Nguyễn Quỳnh Anh
(Đại học An ninh – Sưu tầm, biên soạn)
Trong khi Mỹ đang lún sâu vào vũng lầy Trung Đông và đối phó trước làn sóng của khủng hoảng tài chính, thì khuynh hướng ngày một độc lập hơn của Châu Á, Châu Âu và châu Mỹ La tinh là mối lo lắng hàng đầu của quốc gia này. Một trật tự thế giới tam cực (Châu Á – Châu Âu – Bắc Mỹ) hình thành ngày càng rõ nét đe dọa vị trí siêu cường số một của Mỹ. Những vấn đề thời sự diễn ra trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI có thể khái quát ở một số điểm chính sau:
1. Châu Á ngày một độc lập và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mỹ
Châu Á và Châu Âu đang ngày càng thắt chặt mối quan hệ và tăng cường hội nhập khu vực, đây là minh chứng hùng hồn cho một thế giới đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của Mỹ. Sự nể nang của Trung Quốc đối với Mỹ từng bước giảm đi, người Mỹ lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Dù không cam tâm, song Mỹ cũng phải nhận thấy rằng các tập đoàn kinh tế của họ đang lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu cũng như số ngoại tệ dự trữ khổng lồ ngày một gia tăng của Trung Quốc.
Vấn đề năng lượng luôn là một thách thức khắp thế giới, song, đối với châu Á, một thời kỳ mới đã bắt đầu. Sự hợp tác trao đổi vũ khí, dầu khí giữa Iran và Trung Quốc; Saudi Arabia và Trung Quốc cũng đang gắn bó chặt chẽ hơn trong địa hạt dầu khí, hơi đốt và đầu tư. Bởi vậy, Siddarth Varadarjan, phó biên tập báo Hindu đã nhận xét: “nếu thế kỷ 21 là thế kỷ của Châu Á, thế thụ động của Châu Á trong địa hạt năng lượng phải chấm dứt”.
Một quốc gia lớn như Ấn Độ cũng đang đứng trước nhiều lựa chọn. Ấn Độ có thể trở thành một khách hàng của Mỹ, hoặc gia nhập khối Châu Á đang hình thành, độc lập hơn và có nhiều quan hệ với các quốc gia giàu năng lượng Trung Đông. Thực tế sự hợp tác Trung - Ấn đã giữ vai trò then chốt, thỏa ước tháng 1-2006 giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã mở đường cho hai nước này hợp tác không những về kỹ thuật mà cả trong việc thăm dò và sản xuất dầu khí. Đây là một diễn biến rất có thể làm thay đổi thế quân bình căn bản về dầu khí và hơi đốt thiên nhiên trên thế giới. Ngoài ra, khối BRIC - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã có sáng kiến thiết lập một thị trường dầu khí Châu Á, dựa trên đồng Euro như ngọai tệ dự trữ với tác động đáng kể lên hệ thống tài chánh và cán cân quyền lực toàn cầu. Bởi vậy, thật không ngạc nhiên mấy khi George W. Bush đã quyết định viếng thăm Ấn Độ, cố giữ Ấn Độ trong quỹ đạo ảnh hưởng qua thỏa ước hợp tác nguyên tử và nhiều hứa hẹn cám dỗ khác.
2. Hợp tác nguyên tử Ấn Độ - Mỹ
Ngày 18/12/2006, sau khi được đa số ý kiến ủng hộ của quốc hội, tổng thống Bush đã ký ban hành Luật hợp tác năng lượng nguyên tử hoà bình Ấn - Mỹ. Điểm then chốt của đạo luật là cho phép Ấn Độ khai triển vũ khí hạt nhân bên ngoài giới hạn Thỏa ước cấm phổ biến nguyên tử (Nuclear Non-Proliferation Treaty - NPT). Theo phúc trình của chuyên gia vũ khí hạt nhân Gary Milhollin, như thường lệ, sáng kiến của Bush mang tính đơn phương, chẳng cần bận tâm tới các đòi hỏi thông báo và phối hợp với các định chế quốc tế được thiết lập nhằm chặn đứng sự lan tràn vũ khí nguyên tử
Thỏa ước Mỹ - Ấn vi phạm nguyên tắc tính trung lập của thành viên (country neutral). Như vậy, Mỹ đã gián tiếp mời mọc các thành viên khác hành động tương tự, có lẽ bằng cách đơn phương thỏa hiệp với Iran hay Pakistan hay một xứ nào khác tùy ý. Sáng kiến của Mỹ trên thực tế, đã làm suy yếu các biện pháp ngăn ngừa chiến tranh nguyên tử, và do đó, rất có thể khiến một vụ nổ hạt nhân sớm xảy ra làm tiêu hủy một thành phố của Mỹ. Nguyên ngoại trưởng Rice đã thú nhận, lý do chủ yếu là làm dễ dàng việc xuất khẩu của các công ty Mỹ, sản phẩm chính là phi cơ quân sự. Thông điệp là đối với Mỹ, kiếm tiền - hay nói rõ hơn, lợi nhuận của các đại công ty Mỹ - còn quan trọng hơn cả nhu cầu kiểm soát xuất khẩu. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã ký kết nhiều thỏa ước tương tự, cho phép Ấn Độ tiếp cận các kỹ thuật cao về hạt nhân. Thỏa ước giúp Ấn Độ giữ được khoảng cách đồng đều giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, dưới mắt người Trung Quốc, thỏa ước giúp phát triển sự hợp tác Nga – Trung - Ấn như một đối trọng với thế bá quyền toàn cầu của Mỹ.
Tính nghiêm trọng của các động thái vừa nói còn được nhấn mạnh bởi Michael Krepon - chuyên gia hàng đầu giảm thiểu tai họa hạt nhân. Krepon viết, ngày nay Mỹ đã cho phép Ấn Độ tự do hành động ngoài vòng kiểm soát hạt nhân, nhiều quốc gia khác cũng sẽ sẵn sàng lợi dụng quyền này. Hành động đơn phương của Mỹ trong việc không áp dụng các quy luật toàn cầu trong mua bán nguyên tử là một việc làm chưa có tiền lệ. Nếu các quốc gia có tiềm năng thủ lợi trong nhóm các nhà cung cấp hạt nhân - năm quốc gia là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - noi gương Mỹ và đặt lợi nhuận trên cả nhu cầu cấm phổ biến hạt nhân, NPT một lần nữa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Krepon kết luận, nói một cách ngắn gọn, khi kiểm soát xuất khẩu không còn hữu hiệu, NPT cũng cùng số phận. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Bush xem thỏa ước Mỹ - Ấn như một phân bộ quan trọng trong di sản của họ.
Theo Thomas Graham, nguyên đặc phái viên Mỹ phụ trách các vấn đề kiểm soát và tài giảm vũ khí cũng như cấm phổ biến hạt nhân, NPT chưa bao giờ suy yếu hơn hoặc đối diện với một tương lai bất định hơn. Graham cảnh cáo: nếu NPT thất bại “một thế giới sống trong ác mộng nguyên tử” rất có thể trở thành sự thật. Cũng như nhiều nhà phân tích khác, Graham công nhận đe dọa chính đối với NPT là chính sách của Mỹ, mặc dù các cường quốc nguyên tử khác cũng có phần trách nhiệm. Điều 6 của thoả ước quy định, các cường quốc nguyên tử cam kết sẽ tích cực tìm cách loại bỏ vũ khí nguyên tử nhưng thực tế chẳng có quốc gia nào làm tròn trọng trách. Chính quyền Bush còn trắng trợn hơn, tuyên bố Mỹ không chấp nhận điều 6 - nòng cốt của NPT, và hiện đang tìm cách khai triển các vũ khí nguyên tử mới. Điều nầy phù hợp với lập trường xấc láo của Bolton : “Khi Mỹ lãnh đạo, Liên hiệp quốc sẽ phải nghe theo. Khi quyền lợi của chúng tôi đòi hỏi, chúng tôi sẽ làm như thế. Khi không phù hợp với quyền lợi của chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm”.
Nhà nước khủng bố và các hình thức đe dọa và sử dụng bạo lực đã đưa thế giới đến bờ thảm họa nguyên tử, liệu Liên hiệp quốc có đủ khôn ngoan đáp ứng lời kêu gọi của Bertrand Russell và Albert Einstein 50 năm trước đây: “Đây là vấn đề chúng tôi trình bày với quý vị, trần trụi, đáng gờm và không thể tránh: Liệu chúng ta sẽ đưa nhân loại đến diệt vong, hoặc liệu nhân loại sẽ từ bỏ chiến tranh?”.
3. Nuclear Non-Proliferation Treaty (NPT) và quan hệ Mỹ - Bắc Triều Tiên (Quốc gia ngoài vùng pháp luật)
Trong khi Mỹ đang tìm cách áp đặt một trật tự và chính quyền mới ở Iraq phù hợp với quyền lợi của mình, một cuộc khủng hoảng khác đã bùng nổ ở Bắc Triều Tiên. Trong “trục ma quỷ” của Bush, Bắc Triều Tiên là thành viên nguy hiểm nhất. Việc Bắc Triều Tiên đã thí nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm trung thành công, và có thể cả hỏa tiễn tầm xa trong một tương lai rất gần đã gây nhiều âu lo cho các nhà hoạch định chiến lược Mỹ.
Tháng 10/2002, Mỹ lên án Bắc Triều Tiên đã bí mật khởi đầu chương trình làm giàu uranium, vi phạm thỏa ước 1994. Từ đó, chiến lược nguyên tử đã khiến nhiều nhà quan sát nhớ lại kinh nghiệm khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Mỹ đã dạy cho thế giới một bài học ghê tởm: muốn tự vệ đối với Mỹ, phương cách tốt nhất cho một quốc gia là bắt chước Bắc Triều Tiên và phải có đủ sức đưa ra một đe dọa quân sự khả tín. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên nằm trong vùng Đông Bắc Á, có vị trí chiến lược quan trọng, một vùng đang thách thức mộng bá chủ toàn cầu của Mỹ. Vì vậy, Bắc Triều Tiên có thể bị Mỹ tấn công nếu các răn đe quân sự của Bắc Triều Tiên bị khống chế dù biện pháp quân sự được coi là cách phản ứng cuối cùng của Mỹ.
Trên thực tế, nhóm đặc nhiệm chính sách Triều Tiên của Mỹ đã khuyến cáo Nhà Trắng nên tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Tiến trình đó đã bắt đầu một cách ngập ngừng từ thời Clinton nhằm xây dựng một thể chế phi nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên, hòa giải những xung đột giữa Nam - Bắc Triều và thu hút Bắc Triều Tiên vào một liên minh kinh tế với các quốc gia láng giềng. Những tác động như vậy có thể mở màn cho quá trình cởi mở chính trị, giảm sức nóng trong quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với thế giới tư bản.
Những chính sách trên dễ thích ứng với sự đồng thuận trong khu vực, còn ngược lại chính sách thay thế đối nghịch, chiến tranh phòng ngừa do Bush và Rumsfeld đề xướng rất dễ dẫn đến một cuộc chiến không ai mong muốn giữa khu vực Đông Bắc Á và Mỹ. Mặc dù vậy, chính sách ôn hòa sẽ khuyến khích Đông Bắc Á, Châu Âu, theo đuổi một đường lối độc lập hơn mà do đó Mỹ sẽ khó lòng duy trì một trật tự thế giới trong đó các nước khác phải quy phục. Bởi thế từ lâu, Mỹ luôn phản ứng mạnh mẽ đối với các thách thức, cuộc xâm lăng Iraq là một hành động điển hình, chứng minh cho thế giới chính quyền Bush quyết tâm theo đuổi chủ thuyết tùy tiện dùng vũ lực để khẳng định bá quyền của mình và không chấp nhận bất cứ thách thức tiềm tàng nào và từ đâu đến.
Sự thiếu thiện chí của Mỹ đã làm cho tiến trình thương thảo về vấn đề hạt nhân ở Bắc Triều Tiên diễn ra trong 16 năm qua không mấy nghiêm chỉnh - đánh dấu bởi hai lần khủng hoảng 1994 và 2003. Vấn đề hạt nhân trở nên bế tắc vì Bắc Triều Tiên không có ý định từ bỏ chương trình nguyên tử phòng ngừa để đổi lấy thực phẩm, nhiên liệu, và các bảo đảm an ninh. Bắc Triều Tiên đã nhiều lần phủ nhận là đã cam kết từ bỏ vũ khí nguyên tử, và tuyên bố sẽ không bao giờ khuất phục trước các đòi hỏi của Mỹ và đồng minh. Bắc Triều Tiên còn cho biết, cùng với số plutonium hiện hữu, sẽ tái biến chế số nhiên liệu hạt nhân phế thải tồn kho thành plutonium, đủ để sản xuất từ 6 đến 8 bom hạt nhân.
Ngày 25/5/2009, Bắc Triều Tiên thử nghiệm bom nguyên tử lần thứ hai dưới lòng đất, tổng thống Obama nhanh chóng tố cáo cuộc thử nghiệm “như một đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của thế giới”, “hành động của Bắc Triều Tiên đã diễn ra ngay trước mặt các quyết nghị của Liên hiệp quốc và cần được quốc tế cô lập hóa sâu xa hơn”.
Bởi lý do đó, ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ, chính quyền Obama coi Bắc Triều Tiên là quốc gia ngoài vòng pháp luật và đã chuẩn bị một số biện pháp chống lại Bắc Triều Tiên theo chiều hướng của Bush, Cheney, và phái Tân bảo thủ trước đây. Đường lối mới sẽ khai thác các quyết nghị của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm đóng cửa các công ty con của Bắc Triều Tiên sản xuất tên lửa ở Trung Quốc, Nam Á và Trung Đông.
4. Đảo chính quân sự ở Honduras
Ngay từ thời tổng tống Reagan, Mỹ đã duy trì ở Honduras một phái bộ ngoại giao lớn thứ hai ở châu Mỹ La Tinh và một cơ sở CIA lớn nhất toàn cầu - mặc dù Honduras không phải là trung tâm quyền lực thế giới. Lý do rất dễ hiểu tòa đại sứ và CIA không những có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người Mỹ ở Honduras, mà còn duy trì và bành trướng ảnh hưởng của Mỹ trong toàn khu vực Trung và Nam Mỹ. Trách nhiệm đó trở nên vô cùng quan trọng với cuộc đảo chính quân sự ở Honduras hôm 28/6/2009. Ngày 29/6/2009, theo báo The New York Times, tổng thống Honduras, Manuel Zelaya đã bị quân đội lật đổ sau nhiều tháng căng thẳng do vận động chuẩn bị trưng cầu dân ý về việc bải bỏ hạn chế nhiệm kỳ tổng thống duy nhất 4 năm.
Tổng thống Obama cho biết ông rất lo ngại và kêu gọi các quan chức Honduras tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, luật pháp và các nguyên tắc trong Hiến chương dân chủ liên Mỹ (Inter-American Democratic Charter). Ngày 30/6/2009, trong khi chính phủ mới của Honduras bác bỏ lời kêu gọi của thế giới phục hồi T T Zelaya và đụng độ với hàng nghìn người biểu tình phản đối, tổng thống Obama cực lực lên án việc truất phế tổng thống Honduras như một cuộc đảo chánh phi pháp. Obama tuyên bố: “Chúng tôi không muốn trở lại một quá khứ đen tối. Chúng tôi luôn hậu thuẫn dân chủ”. Thế giới đều biết Mỹ đã từng ủng hộ các phe nhóm chính trị cạnh tranh và đạo diễn nhiều cuộc đảo chánh trong khu vực.
Mỹ cũng đang duy trì những liên hệ mật thiết với giới quân sự Honduras và giúp huấn luyện lực lượng quân sự của quốc gia này. Các quan chức trong chính phủ Obama thú nhận, trước ngày đảo chính người Mỹ đã biết giới quân sự đang thảo luận phương cách truất phế tổng thống, bắt giữ ông ta, và dựa vào thế lực nào để làm việc đó, nhưng không nghe nói đến đảo chính. Lập trường của Mỹ trong vụ đảo chính xem ra không mấy hợp lý, thái độ lúng túng phản ảnh tình huống trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Trong nội bộ chính quyền Mỹ, hình như tay trái tổng thống Obama không hay biết tay phải - guồng máy quân sự kỹ nghệ đang làm gì.
5. Trí thức và chính trị thế giới
Trí thức được phác họa như những kẻ chính trực luôn can trường bảo vệ lẽ phải và công lý, bảo vệ những giá trị cao cả, và đối đầu với quyền lực và những thế lực phản động. Song những trí thức gắn liền với văn hoá đế quốc và quyền lực nhà nước thì khác. Những tín điều nền tảng của quyền lực nhà nước luôn mang tính cao quí, khả tín, mặc dù có những lúc nó vướng phải sai lầm hay thất bại. Sự thật này đã được tổng thống John Adams nói đến cách đây hai thế kỷ: “Người cầm quyền luôn nghĩ mình có một tâm hồn vĩ đại và tầm nhìn rộng lớn những kẻ yếu hèn không thể hiểu”. Đó chính là gốc rễ sâu xa của sự tàn bạo và tự tôn thẩm thấu tinh thần đế quốc, và một chừng mức nào đó, mọi cơ cấu quyền lực và trấn áp. Sự sùng kính “tâm hồn thanh cao của nhà nước” là lập trường bình thường của giới thượng lưu trí thức, luôn tin tưởng chỉ có họ mới là người xứng đáng cầm cân nẩy mực, hay ít ra gần gũi quyền lực.
Để làm rõ vấn đề này, chúng ta nhìn nhận lại những nguyên tắc từ lâu làm nền tảng cho các quyết định và hành động của giới lãnh đạo quốc gia hùng mạnh nhất thế giới hiện nay - Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Mỹ vượt hẵn bất cứ đại cường nào trong lịch sử với sức mạnh quân sự áp đảo và gia tăng nhanh chóng. Mỹ đã xây dựng một chủ thuyết rõ ràng với nguyên tắc căn bản là thuyết biệt lệ Mỹ, theo đó, khác với các đại cường xưa và nay, Mỹ theo đuổi mục tiêu “phát huy bình đẳng trong tự do ở Mỹ” và khắp thế giới, vì “diễn đàn trong đó Mỹ phải bảo vệ và phát huy lý tưởng đã trở thành toàn cầu”. Nhiều trí thức đã hậu thuẫn cho lập trường “biệt lệ”, John Stuart Mill đã nêu câu hỏi: liệu nước Anh nên can thiệp vào thế giới xấu xa hay chỉ nên tập trung vào việc nội bộ để mặc bọn “man rợ” tự do hoành hành. Kết luận tế nhị và phức tạp của Mill là Anh Quốc nên can thiệp, mặc dù khi hành động như vậy, Anh quốc sẽ bị lên án và nguyền rủa.
McNamara, nguyên bộ trưởng quốc phòng đầy quyền lực của Mỹ, đã từ trần ngày 6/7/2009, ở tuổi 93. McNamara là một trí thức đặc biệt thông minh và quyết đoán, là người đã đưa Mỹ vào vũng lầy Việt Nam . Quốc hội Mỹ cho phép tiến hành cuộc chiến sau khi Johnson lấy cớ tàu chiến của Mỹ đã bị thuyền tuần tiễu Bắc Việt tấn công ở Vịnh Bắc Bộ tháng 8/1964. Thực ra, cuộc tấn công không hề xảy ra, tàu chiến của Mỹ đã bắn vào bóng dáng của chính tàu dò vật cản của mình trong đêm tối. Dựa vào phúc trình tình báo, McNamara xác quyết với Johnson bằng cớ cuộc tấn công. Điều nầy khiến chúng ta nhớ lại sự xác quyết bằng chứng Saddam Hussein có vũ khí tiêu diệt hàng loạt sau biến cố 11-9 của chính quyền George W. Bush.
Ngay từ tháng 4/1964, chiến tranh Việt Nam đã được gọi là cuộc chiến McNamara (McNamara's War). McNamara không phản đối và nói: “Tôi rất vui khi được đồng hóa với cuộc chiến và sẽ làm mọi điều có thể để chiến thắng”. Song, cuộc chiến trở thành một ác mộng đối với McNamara, mọi điều ông làm, mọi phương tiện, vũ khí, quân đội ...đã không thể chặn bước tiến của chính quyền Bắc Việt. Năm 1995, trong hồi ký của mình, McNamara công khai thú nhận cuộc chiến là sai lầm và sai lầm ghê gớm (wrong, terribly wrong). Thực vậy, McNamara đã dành nhiều thập kỷ ngẫm nghĩ về những bài học của cuộc chiến. Trong phim tài liệu của Errol Morris năm 2003, The Fog of War: Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara (Sương Mù Chiến Tranh: Mười Một Bài Học từ Đời Sống của Robert S. McNamara), ông giải thích, bài học quan trọng nhất là phải hiểu rõ đối thủ và “phải đồng cảm với họ. Chúng ta phải gắng tự đặt mình vào địa vị của họ và nhìn lại chính mình qua mắt của họ”. Theo McNamara, thất bại của người Mỹ ở Việt Nam là đã nhìn địch thủ qua lăng kính chiến tranh lạnh - một domino nếu sụp đổ sẽ lôi kéo theo sự sụp đổ của nhiều quốc gia Châu Á khác. Hơn 58.000 quân Mỹ tử trận và khoảng bốn triệu người Việt thương vong trong cuộc chiến Việt Nam . Trên 4000 quân Mỹ đã bỏ mình ở Iraq cùng với nhiều trăm nghìn người Iraq . Và chưa biết chính quyền Mỹ còn tiếp tục gây thương vong cho bao nhiêu binh sĩ và thường dân của nhiều phía trong cuộc chiến ở Afghanistan và Pakistan đang tiếp diễn và ngày một khốc liệt, một cuộc chiến hiện nay cũng chẳng còn mấy ý nghĩa .
McNamara cũng là tác giả của chủ thuyết chiến lược bảo đảm tiêu diệt lẫn nhau (strategic doctrine of mutually assured destruction), tin tưởng “nỗi sợ bị tiêu diệt có thể giúp ngăn ngừa chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Liên Bang Xô Viết” - chủ thuyết đã đưa đến một sự gia tăng các kho vũ khí nguyên tử của cả hai. Tuy nhiên, về già, McNamara đã thay đổi lập trường và chống đối vũ khí nguyên tử, ông đã cảnh cáo: chính sách nguyên tử của Mỹ là phi luân, bất hợp pháp, không cần thiết về quân sự, và tuyệt đối nguy hiểm.
Chúng ta hãy chờ đợi, tương lai của nước Mỹ và thế giới với những trí thức điều hành nền chính trị, ai sẽ trở thành McNamara.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét