai và vay tín dụng; tiếp cận các cơ hội thị trường; tạo việc làm; hệ thống an sinh xã hội); công bằng toàn cầu thông qua việc "tái cơ cấu căn bản" thu nhập của thế giới, tiêu dùng và lối sống.
- Quân sự: giảm chi phí mua sắm vũ khí; đóng cửa tất cả các căn cứ quân sự; chuyển đổi viện trợ quân sự thành viện trợ kinh tế; chấm dứt chuyển giao vũ khí; xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu vũ khí; đào tạo lại công nhân trong các ngành công nghiệp quốc phòng; hợp tác chống phổ biến WMD và tiến tới loại trừ hoàn toàn WMD.
- Tái cơ cấu Bắc - Nam: tiếp cận thị trường thế giới một cách công bằng cho các nước nghèo bằng cách dỡ bỏ các rào cản thương mại (đặc biệt trong dệt may và nông nghiệp); bồi thường tài chính từ các nước giàu để đổi lấy việc hạn chế di dân và sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên môi trường của thế giới; tạo một cơ chế thanh toán toàn cầu cho các dịch vụ khác nhau (ví dụ dịch vụ môi trường, kiểm soát ma túy và dịch bệnh) hay các "thiệt hại" trong trường hợp bị tổn thương về kinh tế cũng như các hành vi kinh tế không lành mạnh (ví dụ việc khuyến khích chảy máu chất xám, hạn chế nhập cư lao động tay nghề thấp, hạn chế xuất khẩu).
- Thể chế: khôi phục và cơ cấu lại IMF, WB và UN để tập trung hơn vào phát triển con người; điều chỉnh kinh tế nhằm vào người giàu chứ không phải người nghèo; xây dựng các mô hình quản trị mới ở mọi nơi để tạo thêm quyền lực cho người nghèo.
- Dân chủ hóa đời sống xã hội: khuyến khích phát triển các thể chế dân chủ trong từng quốc gia, tạo các điều kiện cho người dân được bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, quyền con người, có các điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển toàn diện.
Chia sẻ nhiều điểm trong các biện pháp trên, ủy ban An ninh con người của Liên hợp quốc đã khuyến nghị nhiệm vụ bảo đảm an ninh con người trên tất cả các lĩnh vực nên bắt đầu bằng việc giải quyết các vấn đề cơ bản nhất, tập trung vào 10 nhóm chính:
- Bảo vệ con người trong các cuộc xung đột bạo lực;
- Bảo vệ con người khỏi việc phổ biến vũ khí;
- Trợ giúp về an ninh cho những người đang trên đường di rời khỏi quê hương;
- Thành lập các quỹ tạm thời về an ninh con người trong các tình huống hậu xung đột;
- Khuyến khích giao thương công bằng và tiếp cận thị trường đem lại nguồn lợi cho những người nghèo khổ;
- Bảo đảm mức sống tối thiểu cho con người ở khắp mọi nơi;
- Chú ý ưu tiên tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản và đồng đều;
- Phát triển một hệ thống các quyền phát minh sáng chế có hiệu quả và công bằng;
- Bảo đảm quyền con người bằng hệ thống giáo dục phổ cập thông qua các nỗ lực toàn cầu cũng như của từng nước;
- Bảo vệ sự cần thiết của những chuẩn mực chung toàn cầu về con người, nhưng đồng thời phải tôn trọng tự do lựa chọn của các cá nhân, các dân tộc để duy trì sự đa dạng bản sắc(21).
Như vậy ở cấp độ quốc tế, các chủ trương và biện pháp vĩ mô để đảm bảo an ninh con người trong điều kiện hiện nay đã được tuyên bố rất rõ ràng. Vấn đề còn lại là làm sao các tổ chức quốc tế có thể phối hợp với từng quốc gia để thực hiện. Và quan trọng hơn cả là mỗi nước phải tự nỗ lực và xây dựng chương trình riêng, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mình để đưa an ninh con người thành một ưu tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét