Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

THẾ GIỚI TRONG HIỆN THỰC VÀ TƯƠNG LAI 2010S

                                                              Nguyễn Quỳnh Anh

                                              (Đại học An ninh  – Sưu tầm, biên soạn)


Nhân loại đang bước vào một thời kỳ lịch sử sôi động, cán cân quyền lực trên thế giới đang chuyển dịch nhanh chóng. Thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến nhiều biến động tai họa, song, trên một số vài phương diện, thế giới năm 2009 vẫn ít nhiều tương tự với thế giới năm 1999: Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số một, đồng đô la vẫn là ngoại tệ dự trữ của thế giới, và NATO vẫn là đồng minh quân sự then chốt của Mỹ.
Sang thập kỷ thứ hai, thế giới có lẽ mang diện mạo khác hơn, những chuyển dịch dồn dập trong quan hệ quyền lực toàn cầu và sự thay đổi vai trò đế quốc áp đảo sẽ càng nổi bật khi các tay chơi mới, các xu thế mới, các quan tâm mới, và các định chế mới khống chế toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ nằm trong chuẩn mực lịch sử, dù bi hài đến mấy đối với chúng ta. Một yếu tố bất thường trong thập kỷ thứ hai là sự can thiệp của chính địa cầu. Một hiện tượng mang tính vật lý đang đe dọa sẽ  trở thành một thành tố thiên nhiên có tác động khôn lường, đáng âu lo và mang tính tai họa.
Như vậy, những đặc điểm chính của thập kỷ thứ hai trong thế kỷ mới là gì? Đã hẳn, không ai dám đoan chắc. Tuy nhiên, căn cứ trên những xu thế hiện nay, chúng ta có thể nhận diện bốn khía cạnh then chốt của đời sống: sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự xuống dốc tương đối của Hoa Kỳ, vai trò ngày một lớn mạnh của các quốc gia Nam bán cầu, và quan trọng hơn hết, tác động ngày một lớn lao do khủng hoảng môi trường và khan hiếm tài nguyên.

1. Trung Quốc hoá rồng

Vai trò một siêu cường đang lên của Trung Quốc không còn ai có thể chối cãi, ảnh hưởng của Trung Quốc đã biểu lộ ở hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu ở Copenhagen trong tháng 12/2009 khi thế giới thấy rõ không thể có một thỏa ước đáng kể nếu không có sự đồng tình của Bắc Kinh.
Vai trò then chốt của Trung Quốc cũng rất dễ thấy trong khả năng đối phó với đại suy thoái: Bắc Kinh đã rót nhiều tỉ USD vào các chương trình phục hồi kinh tế, nhờ đó, đã duy trì được tỉ suất tăng trưởng 8,7% GDP trong năm 2009 và 10,7% trong quý 4 vừa qua. Trung Quốc cũng đã chi tiêu hàng chục tỉ để mua nguyên liệu và đầu tư ở Phi châu, châu Mỹ La Tinh, và Đông Nam Á và qua đó, đã giúp các châu lục này hồi phục trở lại.
Nếu hiện nay Trung Quốc đã là một đại cường kinh tế, Trung Quốc sẽ là một siêu cường vào năm 2020. Theo Bộ Năng Lượng của Mỹ, GDP của Trung Quốc sẽ tăng vọt từ 3.300 tỉ năm 2010 lên 7.100 tỉ năm 2020 (theo giá trị đồng USD năm 2005), lúc đó sẽ vượt qua mọi quốc gia trên thế giới trừ Hoa Kỳ. Cùng với thời gian, Trung Quốc sẽ leo lên những bậc thang kỹ thuật cao và hiện đại, sản xuất các sản phẩm ngày một cao cấp hơn, kể cả năng lượng xanh và các hệ thống vận tải tiên tiến, thiết yếu cho kinh tế hậu - carbon tương lai.
Thế lực quân sự của Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng, theo Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc đã có ngân sách quân sự lớn thứ hai trên thế giới, mặc dù con số 85 tỉ USD đầu tư vào quân đội trong năm 2008 chẳng là bao so với 607 tỉ của Mỹ. Vả chăng, quân đội Trung Quốc vẫn tương đối lạc hậu về kỹ thuật và khí giới không mấy tân tiến so với các trang bị quân sự tiên tiến của Mỹ, Nhật và châu Âu. Tuy nhiên, sự khác biệt sẽ thu hẹp một cách đáng kể trong thập kỷ thứ hai khi Trung Quốc dồn thêm tài nguyên vào chương trình canh tân quân sự.
Vấn đề then chốt cần được đặt ra: Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng quân sự gia tăng như thế nào để đạt các mục tiêu theo đuổi? Cho đến nay, Trung Quốc vẫn khá thận trọng, tránh những cách ứng xử có thể gây âu lo hay nghi ngờ từ phía các quốc gia láng giềng và đối tác kinh tế. Thay vào đó, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các phương tiện tài chính và “sức mạnh mềm” - ngoại giao, viện trợ phát triển, quan hệ văn hóa - để tranh thủ thêm bạn và đồng minh. Song, Trung Quốc không tiếp tục phương cách tiếp cận hòa hợp, không mang tính đe dọa khi những rủi ro, trong quá trình tích cực theo đuổi quyền lợi quốc gia, ngày một giảm bớt. Một Trung Quốc tự tin và  kiêu hãnh đã biểu lộ khá rõ ràng trong những tháng cuối năm 2009 khi từ chối mọi hòa dịu trong vấn đề Tây Tạng và đã tỏ thái độ bất hợp tác trong các biện pháp chế tài đối với Iran, Copenhagen.
Các lãnh đạo Trung Quốc đang sẵn sàng theo đuổi một lập trường cứng rắn, buộc Mỹ phải thỏa hiệp với những đòi hỏi căn bản của mình với rất ít nhượng bộ, ngay trong những vấn đề có tầm quan trọng thứ yếu. Trung Quốc tin tưởng có đủ khả năng hành động như vậy, bởi lẽ kinh tế của nhiều quốc gia hiện đang lệ thuộc vào chính sách thương mãi và đầu tư của Trung Quốc - một vai trò toàn cầu nòng cốt trước đây chỉ do Mỹ nắm giữ - và vì kích cỡ và vị trí địa lý của mình trong một vùng năng động nhất hoàn cầu.
Một câu hỏi khác cần được đặt ra: Trung Quốc  nhằm những mục tiêu gì khi vận dụng quyền lực đang lên của mình? Các lãnh đạo Bắc Kinh đang theo đuổi ba mục tiêu: bảo đảm độc quyền chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, duy trì tỉ suất tăng trưởng kinh tế nhanh cần thiết cho địa vị áp đảo của mình và phục hồi địa vị lịch sử của Trung Quốc. Trong thực tế, cả ba mục tiêu đều liên kết chặt chẽ với nhau. Các lãnh đạo cao cấp tin, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có thể duy trì địa vị cầm quyền chừng nào tiếp tục điều hợp được bành trướng kinh tế , thỏa mãn khát vọng quốc gia chủ nghĩa của người dân. Khi hùng mạnh hơn, Trung Quốc sẽ sử dụng quyền lực gia tăng của mình để uốn nắn môi trường toàn cầu có lợi cho mình như người Mỹ đã và đang làm lâu nay.
Song, liệu Trung Quốc đã có thể bắt đầu hành xử sức mạnh quân sự  của mình hay chưa? Rất có thể, Bắc Kinh hành động như thế, ít ra một cách gián tiếp qua việc cung cấp vũ khí và cố vấn quân sự cho mạng lưới các đồng minh ngày một mở rộng. Có lẽ Trung Quốc sẽ tiếp tục tránh né việc dùng vũ lực trong những tình huống có thể dẫn đến va chạm với các cường quốc Tây phương, nhưng rất có thể sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực khi quyền lợi quốc gia xung đột với các nước láng giềng, chẳng hạn, trong những tranh chấp hải phận để kiểm soát những khu vực giàu năng lượng ở biển Đông hay Trung Á…

2. Đại bàng Hoa Kỳ đang mỏi cánh

Trong khi Trung Quốc đang trên đà đi lên thì sự tuột dốc của Mỹ đã dần trở thành hiện thực. Thế giới đã mất rất nhiều giấy mực về sự suy giảm quyền lực không thể tránh của Mỹ, như một xứ chịu hậu quả của các chính sách kinh tế, tài chánh sai lầm và tham vọng đế quốc giàn trải quá mỏng. Thực vậy, mặc dù vẫn còn có thể duy trì địa vị tay chơi hùng mạnh duy nhất trong hai thập kỷ sắp tới, sức mạnh tương đối của Mỹ, ngay cả trong địa hạt quân sự, sẽ giảm dần và thế đòn bẩy cũng sẽ bị hạn chế.
Ngoại trừ những tai họa không thể tiên liệu, Mỹ chắc sẽ không nghèo đi hay lạc hậu hơn về kỹ thuật. Dự báo của Bộ năng lượng gần đây nhất, GDP của Mỹ vào năm 2020 sẽ ở khoảng 17.500 tỉ (theo giá trị đồng USD năm 2005), tăng khoảng 33% so với hiện nay. Một vài sáng kiến của Obama hỗ trợ các hệ thống năng lượng tân tiến sắp bắt đầu mang lại kết quả, rất có thể sẽ giúp Mỹ dẫn đầu trong một số kỹ thuật xanh. Cũng không nên quên, Mỹ vẫn còn là cường quốc quân sự số một.
Điều đã thay đổi là địa vị tương đối của Hoa Kỳ đã suy giảm nhiều đối với Trung Quốc và các quốc gia khác, cố nhiên cả khả năng khống chế kinh tế toàn cầu và  nghị trình chính trị thế giới. Một lần nữa, theo dự báo của Bộ năng lượng vào năm 2020, GDP gộp của châu Á và Nam Mỹ sẽ vào khoảng 40% lớn hơn GDP của Mỹ, và tăng trưởng với một tỉ suất nhanh hơn. Lúc đó, Mỹ sẽ là con nợ của nhiều quốc gia giàu hơn, đặc biệt là Trung Quốc. Các món nợ đó là cần thiết để bù đắp ngân sách liên tục khiếm khuyết do các cuộc chiến ở IraqAfghanistan… Điều khó tránh là trong nền kinh tế thế giới ngày một cạnh tranh gay gắt hơn và  lợi thế các xí nghiệp Mỹ lúc một giảm bớt, viễn cảnh đối với người Mỹ ngày một ảm đạm hơn. Một vài khu vực kinh tế, và một vài địa phương  chắc chắn sẽ tiếp tục phồn thịnh, nhưng nhiều khu vực, nhiều nơi khác chắc  phải chịu số phận rỗng ruột, nghèo khó. Đối với hầu hết người Mỹ, thế giới 2020 vẫn còn có thể đem lại một mực sống cao hơn đa số nhân loại; nhưng lối sống xa xỉ của  giới trung lưu trước đây - dịch vụ y tế, đi ăn tiệm, du lịch - sẽ ngày một khan hiếm.
Ngay cả lợi thế quân sự của Hoa Kỳ cũng sẽ bị bào mòn. Các chi phí khổng lồ do hai cuộc chiến IraqAfghanistan sẽ giới hạn khả năng của Mỹ cáng đáng các sứ mệnh quân sự quan trọng ở hải ngoại. Không nên quên trong thập kỷ đầu của thế kỷ mới, phần lớn các trang bị tác chiến căn bản của lục quân và thủy quân lục chiến đã bị hư  hao hay hủy hoại trong hai cuộc chiến, trong khi các đơn vị tác chiến đã quá mỏi mệt và căng thẳng vì nhiều đợt phục vụ tại chiến trường. Các biện pháp tu bổ, phục hồi, sẽ đòi hỏi ít ra một thập kỷ tương đối hòa bình, một điều hiện rất khó thấy trong một tương lai gần.
Những hạn chế ngày một lớn đối với quyền lực của Hoa Kỳ gần đây đã được Tổng thống Obama xác nhận trong một khung cảnh bất thường: bài nói chuyện loan báo đợt tăng quân ở Afghanistan tại West Point. Trái với giọng điệu ngông cuồng ngạo nghễ  của Bush trước đây, lời lẽ của Obama là một sự mặc nhiên thú nhận quyền lực suy giảm của Mỹ. Ám chỉ những lời lẽ dao to búa lớn của Bush, Obama đã ghi nhận: “Chúng ta đã không thẩm định được mối tương quan giữa kinh tế  và an ninh quốc gia. Với cuộc khủng hoảng kinh tế, láng giềng và bạn bè của chúng ta đang thất nghiệp và phải vất vả phấn đấu để trả nợ nần... Trong khi đó, cạnh tranh trong kinh tế toàn cầu ngày một gay gắt hơn. Vì vậy, chúng ta không thể không lưu ý đến cái giá phải trả của các cuộc chiến hiện nay”.
Nhiều người đã chọn lối giải thích, quyết định tăng quân của Obama ở Afghanistan như một tiêu biểu, kiểu thế kỷ 21, của sự sẵn sàng can thiệp quân sự ở bất cứ đâu trên hành tinh. Trong thực tế, quyết định đó chỉ là một hành động quá độ hay chuyển tiếp nhằm ngăn ngừa một sự sụp đổ toàn bộ và tuyệt đối của cuộc phiêu lưu quân sự sai lầm vào một thời điểm Hoa Kỳ ngày một phải sử dụng những biện pháp phi quân sự như thuyết phục và hợp tác, dù chỉ tạm thời, với các đồng minh. Obama đã nói: “Chúng ta sẽ phải linh hoạt và chính xác khi sử dụng sức mạnh quân sự... Và chúng ta không thể chỉ trông cậy vào sức mạnh quân sự”. Lời cảnh cáo đó từ nay sẽ là kinh nhật tụng chi phối đại bàng Mỹ đang suy yếu trong việc hoạch định chiến lược.
Barack Obama đã thừa hưởng một quốc gia đang trên đà tuột dốc, và sau một năm vào Nhà Trắng vẫn chưa tìm được một phương cách vực dậy. Người Mỹ có cảm tưởng đang bị sa lầy. Trên một bình diện cơ bản, tình trạng thiếu sáng sủa đó bắt nguồn từ sự chuyển dịch uy quyền. Mỹ không còn như trước. Bị tấn công, phản ứng của Mỹ đã mang lại nhiều tổn hại về sinh mạng và tài nguyên, giận dữ chồng chất, bức xúc nợ nần ngày một tăng. Dù muốn dù không, thế giới đang chứng kiến Tây phương ngày một mất dần ảnh hưởng, Obama hiểu rõ thế giới đã đổi thay và đòi hỏi những chính sách mới, nhưng lại luôn bị chính trị Washington cản đường. Năm đầu trên sân khấu chính trị thế giới, Obama đã đưa ra nhiều diễn văn sáng tạo, nhưng chính sách chẳng mấy tân kỳ. Từ vận động tuyển cử thành công qua thực hiện nghị trình, quá trình chuyển tiếp vẫn còn là một công trình đang diễn tiến. Đề tài là thay đổi. Obama đã nói đến một nền tảng mới. Các trung tâm tăng trưởng trọng yếu đã chuyển dịch đến Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil...  Nhưng đổi thay không thể  chỉ qua diễn văn, mà đòi hỏi lòng tin và can đảm. Nhưng hiện chưa thấy có tín hiệu thay đổi đối với Bắc Kinh, Tehran, Jerusalem, hay Havana...
Trong thập kỷ 1950s, khi quan sát Hoa kỳ đang vướng vào cuộc xung đột về sau đã trở thành cuộc chiến Việt Nam, một viên chức chính quyền đã đưa ra nhận xét: "Dù người Pháp thích hay không thích,  độc lập cũng sẽ đến với các xứ Đông Dương. Vì vậy, tại sao chúng ta lại tự buộc mình vào cái đuôi của con diều đã tơi tả của người Pháp?. Tổng thống Obama có phải hiện đang cỡi trên những con diều tơi tả.
Việc Mỹ bán cho Đài Loan hơn 6 tỷ đô la vũ khí đã khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh giận dữ. Không thể  tưởng tượng một quan hệ mới có thể tái xuất hiện chừng nào Bắc Kinh xem Washington đang can thiệp vào quyền lợi chiến lược căn bản của mình. Bằng cách nào Obama có thể tăng gấp đôi ngạch số xuất khẩu của Mỹ vào năm 2015 trong khi gây hấn với Trung Quốc là một điều bí hiểm. Làm sao Obama mong đợi Trung Quốc hợp tác trong vấn đề Iran cũng không ai có thể hiểu thấu. Trong một thư phúc đáp cho nhà báo Roger Cohen của Mỹ tháng 1-2010 về vấn đề Iran, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã viết: "Chúng tôi nghĩ chế tài không thể giải quyết vấn đề một cách căn bản. Vẫn còn nhiều biện pháp ngoại giao chúng ta có thể sử dụng về vấn đề hạt nhân”. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng đã nói với Cohen: Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ đường lối cấm phổ biến hạt nhân, nhưng kêu gọi phải kiên nhẫn trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Iran một cách hòa bình và toàn diện. Lập trường của Trung Quốc như vậy thật quá xa với giọng điệu của Obama khi ông đã xếp Iran chung với Bắc Triều Tiên ( hoàn toàn khác nhau và không nên xếp chung) và cảnh cáo các lãnh đạo Iran là họ "sẽ phải đối đầu với các hậu quả ngày một gia tăng . Đây là một lời hứa”. Obama muốn có một quan hệ mới với Trung Quốc, nhưng ông đang bị kẹt với Luật quan hệ với Đài Loan 1979 -  1979 Taiwan Relations Act.  Ông đang tìm kiếm một quan hệ mới với Tehran nhưng đang rơi trở lại mẫu mực các đe dọa chế tài vô bổ xưa cũ trong thời điểm biến chuyển chính trị nhanh chóng và lớn lao ở Iran khiến mọi đe dọa chỉ phản tác dụng. Đề nghị thương thảo có thể sẽ gây âu lo cho lãnh đạo Iran; và đe dọa chỉ có lợi cho phe cứng rắn.
Ở Trung Đông, Obama muốn tái định hình quan hệ với thế giới Hồi Giáo, và thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine trong khi lại lắng nghe Benjamin Netanyahu  cam kết sẽ vĩnh viễn duy trì các khu định cư ở Bờ Tây. Obama đã không thể thay đổi động lực ngày một đào sâu hố cách biệt trong lập trường giữa hai xứ. Khu vực duy nhất nơi hành động của Obama đã rõ ràng đi đôi với lời nói là loại trừ các chiến binh Al Qaeda - nhiều hơn năm 2008 . Đây là chủ thuyết mới chưa được công bố của Obama: tàn sát đại trà các mục tiêu. Đây là chiến lược ít tốn kém và hiệu quả hơn xâm chiếm bằng bộ binh, nhưng lại nêu lên nhiều vấn đề không thể bỏ qua trong yên lặng. Nền tảng mới rất cần thiết, nhưng nền móng mới không thể xây dựng nửa vời.

3. Thế giới thứ ba đang đi lên

Thập kỷ thứ hai của thế kỷ mới cũng sẽ chứng kiến tầm  quan trọng ngày một gia tăng của các quốc gia nghèo khó phương Nam: các quốc gia cựu thuộc địa đang phát triển ở châu Phi, châu Á, và châu Mỹ La Tinh. Trước đây, các quốc gia thuộc thế giới thứ ba chỉ được xem như những lãnh thổ bỏ ngõ để các đại cường châu Âu, Bắc Mỹ, và Nhật đến chiếm đóng, vơ vét, và thống trị. Song, tình hình hiện đang đổi khác.
Một thời là thành viên của thế giới thứ ba, Trung Quốc ngày nay đã là một siêu cường kinh tế và theo sát Trung Quốc là Ấn Độ. Brazil, Indonesia, South Africa, và Turkey cũng trên đường trỗi dậy. Ngay cả các quốc gia nhỏ, nghèo nàn cũng đã bắt đầu được thế giới chú ý ngày một nhiều hơn như những quốc gia cung cấp nguyên liệu cần thiết hay những quốc gia đang gặp nhiều vấn đề nan giải, kể cả nạn khủng bố và các tổ chức tội phạm. Trong một chừng mức nào đó, đây là sản phẩm của các con số - dân số gia tăng và tài sản gia tăng. Năm 2000, dân số các quốc gia Nam bán cầu được ước tính 4,9 tỉ; vào năm 2020, con số nầy dự báo sẽ lên tới 6,4 tỉ. Phần đông sẽ còn nghèo khó và không có cơ hội tham gia ứng cử, bầu cử, nhưng hầu hết sẽ là những nhân công (trong nền kinh tế chính thức hay không chính thức), một số sẽ tham dự vào quá trình chính trị một cách nào đó, một số ít là doanh nhân, lãnh đạo lao động, thầy giáo, tội phạm hay quân nhân. Trong mọi trường hợp, họ cũng đã có cách riêng buộc thế giới không thể bỏ quên.
Các quốc gia thuộc thế giới thứ ba cũng sẽ giữ một vai trò kinh tế ngày một quan trọng như những nguồn cung cấp nguyên liệu ngày một khan hiếm, và như suối nguồn của sức sống kinh doanh. Theo một ước tính, GDP gộp của các quốc gia thuộc các nước thứ ba (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ tăng vọt từ 7.800 tỉ năm 2005 đến 15.800 tỉ năm 2020, một sự gia tăng hơn 100%. Đặc biệt, nhiều quặng mỏ, dầu, hơi đốt thiên nhiên, và những khoáng sản then chốt rất cần cho hệ thống kỹ nghệ của các quốc gia kỹ nghệ phương Bắc, đang cạn kiệt dần sau nhiều thập kỷ cực lực khai thác. 
Dầu lửa là một ví dụ, năm 1990, 43% số dầu sản xuất hàng ngày trên thế giới đến từ các xứ thành viên OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries), gồm các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, Algeria, Angola, Ecuador, Libya, Nigeria, và Venezuela, các quốc gia Phi châu, châu Mỹ La Tinh, và các xứ vùng Vịnh Caspian. Vào năm 2020, con số nầy dự báo sẽ lên tới 58%. Một sự chuyển dịch trung tâm sản xuất tương tự trong địa hạt khoáng sản trên thế giới sẽ xảy ra với một số quốc gia bất ngờ như Afghanistan, Kazakhstan, Mongolia, Niger (uranium), và Cộng Hòa Dân Chủ Congo giữ một tiềm năng then chốt.
Các quốc gia thuộc thế giới thứ ba cũng chắc chắn sẽ giữ một vai trò nổi trội trong nhiều địa hạt mang tiềm năng tai họa. Nạn nghèo đói cùng cực triền miên phối hợp với tình trạng kinh tế tuyệt vọng, dân số tăng nhanh, và thay đổi khí hậu, sẽ là một cái nôi bất ổn chính trị, biến động, bạo loạn, tôn giáo cực đoan, tội phạm, di dân hàng loạt và bệnh tật lan tràn. Các quốc gia kỹ nghệ giàu có sẽ tìm cách tránh né các hiểm họa bất ổn qua việc thiết lập đủ loại rào cản, nhưng với số đông sẵn có, dân chúng phương Nam nghèo đói, chắc chắn với một cách nào đó sẽ khẳng định sự hiện diện của mình.

4. Hành tinh oằn mình kêu cứu

Những nguy hiểm đến từ chính địa cầu và cách con người tác động vào nó như hiện tượng khí thải nhà kính, tài nguyên và thực phẩm khan hiếm, ngày một hiển nhiên vào những năm đầu thế kỳ XXI và dự báo vào cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ - cũng sẽ đủ khả năng làm lu mờ vai trò của mọi quyền lực quân sự, kinh tế thông thường, dù hùng mạnh đến đâu.
Giáo sư Ole Danbolt Mjos, chủ tịch Ủy Ban Nobel Thụy Điển, nhân dịp phát giải thưởng hòa bình cho Hội đồng liên Chính phủ về biến đổi khí ậu, tháng 12-2007, đã nói: "Ngày càng đông các khoa học gia đã đạt được đồng thuận  liên quan đến những hậu quả ngày một bi thảm của hiện tượng hâm nóng toàn cầu". Trong cùng chiều hướng, một số chuyên gia năng lượng ngày một đông đã kết luận, việc sản xuất dầu trên phạm vi rộng lớn sẽ đạt đỉnh điểm một ngày gần đây để rồi bắt đầu dẫn đến nạn thiếu hụt năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm thực phẩm trong tương lai, như đã được nhắc nhở một phần bởi hiện tượng hâm nóng toàn cầu và giá năng lượng tăng cao, ngày một trở nên nghiêm trọng.
Tất cả đều đã rõ ràng khi các nhà lãnh đạo thế giới họp ở Copenhagen và đã không thể thiết lập một chế độ quốc tế hữu hiệu nhằm giảm bớt khí thải nhà kính làm thay đổi khí hậu (greenhouse gases - GHGs). Mặc dù họ cũng đã đồng ý tiếp tục thương nghị và  theo đuổi một chương trình tự nguyện cắt giảm GHGs, không mang tính ràng buộc, giới quan sát tin: những nỗ lực như thế khó thể dẫn đến những tiến bộ đáng kể có thể giúp kiểm soát thay đổi khí hậu trong một tương lai gần. Điều ít ai nghi ngờ là nhịp thay đổi khí hậu sẽ tăng tốc một cách tai họa trong thập kỷ thứ hai, dầu khí và các tài nguyên then chốt sẽ ngày một khan hiếm và khó khai thác, số cung thực phẩm ngày một sút giảm trong nhiều vùng nghèo đói và chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thay đổi khí hậu.
Các khoa học gia chưa thể đồng ý về bản chất, thời điểm, và tác động địa lý chính xác của thay đổi khí hậu, nhưng họ đều đồng ý càng về sau chúng ta sẽ chứng kiến một sự gia tăng theo cấp số nhân trong tỉ trọng khí thải nhà kính trong không khí. Chẳng hạn, theo các dữ kiện của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, giữa năm 1990 và 2005, lượng khí thải carbon dioxide đã tăng 32%, từ 21,5 lên 31,0 tỉ tấn. Phải mất 50 năm để GHGs tới được lớp khí thải nhà kính, có nghĩa tác động sẽ gia tăng, ngay cả khi tất cả các quốc gia trên thế giới ngay sau đó sẽ bắt đầu giảm bớt mức khí thải tương lai của mình.
Nói một cách khác, sự xuất hiện sớm sủa của hiện tượng hâm nóng toàn cầu trong thập kỷ đầu của thế kỷ - bão tố tăng mạnh, lũ lụt nghiêm trọng và kéo dài trong vài khu vực, ngay cả hạn hán vượt kỷ lục trong vài vùng khác, băng đá tan, mực nước biển dâng cao - sẽ gia tăng trong thập kỷ thứ hai, nhiều thung lũng không thể sinh sống sẽ xuất hiện trong nhiều vùng rộng lớn ở Trung và Đông Bắc Á, ở Mexico, ở Tây Nam Hoa Kỳ, và vùng lòng chảo Địa Trung Hải. Nhiều nơi ở Phi châu sẽ bị tàn phá bởi nhiệt độ lên cao, nhiều thị trấn sẽ bị bảo lụt tàn phá như New Orleans sau trận bảo Katrina năm 2005. Và những mùa hè nóng bức cũng như ít mưa sẽ hạn chế mùa màng trong những vùng sản xuất thực phẩm.
Các hệ thống năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, và nhiên liệu sinh học, sẽ ghi nhận được nhiều bước tiến rõ rệt. Mặc dù có thể thu hút những số đầu tư quan trọng để phát triển, những nguồn năng lượng tái tạo cũng chỉ chiếm một thị phần năng lượng thế giới tương đối nhỏ bé vào năm 2020. Theo dự báo của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, nguồn năng lượng có thể tái tạo chỉ chiếm 10,5% số cầu năng lượng vào năm 2020, trong khi dầu khí còn chiếm 32,6% số cung toàn cầu, và hơi đốt thiên nhiên, 23,8%. Nói một cách khác, tai họa khí thải nhà kính sẽ hoành hành. Và thật trớ trêu, chỉ riêng số cung dầu lửa suy giảm cũng sẽ dẫn đến một tai họa khác - giá tất cả các loại năng lượng sẽ tăng cao và đe dọa ổn định kinh tế. Theo các chuyên viên trong ngành, kể cả các chuyên viên cơ quan năng lượng quốc tế (Internatioal Energy Agency - IEA) ở Paris,  nhân loại hầu như không thể tiếp tục gia tăng số lượng dầu khí sản xuất  (kể cả dầu rất khó khai thác ở Arctic, dầu từ cát sạn ở Canada, và dầu shale),  nếu không có những số đầu tư mới hàng nghìn tỉ đô la Mỹ, tất cả đều đổ vào các vùng bất ổn, bị chiến tranh tàn phá, như Iraq, hay các quốc gia không đáng tin cậy như Liên Bang Nga.
Trên đây là bốn khuynh hướng chủ đạo trong thế kỷ thứ 21. Có lẽ còn có nhiều khuynh hướng quan trọng, hay nhiều biến cố tai họa khác, sẽ làm thay đổi cảnh quan toàn cầu, nhưng hiện nay, đó là con rồng trỗi dậy, đại bàng sắp hạ cánh, các quốc gia trong thế giới thứ ba đang lên và hành tinh đang đứng trước những mối đe doạ lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét