Nguyễn Văn Tỉnh[*]
Nguyễn Quỳnh Anh**
Hêghen - triết gia vĩ đại của nền triết học cổ điển Đức (thế kỷ XVIII - XIX) đã nhấn mạnh: toàn bộ tri thức của nhân loại suy cho cùng là vấn đề phương pháp. Đó là những nỗ lực của con người hướng tới việc tác động có hiệu quả vào thế giới nhằm cải tạo thế giới và cải tạo chính bản thân mình.
Là người am tường chủ nghĩa Mác - Lênin nên chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời nắm vững phương pháp biện chứng. Tư duy biện chứng đã ghi dấu ấn sâu sắc trong toàn bộ quan điểm, tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Theo Bác, Công an nhân dân phải là những người “vừa hồng, vừa chuyên”, hội tụ đủ những yếu tố về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực công tác. Ngày 1/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII, Người đã vạch rõ tư cách của người công an cách mệnh là:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tuỵ.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.”1
Có thể thấy, tư cách của người công an cách mệnh không phải là những yếu tố tồn tại một cách cô lập, rời rạc mà nằm trong các mối quan hệ cụ thể, bao gồm: đối với tự mình, đối với đồng sự, đối với chính phủ, đối với nhân dân, đối với công việc và đối với địch. Với con mắt biện chứng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng trên quan điểm toàn diện và lịch sử cụ thể để xem xét từng mối quan hệ, đưa ra những phương châm ứng xử đối với người công an, đồng thời đặt chúng trong sự tác động qua lại, gắn bó mật thiết với nhau, nương tựa lẫn nhau. Tính biện chứng trong sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có thể được tiếp cận ở một số điểm chính như sau:
Thứ nhất, sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa tính giai cấp và tính nhân dân.
Lực lượng công an được ví như “thanh kiếm và lá chắn”, là cánh tay đắc lực để bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính phủ. Trong điều dạy thứ ba, Bác căn dặn Công an nhân dân: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”. "Tuyệt đối trung thành" trước hết là trung thành với lý tưởng của Đảng, nguyện suốt đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. “Tuyệt đối trung thành” còn thể hiện qua thái độ “tận tuỵ với công việc”, không quản ngại khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, công an phải thực hiện sự chuyên chính đối với các phần tử cơ hội, phản động, đấu tranh chống mọi hoạt động gây tổn hại tới cách mạng, đi ngược lại lợi ích dân tộc và nhân dân. Vì vậy, Bác đã yêu cầu Công an: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Cương quyết chính là thái độ không khoan nhượng với địch, tấn công kẻ địch đến cùng, không né tránh, không để lọt tội phạm. “Trung thành với Chính phủ” và “Cương quyết, khôn khéo đối với địch” là sự biểu hiện sinh động tính giai cấp trong sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.
Mặc dù mang tính giai cấp, nhưng điểm cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong tư cách người công an cách mệnh đó là tính nhân dân. Tại điều dạy thứ tư, Bác yêu cầu: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. Người khẳng định: “Công an của ta là công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân mà làm việc"2. Công an phải xác định chức năng chủ yếu của mình không phải là trấn áp mà là chức năng phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm mang lại lợi ích nhiều nhất cho nhân dân. Bác đã dùng phương pháp so sánh để phân biệt bản chất của Công an nhân dân với Công an đế quốc: “Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của bọn đế quốc để hà hiếp, áp bức đa số nhân dân… Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân.”3.
Tính giai cấp và tính nhân dân trong sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có quan hệ biện chứng, tác động qua lại, là tiền đề, điều kiện của nhau. Khi nào thực hiện tốt tính giai cấp, trung thành với Đảng, với Chính phủ, cương quyết với kẻ địch, Công an nhân dân mới có thể chống lại mọi âm mưu và hoạt động thù địch, bảo vệ vững chắc chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, đảm bảo cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hướng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, thực hiện tốt tính nhân dân thì Công an mới có thể thực hiện được sự chuyên chính của mình đối với các các thế lực phản động khác. Nhấn mạnh điều này, Bác đã viết: “Công an là bộ máy để thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính của nhân dân đối với các thế lực phản động khác. Muốn có dân chủ thật sự, phải chuyên chính thật sự, nếu không bọn xấu sẽ làm hại nhân dân. Dân có mến, tin công an thì mới giúp công an chuyên chính với địch để tiến lên chủ nghĩa xã hội”4. Nhân dân chính là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, là động lực mạnh mẽ giúp Công an nhân dân hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình. Bác khẳng định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”5. Nhưng nhân dân chỉ thực sự tin tưởng, yêu mến, ủng hộ Công an khi Công an “kính trọng, lễ phép”, gắn bó máu thịt với nhân dân và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Thứ hai, sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân thể hiện sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa đức và tài, giữa phẩm chất và năng lực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều đến đạo đức, coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, nhưng Người không tuyệt đối hoá đạo đức, xem nhẹ mặt tài mà khẳng định “tài” và “đức”, phẩm chất và năng lực là những yếu tố không thể tách rời nhau. Theo Bác, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, ngược lại, có tài mà không có đức thì trở nên vô dụng, thậm chí gây tổn hại cho xã hội. Người viết: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại ai, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”6 .
Quan hệ biện chứng giữa đức và tài cũng phản ánh một cách rõ nét trong sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Những yêu cầu mà Người đặt ra cho Công an là “đức”, tuy nhiên, để thực hiện được những yêu cầu đó, người Công an cần có trí tuệ, năng lực, sự nhạy bén, sáng tạo, tức là cần có “tài”. Bác căn dặn Công an: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, đi liền với cần, kiệm, liêm, chính là chí công vô tư vì thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là đức, nhưng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư không chỉ được hiểu là cần cù, tiết kiệm, trong sạch, ngay thẳng, một lòng vì nước, vì dân mà còn được hiểu là làm việc với năng suất, hiệu quả cao, mang lại được lợi ích nhiều nhất cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, muốn vậy phải có tài. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát “tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”7, trong đó yếu tố đạo đức và tài năng gắn bó với nhau. Để đạt đến “nhân, nghĩa, liêm”, cần có “trí, dũng”, tức là có bản lĩnh vững vàng và trí tuệ sáng suốt, biết xét người, xét việc..
“Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ” là đức, nhưng để giúp được đồng sự phải phải tinh thông nghiệp vụ, nếu không nắm vững nghiệp vụ thì có lòng tốt đến đâu cũng chẳng giúp được gì. “Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành” nhưng trung thành không chỉ là một lòng, một dạ gắn bó với Chính phủ mà còn phải có năng lực, tài năng để giữ gìn phép nước, cống hiến sức lực nhiều nhất cho Chính phủ, động viên được nhân dân ủng hộ Chính phủ. Trong bài nói chuyện với hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý lực lượng công an muốn bảo vệ tốt phải có kỹ thuật khéo léo, phải hiểu tâm lý địch và tổ chức tốt nhân dân. Người nói: “muốn bảo vệ thì người bảo vệ phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khỏe, phải bắn súng giỏi, bơi giỏi, chèo thuyền giỏi – để lúc có việc sang sông không phải nhờ thuyền… muốn bảo vệ tốt phải hiểu tâm lý kẻ địch”… phải có “…thái độ tốt với nhân dân. Cho nên phải khéo tổ chức, phải làm thế nào vừa bảo vệ được… vừa không xô đẩy đồng bào”8.
“Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép” là đức, nhưng kính trọng, lễ phép không dừng lại ở thái độ ứng xử đối với nhân dân mà còn phải thể hiện qua việc hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, phát huy được sức mạnh của nhân dân, điều đó đòi hỏi người công an phải có tài. “Đối với công việc, phải tận tuỵ”, tận tuỵ ở đây bao hàm cả sự đam mê, miệt mài với công việc và việc lập kế hoạch làm việc hợp lý, chịu khó tìm tòi, cải tiến, khắc phục khó khăn để đạt được kết quả cao nhất. “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”, cương quyết là đức, còn khôn khéo là tài. Trước kẻ địch, yêu cầu về đức và tài đối với người công an là phải vừa có dũng, vừa có trí, phải vừa bản lĩnh vừa thông minh sáng suốt, dũng gắn liền với trí, cương quyết gắn liền với khôn khéo để khỏi rơi vào tình trạng “hữu dũng, vô mưu”.
Có thể nói, trong sáu điều Bác dạy Công an nhân dân, “đức” và “tài” , phẩm chất và năng lực có quan hệ chặt chẽ, đức là gốc nhưng để đức trở nên hữu ích thì phải có tài, có năng lực đưa những yêu cầu về mặt phẩm chất vào thực tiễn để làm ích nước, lợi dân. Với cách tiếp cận đó, biện chứng giữa đức và tài còn hàm nghĩa biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, lý tưởng đi đôi với hành động, lời nói đi đôi với việc làm.
Thứ ba, sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân thể hiện quan điểm biện chứng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là quan điểm thể hiện sâu sắc tư duy biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vấn đề có tính phương pháp luận chỉ đạo hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” chứa đựng quan hệ giữa cái “xác định” và cái “biến đổi”, giữa “tất yếu” và “tự do”. Khi đưa ra những yêu cầu về tư cách đối với Công an nhân dân, theo Bác, công an phải vừa có ý chí kiên định, cứng rắn về nguyên tắc nhưng đồng thời cũng năng động, sáng tạo, mềm dẻo, linh hoạt về biện pháp, sách lược. Khi công an nắm vững được cái “xác định”, “tất yếu” thì sẽ vững vàng trong xử lý các tình huống, có phương pháp thích hợp giải quyết những hoàn cảnh thực tế trước mắt, từ đó đạt đến “tự do”.
Cái “bất biến”, “tất yếu” trong sáu điều Bác dạy Công an nhân dân đó là phẩm chất đạo đức, tư cách của người công an. Luôn trau dồi đạo đức, kiên định lập trường giai cấp, nguyện hy sinh phục vụ nhân dân chính là nắm vững cái “bất biến, “tất yếu”, từ đó mà sáng tạo hình thức, phương pháp để thực hiện nhiệm vụ. Công tác công an cần nhiều cán bộ, chiến sỹ có sáng kiến, có phương pháp nhưng không bao giờ được rời xa những bất biến, tất yếu trong nhân cách, bởi nhờ những cái bất biến, tất yếu đó mà công an có thể tự do trong hành động, đi đúng đường lối cách mạng, phát huy được sức mạnh của nhân dân, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không phải ngẫu nhiên mà điều dạy: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu. Sở dĩ như vậy vì đây là quan hệ gốc, là yếu tố tất yếu, bất biến, chỉ khi chiến thắng được chính mình, chiến thắng được cái “tất yếu” thì mới thực sự tự do. Triết lý Nho gia có câu: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Người công an phải không ngừng rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính”, coi đó là lương tâm, là lẽ sống là mục tiêu phấn đấu của mình. “Cần, kiệm, liêm, chính” là chìa khoá để công an có thể “thân ái giúp đỡ đối với đồng sự”, “tuyệt đối trung thành đối với Chính phủ”, “kính trọng lễ phép đối với nhân dân”, “tận tuỵ đối với công việc”.
Tại điều dạy thứ sáu, Bác yêu cầu cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Đây là sự cụ thể hoá phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thể hiện việc nắm vững quan hệ biện chứng giữa cái “tất yếu” và “tự do” trong đấu tranh với địch. “Cương quyết, khôn khéo” là sự kết hợp uyển chuyển giữa sách lược và chiến lược, giữa nguyên tắc và phương pháp. Sự kết hợp đó sẽ khiến công an “tự do”, chủ động nắm chắc tình hình và có những cách làm, bước đi phù hợp, xử lý tốt những tình huống đặt ra. Do vậy, công an phải giữ vững nguyên tắc, kiên quyết tấn công địch, không lùi bước, không thoả hiệp nhưng cũng phải biết suy xét cho sâu, cho kỹ, biết linh hoạt trong sách lược để đạt đến hiệu quả cao nhất. Vấn đề này đã được Bác chỉ rõ trong câu thơ:
“Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết không dừng thế tiến công”9.
Tóm lại, sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là sự phản ánh rõ nét tính thống nhất biện chứng của những phẩm chất, tư cách cần có ở người công an cách mệnh. Bác đã xem xét một cách toàn diện các mối quan hệ xung quanh người công an, thiết lập phương châm ứng xử cho từng mối quan hệ và nhìn nhận chúng trong sự gắn bó, bền chặt và tác động lẫn nhau: đó là biện chứng giữa tính giai cấp và tính nhân dân, biện chứng giữa “đức” và “tài”, giữa “tất yếu” và “tự do”. Với ý nghĩa ấy, sáu điều Bác dạy là tài sản tinh thần vô cùng quý báu, là đường hướng, nguyên tắc và chìa khoá để mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an không ngừng học tập, rèn luyện, hoàn thiện mình, xứng đáng với danh hiệu cao quý: “Công an nhân dân”.
-------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, t. 5, tr. 406 - 407.
(2) Sđd, t. 5, tr. 406.
(3) Sđd, t. 6, tr. 365.
(4) Sđd, t. 9, tr. 279.
(5) Sđd, t. 6, tr. 366.
(6) Sđd, t. 9, tr. 172.
(7) Sđd, t. 5, tr. 251.
(8) Sđd, t. 10, tr. 515 - 517.
(9) Sđd, t. 3, tr. 287.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét