Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

VẤN ĐỀ CHÂN LÝ TRONG CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC TRÌNH BÀY VẤN ĐỀ CHÂN LÝ TRONG CNHHĐ

1. Thế nào là thời kỳ hậu hiện đại?

Sau chiến tranh thế giới thứ hai cho đến thập niên 70 của thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản được sự hỗ trợ mạnh mẽ của những thành tựu khoa học – công nghệ đã phát triển một cách mạnh mẽ, dòng chu chuyển của tư bản đã biến các khu vực tách rời nhau của thế giới thành một thị trường thống nhất, trong đó chỉ còn lại những yếu tố chủ yếu là sản xuất, tiêu dùng, hưởng thụ.

Những biến đổi căn bản trên nhiều lĩnh vực của xã hội Tây Âu ở thời kỳ này đã tạo ra bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của nó, chuyển từ thời kỳ hiện đại sang thời kỳ hậu hiện đại. Chủ nghĩa tư bản với những hạn chế của nó như lạnh lùng, tham lam, áp đặt… đã làm xuất hiện tinh thần hoài nghi, phản kháng, xuất hiện những cảm nghiệm mới về cá nhân, không gian và thời gian. Tinh thần hậu hiện đại biểu hiện trên nhiều phương diện của đời sống xã hội như lối sống, văn hóa, chính trị, thẩm mỹ, giáo dục, trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật như thi ca, tiểu thuyết, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, điện ảnh, giải trí, trên các khoa học xã hội và nhân văn, và trên lĩnh vực triết học.

Theo Daniel Bell, thời kỳ hậu hiện đại là sản phẩm của việc áp dụng những cuộc phản kháng lại thời kỳ hiện đại vào cuộc sống đời thường, là sự mở rộng của lối sống phản loạn, siêu cá nhân và hưởng thụ. Sự nở rộ của văn hoá hậu hiện đại là cuộc tấn công toàn diện vào truyền thống với những mâu thuẫn sâu sắc giữa chứng tự si mê hung hăng với các mệnh lệnh quan liêu, kỹ trị của cấu trúc kinh tế tư bản và chính thể dân chủ.

Thời kỳ hậu hiện đại phủ định việc sử dụng lý trí công cụ trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, kinh tế, chính trị… vì điều đó sẽ dẫn tới sự chia cắt hoàn toàn thế giới văn hoá và thế giới kỹ thuật. Dựa vào các thành tựu mới trong điều khiển học, nó bác bỏ nỗ lực xây dựng hình ảnh về thế giới của thời kỳ hiện đại, theo đó con người được đặt trong tư thế quan sát, tái hiện hình ảnh thế giới. Nó chủ trương thiết lập nên mạng lưới giao tiếp ngôn ngữ giữa con người với thế giới và xoá bỏ đi ý tưởng về chủ thể tính. Cảm thức không gian và thời gian bị chia cắt ở thời hiện đại nay được nối kết lại thành một. Những sự kiện xảy ra hôm nay không còn bị neo chặt tại một địa điểm nhất định và được xác định qua nhịp điệu của tự nhiên nữa. Thời gian bây giờ gắn liền với tốc độ, việc nhận thức thời gian cảm tính được thể hiện qua những hình ảnh không gian hoàn toàn khác với thời hiện đại.

2. Một số triết gia đặt nền móng cho nhận thức luận của chủ nghĩa hậu hiện đại

Các triết gia sáng lập nhận thức luận hậu hiện đại đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau trong sự nghiên cứu về nhận thức, song điểm gặp nhau giữa các ông là tinh thần chống nền tảng luận lý tính – cơ sở lý luận của thời hiện đại.

Jean François Lyotard (1924 – 1998) với thực tại luận và tri thức luận: Luận điểm xuất phát của triết học Lyotard là quan niệm về thực tại, theo ông, thực tại luôn xảy ra những sự kiện đặc thù, kỳ dị khiến cho mọi sự mô tả mang tính duy lý không còn đúng đắn. Lyotard chú ý tới sự hợp thức hoá tri thức vì đó là vấn đề quan hệ giữa tri thức và quyền lực. Vấn đề đặt ra, ai quyết định cái gì là tri thức và ai biết cần phải quyết định cái gì? Trong thời đại tin học hoá, vấn đề tri thức hơn bao giờ hết là vấn đề của chính quyền. Trong sự phân tích tiếp theo, ông phân biệt hai kiểu tri thức: tri thức tự sự và tri thức khoa học.

Richard Rorty (1931 – 2007) với nhận thức luận: Mục đích của ông là muốn xoá bỏ nền tảng luận phổ quát về ý thức và xem xét lại triết học như một lĩnh vực quan tâm trước những đòi hỏi của tri thức so với các lĩnh vực khác qua việc đưa ra sự nhận thức về bản thân tri thức.

Jacques Derrida (1930 – 2004) với phương pháp giải cấu trúc: Derrida xem giải cấu trúc là phương pháp giải mã, tìm kiếm những nghĩa mới, cách lý giải mới đối với một văn bản dựa trên các cặp đối lập.

Michel Foucault (1926 – 1984) với phương pháp phân tích diễn ngôn: Foucault đưa ra quan niệm về diễn ngôn như các điều kiện chân lý tiềm ẩn trong một thời kỳ lịch sử nhất định quy định tính chân lý của tri thức của thời kỳ đó.

3. Quan niệm về nhận thức của CNHHĐ

Một số khái niệm then chốt trong quan niệm về nhận thức của chủ nghĩa hậu hiện đại là: sự kiến tạo xã hội, hoàn cảnh xã hội, văn hóa và ngôn ngữ.

Sự kiến tạo xã hội: “kiến tạo” (construct) có nghĩa là tạo ra, làm nên. Theo CNHHĐ, nhận thức là quá trình tư duy của chủ thể sản sinh ra tri thức từ những chất liệu được mang đến bởi hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của cộng đồng xã hội. Sự kiến tạo của tư duy có nghĩa là, thông tin từ thế giới bên ngoài tác động tới các giác quan gây nên những cảm nhận, chúng được bộ não xử lý (kiến tạo) thành những tri giác cảm tính rồi phản ứng lại thế giới bên ngoài. Sự kiến tạo này có sự tham gia của yếu tố sinh học, xã hội và ngôn ngữ.

Vai trò của hoàn cảnh xã hội đối với sự nhận thức: Nếu chủ nghĩa thực chứng phủ nhận vai trò tác động của hoàn cảnh xã hội, văn hóa của chủ thể trong sự sản sinh ra tri thức vì cho rằng điều này làm xuyên tạc tính chân lý của tri thức (gần với tư duy tư biện) thì CNHHĐ lại khẳng định và thừa nhận nguyên lý này.

Vai trò của ngôn ngữ đối với sự nhận thức: Theo CNHHĐ, thế giới khách quan (vật tự nó) không phải là sản phẩm của sự kiến tạo bởi tư duy và ngôn ngữ chúng ta. Nhưng khi mô tả và lý giải thế giới đó, chúng ta buộc phải sử dụng một hệ thống ngôn ngữ nhất định, có giới hạn của một cộng đồng. Ngôn ngữ có vai trò không thể tách rời với sự lý giải, và do đó nó có liên quan tới mọi hiểu biết của chúng ta. Hiểu biết có nghĩa là lý giải, và con người không thể lý giải bất kỳ điều gì nếu không có ngôn ngữ.

Nhận định:

Bằng sự khẳng định tính kiến tạo xã hội của sự nhận thức, CNHHĐ đã đề cao mặt năng động, sáng tạo, tích cực của tư duy con người trong quá trình sản sinh ra tri thức. Qua sự xác định vai trò quyết định của hoàn cảnh xã hội, văn hóa và ngôn ngữ đối với quá trình hình thành tri thức, CNHHĐ đã mở ra những hướng nghiên cứu mới trong các lĩnh vực khoa học liên ngành. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, quan niệm về nhận thức của CNHHĐ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: Thứ nhất, khi phủ định khả năng nhận thức thế giới khách quan bên ngoài độc lập với ý thức con người (thế giới vật tự nó), CNHHĐ đã sa vào chủ nghĩa bất khả tri; Thứ hai, CNHHĐ đã tuyệt đối hóa vai trò của ngôn ngữ đối với sự nhận thức khi cho rằng ngôn ngữ là cái cấu thành nên thực tại, không có nó không co bất kỳ sự nhận thức nào.

4. Quan niệm về tri thức của CNHHĐ

Theo CNHHĐ, có hai hình thức tri thức: tri thức tự sự và tri thức khoa học. Tri thức tự sự là sản phẩm của sự mô tả và lý giải thế giới khi con người cảm nghiệm nó, là sự phản ánh những hiểu biết về thế giới mà con người sống. Tri thức khoa học là sản phẩm của phương thức tư duy khoa học với đặc trưng khách quan, logic, lý tính. Nếu như tri thức khoa học mong muốn đạt tới lý tưởng về một hệ thống mô tả và lý giải mang tính hình thức phổ quát và chính xác về thực tại thì tri thức tự sự được đặt trên sự quan tâm đối với hoàn cảnh con người trong toàn bộ sư phức tạp, đa dạng của nó.

Một trong những đặc trưng khác biệt giữa tri thức tự sự với tri thức khoa học là quan niệm về “sự lý giải”. Trong tri thức khoa học, một lý giải được xác định qua việc thừa nhận một sự kiện như trường hợp cụ thể của một quy luật chung nào đó, hoặc lý giải đó thuộc về một phạm trù nhất định. Trong tri thưc tự sự, sự lý giải là sự kết nối một sự kiện với một ý đồ nhất định. Theo Bruner, tri thức khoa học là sản phẩm của phương thức tư duy khoa học với đặc trưng khách quan, logic, lý tính. Bắt nguồn từ quan niệm về nhận thức của CNHHĐ, theo đó thực tại hay hiện thực là sản phẩm của sự kiến tạo xã hội. Tri thức tự sự với tính cách là sản phẩm của tư duy tự sự, là một trong nhiều cách kiến tạo thực tại bằng ngôn ngữ. Tri thức tự sự là sản phẩm của việc con người sáng tạo và bộc lộ bản thân. Nếu như tri thức khoa học mong muốn đạt tới lý tưởng về một hệ thống mô tả và lý giải mang tính hình thức phổ quát và chính xác về thực tại thì tri thức tự sự được đặt trên sự quan tâm đối với hoan cảnh con người trong toàn bộ sự phức tạp, đa dạng của nó. Bằng việc quan tâm tới tri thức tự sự, CNHHĐ đưa niềm tin trở lai quá trình nhận thức, vì một trong những đặc trưng của tri thức tự sự là không nhằm chứng minh cho một điều gì đó, nó không cần bằng chứng khách quan làm chỗ dựa cho niềm tin như tri thức khoa học.

II. QUAN NIỆM VỀ CHÂN LÝ TRONG CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI

Tìm hiểu vấn đề chân lý thực chất là truy tìm và đưa ra cách nhìn nhận về tri thức, niềm tin đúng đắn, phân biệt nó với với tri thức niềm tin mù quáng, sai lầm. Ở thời cổ Hy Lạp, từ cuộc tranh luận về thế giới quan giữa “đường lối của Démocrtite” và “đường lối của Platon”; thời trung cổ là sự đối lập giữa chủ nghĩa duy danh và chủ nghĩa duy thực; thời cận đại, vấn đề chân lý gắn liền với cuộc tranh luận sôi nổi giữa chủ nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa duy lý. Dư âm cuộc tranh luận được tiếp tục bởi chủ nghĩa tiên nghiệm Kant và về sau là chủ nghĩa thực chứng. Sự ra đời của chủ nghĩa thực dụng và triết học ngôn ngữ mang lại những kiến giải mới về chân lý, có ảnh hưởng đáng kể tới những suy tư và bàn luận của triết học hiện đại về chân lý.

1. Một số quan niệm cơ bản về chân lý trong lịch sử triết học

- Quan niệm phù hợp (tương thích – correspondence) về chân lý:

Tri thức, niềm tin trở thành chân lý nếu chúng phù hợp với trạng thái có thật nơi thực tại ngay thời điểm hiện tại hoặc trong quá khứ, chúng phù hợp với những thuộc tính vốn có nơi thực tại. Nói cách khác, chân lý là sự phù hợp giữa tri thức với thực tại khách quan. Chân lý được xác định bởi sự phù hợp giữa tư duy với thực tại bên ngoài. Đại biểu của quan niệm này là triết gia B. Russell (1872 – 1970) với tiểu luận “On the Nature of Truth” viết năm 1905 và G. E. Moore (1873 – 1958) với tiểu luận “Truth and Falsity” viết năm 1902. Cơ sở thế giới quan của quan niệm phù hợp về chân lý là chủ nghĩa duy vật cùng các hình thức khác nhau của nó trong lịch sử. Đó là sự thừa nhận sự tồn tại một thực tại khách quan bên ngoài độc lập với ý thức, với tư duy con người, làm hệ quy chiếu cho mọi sự nhận thức của con người. Quan niệm phù hợp về chân lý có sự ảnh hưởng rộng rãi trong khoa học, nhất là các khoa học tự nhien, và trong nhận thức đời thường. Cùng với sự đề cao lý tính, quan niệm phù hợp về chân lý là một trong những trụ cột của CNHĐ, là đối tượng phê phán của CNHHĐ.

- Quan niệm chặt chẽ, nhất quán (coherence) về chân lý:

Tính đúng sai của một quan niệm, phát ngôn, mệnh đề phụ thuộc vào những mối liên hệ giữa nó với các quan niệm, phát ngôn, mệnh đề khác, phụ thuộc vào mưc độ chặt chẽ của nó trong một hệ thống quan niệm, phát ngôn đã được xem là đúng trước đó (qua định nghĩa). Đại biểu của quan niệm này là triết gia F. Bradley (1846 – 1924) với tác phẩm “Essays on Truth and Reality” xuất bản năm 1914 và triết gia Mỹ H. Putnam (1926 - ) với tác phẩm “Reason, History and Truth” xuất bản năm 1981. Sự khác biệt cơ bản giữa quan niệm chặt chẽ về chân lý với quan niệm phù hợp về chân lý là ở chỗ, các điều kiện chân lý của mệnh đề bao hàm ở những mệnh đề khác, trong khi đó, theo quan niệm phù hợp về chân lý, các điều kiện chân lý của mệnh đề là những thuộc tính khách quan của thực tại. Quan niệm chặt chẽ về chân lý đã gián tiếp bác bỏ sự tồn tại một thực tại khách quan bên ngoài tư duy con người, nó chỉ quan tâm tới tính cố kết chặt chẽ, phi mâu thuẫn, nhất quán giữa các mệnh đề, phát ngôn, ý tưởng trong một hệ thống hoặc giữa nhiều nhiều hệ thống. Phạm vi ảnh hưởng chủ yếu của quan niệm này về chân lý là toán học, logic học và chú giải học.

- Quan niệm thực dụng (thực tiễn, hiệu quả (pragmatist)) về chân lý:

Đây là quan niệm về chân lý của chủ nghĩa thực dụng. Một phát ngôn, ý tưởng, mệnh đề là đung nếu nó tạo nên những kết quả thỏa mãn khi được dùng như cơ sở của quyết định và hành động. Có thể nói, cách tiếp cận chân lý của chủ nghĩa thực dụng là đồng nhất bản chất của chân lý với nguyên lý hành động. Nói cách khác, chân lý không tồn tại trong thế giới tư duy trừu tượng nào đó độc lập với các quan hệ và hành động xã hội. Chân lý là sản phẩm của quá trình tương tác tích cực giữa con người với thế giới thông qua hành động. Sự khám phá ra chân lý chỉ được thực hiện trong sự tương tác giữa con người với thế giới. Con người không tìm ra chân lý bằng cách ngồi một mình trong phòng và suy nghĩ về nó. Trong cuộc sống, con người luôn tìm kiếm niềm tin chứ không phải sự hoài nghi, và sự tìm kiếm này được thực hiện bằng các hoạt động thực tiễn của con người. Đại biểu của quan niệm thực dụng về chân lý là các triết gia thực dụng Mỹ như C. S. Peirce (1839 - 1914), W. James (1842 - 1910), J. Dewey. Chủ nghĩa thực dụng cùng với quan niệm chân lý của nó trở thành lối sống của số đông người Mỹ. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới lĩnh vực khoa học – công nghệ, một số ngành khoa học xã hội và nhân văn, các lĩnh vực của hoạt động thực tiễn.

2. Quan niệm của CNHHĐ

CNHHĐ đã kế thừa có chọn lọc những quan niệm về chân lý trước đó, nhất là quan niệm thực dụng về chân lý, và đồng thời qua sự phê bình quan niệm phù hợp về chân lý của CNHĐ, CNHHĐ đã đưa ra quan niệm riêng về chân lý. Theo đó, một quan niệm, ý tưởng, phát ngôn, mệnh đề.v.v.. trở thành chân lý nếu nó được số đông thành viên của cộng đồng thừa nhận, đồng thuận hay nhất trí (consensus) và nó mang lại hiệu quả nơi thực tiễn của cộng đồng đó. Nói cách khác, chân lý là sản phẩm của sự đồng thuận cùng với những hiệu quả thực tiễn rõ ràng. Theo quan điểm này, chân lý được xác định bởi con người, dựa trên những tiêu chuẩn của con người, chứ không dựa vào hệ quy chiếu của một thực tại khách quan bên ngoài. Quan niệm như thế về chân lý mang dáng dấp tinh thần câu châm ngôn nổi tiếng của triết gia Protagoras ở thời cổ Hy Lạp: “Con người là thước đo vạn vật”.

Như đã trình bày ở trên, quan niệm phù hợp về chân lý là một trong những trụ cột của CNHĐ, là đối tượng phê phán của CNHHĐ. Đằng sau quan niệm chân lý của CNHĐ là sự giả định rằng, thế giới vận hành theo các quy luật phổ quát. Mặc dù cho rằng các quy luật của thế giới tồn tại độc lập với ý thức con người, song theo các triết gia Khai sáng, tư duy con người có thể phát hiện, giải mã được các quy luật đó. Vì thế, tính đúng sai của tri thức bất kỳ được xác định bằng cách xem xét sự phù hợp giữa chúng với các sự kiện của thực tại mà chúng ám chỉ. Chẳng hạn, phát ngôn “tuyết màu trắng” là đúng nếu trên thực tế nó quả thật như vậy. Chúng ta xác định tính đúng sai của phát ngôn trên qua việc quan sát màu sắc của tuyết. Các triết gia Khai sáng tin rằng, tư duy con người có thể hiểu được tất cả, năng lực của nó là vô hạn. Họ hy vọng rằng, sự khám phá khoa học sẽ giúp con người dần có được sự mô tả đúng đắn, duy nhất và hoàn hảo về thực tại.

CNHHĐ hoài nghi trước những giả định của CNHĐ. Nó cho rằng, chân lý không là sự mô tả chính xác các thuộc tính của thế giới. Chân lý cũng không là những gì được chứng minh chỉ bằng lý trí hoặc phương pháp thực nghiệm khoa học vì ngoài lý trí, còn nhiều cách nhận thức khác, cảm giác và trực giác chẳng hạn. Thế giới không la lĩnh vực của cái khách quan, mà là lĩnh vực có sự tham gia của các nhân tố chủ quan như con người, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ.v.v.. Quan niệm của CNHĐ ve chân lý như sự phù hợp giữa tri thức với thực tại khách quan cho thấy cách thức đạt tới chân lý. Theo các triết gia Khai sáng, việc truy tầm chân lý đòi hỏi sự quan sát khách quan – quan sát thế giới từ góc độ trung lập, bên ngoài. CNHHĐ phủ nhận ý tưởng này, nó chủ trương, không thể nhận thức thế giới một cách thuần túy khách quan, không chỉ vì con người là một phần của thế giới, mà còn là chủ thể xây dựng, kiến tạo thế giới mà họ trải nghiệm nhờ ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hệ thống quy ước xã hội, là những kiến tạo xã hội cho phép con người cảm nhận thế giới theo nhiều cách khác nhau. Con người không tồn tại trong một thế giới thuần túy khách quan, mà là những thế giới đặc thù do mình kiến tạo. Vì thế, không tồn tại một nền tảng cuối cùng làm hệ quy chiếu cho chân lý, không tồn tại một thực tại để con người tìm kiếm sự mô tả khách quan, sau cùng nào ngoài vô số các thực tại được kiến tạo nơi các cộng đồng xã hội khác nhau. Sự tồn tại bên cạnh nhau của những kiến tạo trái ngược nhau về thực tại hoàn toàn là điều bình thường.

CNHHĐ bác bỏ khả năng nhận thức thế giới tự nó và chủ trương rằng, con người kiến tạo thực tại bằng bộ máy khái niệm, ngôn ngữ của mình. Con người không thể nhận thức thế giới từ bên ngoài như người quan sát trung lập, thuần khiết. Con người luôn nhận thức với những hiểu biết nhất định có trước trong tư duy và điều con người thấy, phản ánh những hiểu biết đặc thù của mình hơn là thuộc tính của bản thân thực tại. Rorty quan niệm: “Nói rằng chân lý không ở bên ngoài đơn giản có nghĩa là nơi nào không có ngôn từ thì không có chân lý, vì ngôn từ là các yếu tố của ngôn ngữ con người, và ngôn ngữ của con người là những sáng tạo của con người. Chân lý không thể ton tại bên ngoài – không thể tồn tại độc lập với ý thức con người – bởi vì ngôn từ không thể tồn tại như vậy…” . Như vậy, điều chúng ta thấy nơi thế giới là tập hợp những quan điểm và cách lý giải trái ngược nhau, nhưng thế giới được ngôn ngữ kiến tạo, chúng đều có giá trị như nhau. Tiêu chí phân biệt giữa các quan điểm là tính hiệu quả thực tiễn của nó. Chân lý có giá trị là tri thức tự sự của một cộng đồng xã hội nhất định. Chan lý phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội cho nên hiểu biết của con người về nó cũng phụ thuộc vào cộng đồng mà ta là một thành viên. Chân lý không mang tính phổ quát và tính chủ quan tùy tiện của cá nhân, mà mang tính cong đồng, phụ thuộc vào cộng đồng. Cá nhân tồn tại một mình không có nhu cầu tư duy, và lịch sử cũng cho thấy, sự tồn tại của con người không mang tính cá thể, mà mang tính loài, cộng đồng. Grenz quan niệm: “Chủ nghĩa hậu hiện đại khẳng định rằng bất kỳ điều gì chúng ta chấp nhận là chân lý và thậm chí phương thức chúng ta hình dung chân lý đều phụ thuộc vào cộng động mà chúng ta tham dự… Không có chân lý tuyệt đối: khác hơn chân lý là tương đối so với cộng đồng mà chúng ta tham dự” . Chân lý phụ thuộc vào văn hóa của cộng đồng. Mỗi cộng đồng đều có nền văn hóa riêng cho nên cũng tồn tại nhiều chân lý khác biệt nhau. Do vậy, tri thức, quan niệm của con người mang tính đa nguyên. Tuy nhiên, ở đây đa nguyên không đồng nhất với chủ nghĩa tương đối vì sự tồn tại của nhiều quan điểm không hề có nghĩa rằng tất cả chúng đều đáng tin cậy như nhau.

Quan niệm về chân lý của CNHĐ dựa trên niềm tin rằng thế giới vận hành theo những quy luật khách quan, phổ quát và lý trí con người có thể hiểu được. Do vậy, CNHĐ tìm kiếm những quy luật bất biến chi phối tự nhiên và xã hội. Kết quả của sự tìm kiếm này là những chân lý khách quan, phổ quát, luôn đúng trong mọi hoàn cảnh và mọi thời điểm. Trái lại, CNHHĐ khẳng định, chân lý luôn phụ thuộc vào một hoàn cảnh nhất định, nó có nghĩa trong một tập hợp hữu hạn hoàn canh và có tác dụng trong những hoàn cảnh đó. Cho dù tư duy con người có năng lực trừu tượng hóa, khái quát hóa từ những cái đặc thù, song một sự trừu tượng hóa, khái quát hóa hoàn toàn tách rời mọi hoàn cảnh để trở thành cái phổ quát tuyệt đối là điều không thể. Lênin từng viết: “… Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng… Bất cứ cái chung nào cũng là (một bộ phận, một khía cạnh, hay một bản chất) của cái riêng. Bất cứ cái chung nào cũng chỉ bao quát một cách đại khái tất cả mọi vật riêng lẻ. Bất cứ cái riêng nào cũng không gia nhập đầy đủ vào cái chung,…” . Trong sự vận động phức tạp của thực tại, một số mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng có tính chất lặp đi lặp lại thường xuyên trong nhiều hoàn cảnh, cho nên chúng ta có thể nhận thức những mô hình (quy luật) từ một hoàn cảnh rồi áp dụng vào những hoàn cảnh khác có điều kiện gan giống. Việc nắm bắt và liệt kê tường tận mọi yếu tố và điều kiện của một hoàn cảnh cụ thể là không thể vì chúng không cùng lúc phơi bày ra, cũng như không thể liệt kê toàn bộ những thứ nằm ngoài một chiếc hộp được. Hoàn cảnh bao gồm những yếu tố và điều kiện được nhìn nhận hơn là suy đoán. Chân ly phụ thuộc hoàn cảnh bao hàm sự kết hợp những nội dung tường minh của một mô hình với những nội dung còn ẩn giấu nơi hoàn cảnh. Chân lý phụ thuộc hoàn cảnh bởi vì phần lớn nội dung của nó thuộc về hoàn cảnh. Theo Lênin: “Nguyên lý cơ bản của phép biện chứng là: không có chân lý trừu tượng, chân lý bao giờ cũng cụ thể…” . Chân lý hình thành, phát triển và ứng dụng trong hoàn cảnh và theo hoàn cảnh . Hoàn cảnh luôn chứa đựng những thuộc tính ẩn mà chân lý với tính cách là sản phẩm của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa của tư duy có thể bỏ qua, không bao quát hết được. Mọi chân lý đều ra đời từ một hoàn cảnh cụ thể, nhất định. Nó không tồn tại phổ quát theo kiểu trừu tượng, tách rời hoàn cảnh đầy phong phú, phức tạp, mà luôn gắn liền với hoàn cảnh. Hoàn cảnh là cái toàn bộ, phong phú, còn chân lý là cái bộ phận sâu sắc.

CNHHĐ bác bỏ lý tưởng nắm bắt toàn bộ thực tại khách quan của CNHĐ. Thực ra, nó không phủ nhận sự tồn tại của một thế giới hiện thực bên ngoài, mà chính xác hơn, nó phủ nhận xu hướng phổ quát hóa tri thức về thế giới từ một cộng đồng nhất định thành tri thức chuẩn mực chung cho mọi cộng đồng. Không tồn tại những tiêu chuẩn phổ quát của chân, thiện, mỹ bởi lẽ mỗi người đều tồn tại trong mối liên kết chặt chẽ với một cộng đồng xã hội nhất định, chịu ảnh hưởng của lăng kính tư duy của cộng đồng mình đang sống. Chân lý lệ thuộc vào từng hoàn cảnh lịch sử.

Lý tưởng đạt tới chân lý khách quan của CNHĐ có thể gây nên nơi chúng ta một sự trông chờ vô vọng, vì chúng ta không bao giờ chắc chắn được rằng, tri thức có phù hợp với thực tại khách quan hay không? Và khi không đạt được mục tiêu, chúng ta có thể bị loi vào vòng luẩn quẩn siêu hình của các vấn đề nhận thức luận hơn là trở nên bằng lòng với sự hữu hạn trên hành trình truy tầm chân lý. Có sự khác biệt khi quan niệm rằng, tồn tại một thế giới khách quan bên ngoài ý thức con người với quan niệm về sự tồn tại của chân lý khách quan bên ngoài ý thức, vì chân lý không tồn tại tách rời chủ thể nhận thức, nó là sản phẩm của sự nhận thức, chân lý không tồn tại như thực thể tự nó. Rorty cho rằng: “Thế giới tồn tại bên ngoài, nhưng những mô tả về thề giới không tồn tại bên ngoài. Chỉ những mô tả về thế giới mới có thể đúng hoặc sai. Thế giới tự nó – không cần tới những hoạt động mô tả của con người – không thể” . Chúng ta sử dụng ngôn ngữ để suy nghĩ, tư duy, bàn luận về chân lý. Và ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, tồn tại trong sự gắn kết chặt chẽ với xã hội, do vậy, chân lý mang tính xã hội, nó không mang tính khách quan theo nghĩa tự tồn tại độc lập với ý thức. Nhưng, không có chân lý khách quan không có nghĩa là mọi nhận thức của chúng ta đều là sai lầm, vô giá trị. Giá trị của chân lý không ở tính khách quan hay chủ quan, mà là ở sự hiệu quả của chúng nơi tư duy và hành động của con người. Cũng theo Rorty: “Chúng ta không thể tìm thấy một cái móc cao ngất trời để nâng chúng ta lên khỏi sự chặt chẽ – sự đồng thuận – với điều gì đó giống như ‘sự trùng khớp với thực tại như chính nó’… Các nhà thực dụng muốn thay thế nhu cầu đối với cái khách quan – nhu cầu muốn tiếp xúc với thực tại… bằng nhu cầu về sự liên đới với cộng đồng” . Như vậy, việc quy cái khách quan về sự liên đới của Rorty cho thấy rằng, điều mà chúng ta cho là chân lý chỉ đơn giản là sự khẳng định điều mà cộng đồng đồng thuận. Vì thế, chân lý không là thuộc tính của những niềm tin theo nghĩa phù hợp với các sự kiện của thế giới bên ngoài diễn ngôn cộng đồng. Điều mà ta cho là chân lý chỉ là sự đồng thuận bên trong cộng đồng, “không cần phải xem đó như sự chính xác của biểu tượng” . Hơn nữa, không thể so sánh quan điểm giữa các cộng đồng với nhau vì chúng mang tính vô ước. Sẽ là vô nghĩa nếu ta tìm kiếm sự ủng hộ quan điểm của một cộng đồng dựa vào tính chính xác của biểu tượng, vì không tồn tại chân lý khách quan theo nghĩa dưa trên bất cứ thứ gì bên ngoài diễn ngôn cộng đồng.

Như đã đề cập ở trên, điểm khác biệt trong quan niệm về chân lý của CNHHĐ với các trường phái khác là ở chỗ, nó nhấn mạnh sự đồng thuận của cộng đồng. Ý tưởng này là hệ quả của quan niệm về sự nhận thức như sự kiến tạo xã hội của CNHHĐ. Thế giới được kiến tạo bằng những quy ước xã hội biểu hiện dưới hình thức văn hóa và ngôn ngữ của một cộng đồng xã hội. Những chân lý cụ thể mà con người thừa nhận và cách hiểu chân lý của họ phụ thuộc vào nhóm, tập thể, cộng đồng xã hội mà cá nhân là một thành viên. Chân lý phù hợp nơi một cộng đồng nhất định, nó có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. “Điều gì đúng trong hoàn cảnh của chúng tôi, có thể không đúng trong hoàn cảnh của anh”, “Điều gì sai trong hoàn cảnh của chúng tôi, có thể đúng trong hoàn cảnh của anh”. Chân lý khong chịu sự ràng buộc của các sự kiện hiển nhiên biểu lộ những thuộc tính của thế giới. Chân lý là điều giúp con người đạt được mục tiêu của hành động, nó bộc lộ trong những quan hệ giữa các thành viên cộng đồng. Rorty cho rằng: “Chân lý là một sự đồng thuận liên chủ thể giữa các thành viên của một cộng đồng” . Sự đồng thuận này cho phép các thành viên nói một ngôn ngữ chung và thiết lập một thực tại được chấp nhận chung. Mục đích của việc nghiên cứu không phải nhằm khám phá hoặc tiến gần tới chân lý tuyệt đối, mà là xây dựng nên niềm tin thúc đẩy sự liên đới cộng đồng. Chân lý được xác lập qua đối thoại, những tri thức có giá trị sẽ nay sinh từ sự lý giải các mâu thuẫn và hành động giữa các thành viên của cộng đồng.

Đồng thuận theo nghĩa chung là sự nhất trí, thống nhất về quan điểm, niềm tin, ý tưởng.v.v.. giữa nhiều người. Có thể phát biểu ngắn gọn về sự đồng thuận như sau: Có một sự đồng thuận trong nhóm P về X nếu mọi thành viên trong nhóm P nhất trí về X. Ta gọi i, j là thành viên của nhóm P; Bi , Bj là thành viên i, j nhất trí về X, ta có công thức logic về sư đồng thuận: (i, j  P) [Bi Bj (X)].

Việc xác định tính chân lý của tri thức, niềm tin phụ thuộc vào sự đồng thuận của nhóm, tập thể, cộng đồng. Không phải mọi tri thức của chúng ta đều đến từ kinh nghiệm nhận thức trực tiếp của mình, mà đến từ kinh nghiệm của nhóm, tập thể, cộng đồng qua sự tương tác, trao đổi thông tin. Một nhân tố quan trọng trong sự nhận thức là cá nhân thường đặt trọn niềm tin vào những phán quyết của nhóm, tập thể, cộng đồng. Khi gặp phải những vấn đề nan giải, mới mẻ, việc xác định tính chân lý của chúng hệ tại chỗ liệu có sự đồng thuận của đa số đối với vấn đề đó hay không. Ngay cả kinh nghiệm nhận thức trực tiếp của cá nhân cũng mang tính xã hội. Vygotsky cho rằng, những quá trình tâm lý phức tạp như tư duy chẳng hạn, nảy sinh từ quá trình tự nội hóa các tương tác xã hội. Mọi hoạt động tinh thần, từ nhận thức tri giác tới ký ức và tới xử lý vấn đề, đều liên quan tới những biểu tượng của người khác, tới việc sử dụng các vật thể nhân tạo cùng những hình thức văn hóa.

Có thể thấy, những thành tựu khoa học đều là sản phẩm của sự đồng thuận giữa cac nhà khoa học, nhóm chuyên gia. Hiển nhiên, đây không phải là sự đồng thuận tùy tiện, võ đoán, mà là tuân theo các quy tắc và chuẩn mực khắt khe, nó là cách tiếp cận chân lý một cách gần nhất có thể. Điều này thể hiện rõ nơi các lĩnh vực khoa học chuyên biệt. Theo quan niệm cổ điển, sự đồng thuận khoa học được đảm bảo bởi việc sử dụng phương pháp khoa học. Trong khi đó triết gia khoa học J. Ziman (1925 – 2005) cho rằng, đồng thuận không phải là sản phẩm của phương pháp khoa học mà nó chính là phương pháp khoa học. Tính chân lý của một phát ngôn khoa học, một lý thuyết khoa học phụ thuộc vào sự đồng thuận của số đông thành viên của cộng đồng khoa học. Mọi thử nghiệm kiểm chứng giả thiết được đặt trên những quyết định chủ quan của cộng đồng khoa học (trường phái) như những quy định cụ thể của sự nghiên cứu, mô hình đo lường, quan sát. Việc xác nhận một giả thiết gần như là vấn đề của sự quy ước khoa học. Ý tưởng về sự quy ước khoa học đã được H. Poincaré (1854 - 1912), K. Popper (1902 - 1994), và Kuhn bàn luận trước đây. Điểm khác biệt giữa chủ nghĩa quy ước và quan điểm đồng thuận về chân lý là ở chỗ, nếu chủ nghĩa quy ước nhấn mạnh các yếu tố nội tại của sự nghiên cứu khoa học như tính hiệu quả, đơn giản, chặt chẽ thì quan điểm đồng thuận đề cao các nhân tố bên ngoài như lợi ích, sở thích, ngôn ngư, văn hóa.v.v.. của cộng đồng khoa học.

Sự đồng thuận của cộng đồng trong vấn đề xác định tính chân lý của tri thức đóng vai trò như một thứ quyền lực nơi cộng đồng xã hội. Quyền lực này vừa chi phối một cách vô hình trước các quyết định của mỗi thành viên về tính chân lý của tri thức như một sự lan tỏa ngấm ngầm về mặt không gian và thời gian, vừa chi phối một cách hữu hình qua các thiết chế tri thức, văn hóa của cộng đồng. Sự đồng thuận của cộng đồng không đơn giản là kết quả của sự chấp thuận một cách dễ dàng, nhanh chóng trước mọi vấn đề tri thức. Nó là sản phẩm của một sự tranh luận, đối thoại dưới nhiều hình thức cứng mềm khác nhau tùy theo các loại lợi ích mà cộng đồng theo đuổi và mức độ hiệu quả của chúng nếu được triển khai trên thực tế. Đôi khi, sức mạnh của ý kiến số đông thường áp đảo những ý tưởng trái chiều của thiểu số và tỏ ra hiệu qua trong việc điều chỉnh, uốn nắn, gò ép những ý tưởng mới lạ của những thành viên cá biệt, đảm bảo sự thống nhất, kiên định trong tư duy và hành động của cộng đồng. Foucault cho rằng: “Mỗi xã hội đều có cơ chế chân lý của nó, “chính trị học chung” về chân lý của nó: đó là, các loại diễn ngôn mà nó thừa nhận và cho là đúng, những cơ chế và trường hợp cho phép một người phân biệt các phát ngôn đúng hay sai, các phương tiện thực thi quyền lực; những kỹ thuật và thủ tục được xem là có giá trị trong việc tìm kiếm chân lý, địa vị của những kẻ có trách nhiệm đưa ra những phán quyết về chân lý” . Chân lý với tính cách là sản phẩm của sự đồng thuận của cộng đồng trở thành quyền lực, sức mạnh chi phối tư duy và hành động của cộng đồng. Vẫn theo Foucault: “Chúng ta phụ thuộc vào sự sản xuất chân lý thông qua quyền lực và chúng ta không thể thực thi quyền lực trừ phi thong qua sự sản xuất chân lý” . Có thể nói, quan hệ giữa chân lý và quyền lực trong sự tồn tại và phát triển của cộng đồng là quan hệ biện chứng. Quyền lực của cộng đồng tạo nên chân lý và chân lý tạo nên, làm cho dựa cho quyền lực cộng đồng. Chính theo nghĩa này mà Foucault khẳng định: “Chân lý là một hệ thống thủ tục trật tự đối với việc sản xuất, điều chỉnh, phân phối, lưu thông, và vận hành của những phát ngôn… được kết nối… trong quan hệ vòng tròn với các hệ thống quyền lực đã sản sinh và duy trì nó, và đối với những hậu quả của quyền lực mà nó tạo nên và mở rộng ra” .

Nhằm mở hướng ra khỏi quan niệm mang tính quyền lực về sự đồng thuận của cộng đồng trong việc xác định tính chân lý của tri thức theo CNHHĐ, Habermas đã đề xuất quan niệm mới về chân lý như sự đồng thuận lý tưởng. Theo đó, một phát ngôn là đúng nếu những chủ thể tiềm năng trong một tình huống ngôn ngữ lý tưởng nhất trí về nó một cách tự do. Điều kiện của một tình huống ngôn ngữ lý tưởng bao gồm: (a)mọi cá nhân với khả năng nói và hành động có thể tham gia; (b) mọi người đều có quyền đóng góp, phê bình bất kỳ khẳng định nào, có thể tự do bộc lộ thái độ, nhu cầu, nguyện vọng; (c) không ai có thể bị cản trở, bởi các áp lực bên trong hay bên ngoài trong việc thực thi các quyền của họ ở điều kiện (a) và (b) nêu trên.

Dễ thấy rằng, xét từ trình đo phát triển hiện thực của xã hội hiện nay, quan niệm đồng thuận của Habermas về chân lý mang đậm tính lý tưởng như Habermas tự nhận nơi lý thuyết của mình. Tuy nhiên, ý tưởng của Habermas đã trở thành niềm cảm hứng thúc đẩy việc xây dựng các thiết chế xã hội ngày càng dân chủ hơn tại một số quốc gia có trình độ phat triển cao.

Tựu trung lại, có thể đưa ra một vài nhận định về quan niệm chân lý của CNHHĐ như sau: thứ nhất, khi cho rằng chân lý là sự đồng thuận của cộng đồng, phụ thuộc vào cộng đồng, CNHHĐ đã rơi vào lập trường chủ quan, tương đối. Đành rằng nếu điều gì đó là chân lý thì nó sẽ được mọi người đồng thuận, nhưng ngược lại, không phải mọi sự đồng thuận của chúng ta trước những vấn đề tri thức đều là chân lý. Sự đồng thuận, hay sự thừa nhận rộng rãi của mọi người trước một quan niệm, ý tưởng, lý thuyết, niềm tin nào đó là hệ quả kéo theo của sự kiện là, bản thân quan niệm, ý tưởng, lý thuyết, niềm tin ấy trước hết phải là chân lý theo nghĩa phù hợp với thực tại khách quan bên ngoài. Sự phù hợp này được chứng minh bằng các phương pháp khoa học và thực tiễn. Do phủ nhận khả năng nhận thức thực tại khách quan bên ngoài nên CNHHĐ đã bác bỏ luôn quan niệm phù hợp về chân lý. Đây chính là nguyên nhân khiến cho CNHHĐ bị phê phán từ nhieu phía, nhất là các khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, trong lĩnh vực các vấn đề xã hội và con người, những quyết định của cộng đồng luôn bị ràng buộc bởi các nhân tố chủ quan về lợi ích, do vậy, trong trường hợp này, quan niệm đồng thuận về chân lý của CNHHĐ có sức ảnh hưởng khá mạnh mẽ. Thật không đơn giản khi nói về tính chân lý nơi những quyết định về chính trị, kinh tế, ngoại giao, đạo đức, thẩm mỹ, văn hóa, luật pháp, tôn giáo.v.v.. của những cộng đồng xã hội khác nhau. CNHHĐ trong chừng mực nhất định, đã vạch rõ cơ chế phát sinh, vận hành của chân lý nơi cộng đồng xã hội, nhấn mạnh đặc trưng quyền lực của chân lý.

Thứ hai, khi xác định tính hiệu quả thực tiễn như một tiêu chuẩn của chân lý, CNHHĐ đã góp phần bác bỏ khuynh hướng theo đuổi tri thức mang tính tư biện, vô bổ; phá vỡ những tháp ngà tư duy kinh viện, siêu hình, thoát ly, xa rời cuộc sống; và đồng thời cổ võ cho những nỗ lực tri thức mong muốn đáp ứng những nhu cầu hiện thực ngày càng phức tạp của cộng đồng xã hội. Theo chúng tôi, có thể nói, tri thức không tồn tại vì mình, mà vì sư sinh tồn và phát triển của cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét