Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM

                                                                                               Nguyễn Quỳnh Anh


Hiện nay, thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức, ở đó sức cạnh tranh của nền kinh tế chủ yếu được tạo nên bởi trí thông minh và sự sáng tạo. Tri thức ngày càng trở thành yếu tố then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đối với Việt Nam, xây dựng nền kinh tế tri thức là điều cần thiết để rút ngắn sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Phải coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển mạnh các ngành kinh tế và các sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức” .

Để tiến tới nền kinh tế tri thức, vấn đề chủ yếu là phát triển một cách toàn diện nguồn nhân lực, khuyến khích bồi dưỡng và đào tạo nhân tài. Cách đây hơn 500 năm, tiến sỹ Thân Nhân Trung đã viết “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” . Bởi vậy, trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội cần coi con người là trung tâm, phải đề cao giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, xem giáo dục - đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, trong đó giáo dục đại học là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ trí thức cho đất nước. Những năm qua giáo dục – đào tạo của Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng đã đạt được thành tựu đáng kể, song cũng có nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của đất nước. Cải cách, đổi mới giáo dục đại học đang là vấn đề hết sức cấp bách. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới giáo dục đại học, chúng ta cần thiết phải tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các nước, các nền giáo dục tiến bộ và vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Trung Quốc là nước láng giềng có mối quan hệ gắn bó lâu dài và có nhiều điểm tương đồng về kinh tế - xã hội với Việt Nam. Trước năm 1978, do phong trào chính trị “tả khuynh” và “Đại cách mạng văn hóa”, nền giáo dục của Trung Quốc bị phá hoại nghiêm trọng, giáo dục đại học không có sức sống, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tụt hậu xa so với các nước phát triển trên thế giới. Hội nghị Trung ương 3 khoá XI (tháng 12 - 1978) của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đề ra chủ trương cải cách toàn diện, trong đó có cải cách giáo dục – đào tạo. Sau hơn 30 năm cải cách, nền giáo dục của Trung Quốc đã được chấn hưng và có những bước tiến thần kỳ, giáo dục đại học của Trung Quốc hiện có sức hấp dẫn vào bậc nhất trên thế giới. Những kinh nghiệm và thành tựu phát triển giáo dục - đào tạo của Trung Quốc trong thời kỳ mới rất đáng để chúng ta nghiên cứu và học tập.

1. Kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc

Từ năm 1978 – 1984, Trung Quốc từng bước thực hiện những đổi mới giáo dục, chuyển từ tư tưởng giáo dục phục vụ đấu tranh giai cấp là chính sang tư tưởng giáo dục phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu giáo dục của nhân dân. Các trường đại học được sắp xếp lại và xây dựng mới; công tác tổ chức cán bộ, bồi dưỡng giảng viên; tuyển sinh; giao lưu học thuật, nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. Năm 1984, Trung Quốc có 902 trường đại học, trong đó có 547 trường đại học trường đại học và học viện chuyên ngành, 273 trường cao đẳng và 82 trường đại học nghề nghiệp ngắn hạn …

Năm 1985, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành quyết định về cải cách thể chế giáo dục với mục tiêu “nâng cao tố chất dân tộc, đào tạo ngày càng nhiều, càng tốt nhân tài cho đất nước”. Tư tưởng cơ bản của cải cách thể chế giáo dục là: “giáo dục phải phục vụ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa vào giáo dục”. Đối với giáo dục đại học, Trung Quốc chủ trương cải cách chế độ tuyển sinh; chế độ phân phối sinh viên tốt nghiệp và mở rộng quyền tự chủ của các trường đại học. Trung Quốc cũng thực hiện chính sách thu hút nhân tài, tuyển mộ giảng viên nghiên cứu và cán bộ nghiên cứu trên toàn cầu, thu hút sinh viên nước ngoài du học tại Trung Quốc… Các trường đại học của Trung Quốc cũng thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong việc đưa các thành tựu nghiên cứu khoa học vào thực tiễn bằng hình thức thành lập tổ liên kết (dạy học, sản xuất và nghiên cứu khoa học)… Những kỳ đại hội lần thứ XIV (1992), lần thứ XV (1997), lần thứ XVI (2002), lần thứ XVII (2007) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều dành cho giáo dục – đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.

Với những chính sách trên, giáo dục đại học ở Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ. Kể từ năm 1998 đến nay, số sinh viên đại học ở Trung Quốc đã tăng lên 300% và hiện đang tiến nhanh hơn các cường quốc như Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Các quan chức ngành giáo dục Trung Quốc ước tính vào năm 2010 sẽ có ít nhất 20% tú tài sẽ được tuyển vào một trường đại học hay cao đẳng, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 50 % vào năm 2050 . Những trường đại học danh tiếng của Trung Quốc như đại học Thanh Hoa, đại học Bắc Kinh, đại học Phúc Đán, đại học Triết Giang, đại học Phúc Đán, đại học Nam Kinh, đại học Vũ Hán, đại học khoa học kỹ thuật Hoa Trung, đại học giao thông Thượng Hải, đại học Cát Lâm, đại học Nhân dân Trung Quốc đang vươn lên cạnh tranh với Harvard và Sorbonnes của phương Tây. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong vòng một thập kỷ nữa, Trung Quốc sẽ có một số trường cơ khí hàng đầu thế giới.

Tổng kết quá trình cải cách, phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, cải cách chế độ tuyển sinh và chế độ học phí, Trung Quốc đã kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch tuyển sinh theo nhiệm vụ nhà nước giao và kế hoạch tuyển sinh mang tính điều tiết thành một thể chế thống nhất có tiêu chuẩn tuyển chọn và tiêu chuẩn thu phí. Nhà nước không bao cấp toàn bộ kinh phí đào tạo mà coi việc đóng học phí như một loại hình đầu tư. Từ giáo dục trung học chuyên nghiệp trở lên, về nguyên tắc, sinh viên phải đóng học phí, ngay cả sinh viên được hưởng học bổng cũng phải đóng từ 100 đến 300 nhân dân tệ một năm học. Đồng thời với việc cải cách chế độ học phí, Trung Quốc kiện toàn và hoàn thiện chế độ học bổng, cho vay tín dụng hỗ trợ sinh viên vừa học vừa làm để trang trải học phí… Những việc làm này góp phần kích thích sinh viên học tập, tăng thêm nguồn thu, thể hiện sự công bằng trong giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và khắc phục được những thói quen xấu trong xã hội. Để đảm bảo công tác tuyển sinh được nghiêm túc, Trung Quốc đã ban hành những quy định về quy mô tuyển sinh và điều kiện tổ chức giáo dục, dạy học của trường đại học; đồng thời trao quyền điều tiết kế hoạch tuyển sinh cho các tỉnh, các bộ, ngành. Từ năm 2003, Trung Quốc cho phép một số trường đại học có quyền tự chủ tuyển sinh, mỗi trường đại học có thể đề ra những chỉ tiêu, nội dung nhất định để thu hút và bồi dưỡng nhân tài, chẳng hạn như trường đại học Bắc Kinh thi viết và thi vấn đáp. Trong công tác tuyển sinh, Trung Quốc cũng thực hiện chính sách thu hút người nước ngoài học đại học tại Trung Quốc, khi đưa ra chế độ học phí vừa phải và các hình thức khuyến khích khác nhau. Hàng năm Trung Quốc đều trích 50 suất học bổng ưu tú cho sinh viên nước ngoài có thành tích học tập xuất sắc.

Mặt khác, để tránh tình trạng học lệch, những môn thi đại học của Trung Quốc cũng hướng đến việc bồi dưỡng con người một cách toàn diện. Công thức của các môn thi đại học có thể khái quát ở dạng 3 + X, trong đó ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngoại ngữ, Văn, X là những môn thi tự chọn tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương. Thông thường đối với những thí sinh thi vào khối tự nhiên thì X bao gồm Vật lý, hóa học, sinh học; còn đối với những thí sinh thi vào khối xã hội thì X bao gồm lịch sử, địa lý, chính trị… Có thể nói để bước vào cổng trường của đại học Trung Quốc, mỗi thí sinh sẽ phải ôn thi 6 môn. Bình thường trong trường học, thang điểm chấm của Trung Quốc là 100, nhưng thi đại học có sự thay đổi: Toán, Ngoại ngữ, Văn điểm tối đa của mỗi môn là 150, môn tổng hợp điểm tốt đa là 300 (dành cho 3 môn, trung bình mỗi môn 100 điểm); tổng điểm tối đa của một thí sinh thi 6 môn sẽ là 750 điểm.

Thứ hai, cải cách chế độ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đối với sinh viên được tuyển vào đại học theo kế hoạch tuyển sinh của nhà nước thì vẫn được nhà nước Trung Quốc bố trí việc làm trong phạm vi nhất định, đồng thời từng bước áp dụng biện pháp “lựa chọn hai chiều” giữa nhà trường và đơn vị sử dụng nhân lực, giới thiệu sinh viên tiếp cận với đơn vị sử dụng nhân lực để trao đổi về việc làm. Đối với sinh viên đào tạo theo hình thức ủy thác hoặc đào tạo có định hướng thì bố trí việc làm theo hợp đồng; sinh viên đào tạo theo hình thức tự túc học phí thì phải chủ động tìm việc làm theo nguyện vọng và khả năng của bản thân. Chế độ việc làm như trên đã từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối về nhân lực có trình độ cao của các vùng miền, ngành nghề, phần nào phát huy tính tích cực, sáng tạo của sinh viên trong việc tiếp cận thị trường lao động, đặt nền móng cho việc hình thành thị trường việc làm đa dạng, phong phú qua đó giải quyết được những khó khăn của giáo dục đại học trong việc bố trí việc làm cho sinh viên.

Thứ ba, tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học. Trung Quốc đã mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học như quyền liên kết đào tạo ngoài phạm vi ngành và khu vực, tiếp nhận ủy thác đào tạo; quyền tự chủ xây dựng, sửa đổi kế hoạch dạy học, chương trình dạy học; quyền tự chủ mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học. Giáo sư Anthony Saich - Giám đốc Trung tâm Châu Á của đại học Harvard đã khẳng định việc nếu muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế phải trao quyền tự chủ cho cộng đồng học thuật, điều này đã được Trung Quốc làm rất tốt . Đối với công tác quản lý, quyền tự chủ của trường đại học thể hiện ở việc mỗi trường có sự lựa chọn chế độ sử dụng nhân lực và thể chế quản lý khác nhau tùy theo tính chất công việc và nhiệm vụ gánh vác, có quyền xác định tỷ lệ cơ cấu cán bộ, nhân viên trong tổng biên chế được nhà nước phê duyệt. Trường đại học cũng có quyền sắp xếp, điều chỉnh cương vị chức vụ chuyên môn, kỹ thuật tùy theo nhu cầu nhiệm vụ dạy học, nghiên cứu khoa học và nhu cầu xây dựng đội ngũ giáo viên; có quyền tự chủ xem xét, bổ nhiệm các chức vụ kỹ thuật theo quy định có liên quan. Mặt khác, trường đại học có quyền từ chối bất kỳ cơ quan hoặc đơn vị nào tìm cách đòi hỏi nhà trường cung cấp nhân tài, vật lực, tài lực trái với quy định và pháp luật của nhà nước…

Thứ tư, mở rộng hệ thống giáo dục đại học, đầu tư phát triển các trường đại học tinh hoa. Để biến gánh nặng về dân số thành nguồn nhân lực có trình độ cao, Trung Quốc đã mở rộng hệ thống giáo dục đại học, xây dựng các loại hình trường học khác nhau, cụ thể như: trường đại học phổ thông có chức năng đào tạo nhân tài có trình độ cao cho Trung Quốc và là các cơ sở trọng yếu có trình độ kỹ thuật, văn hoá, khoa học cấp quốc gia; trường đại học hàm thụ và trường đại học buổi tối đào tạo không tập trung; trường đại học truyền thanh truyền hình đào tạo từ xa, sử dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại thông qua truyền thanh, truyền hình và hàm thụ; trường đại học công nhân viên chức và trường đại học nghiệp dư công nhân viên chức nhiệm vụ làm cho công nhân viên chức đang làm việc tiếp thu lý luận cơ bản ở trình độ cao đẳng hoặc đại học một cách hệ thống và học tập các tri thức chuyên môn, trở thành các cán bộ chuyên môn có trình độ cao; trường đại học nông dân là trường đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp có trình độ đại học chuyên khoa cho các vùng nông thôn; học viện giáo dục và học viện bồi dưỡng giáo viên trung học là trường dành cho người lớn nhằm bồi dưỡng giáo viên, cán bộ hành chính giáo dục; học viện cán bộ quản lý là loại trường đại học cho người lớn do ngành nghiệp vụ của chính phủ lập nên để bồi dưỡng cán bộ quản lý.

Ngoài các loại hình trường đại học kể trên, Trung Quốc còn thực hiện hình thức “khảo thí tự học đại học”. Người học có thể đạt được trình độ cao đẳng hoặc đại học mà không phải theo học bất kỳ một trường nào. Hình thức này kết hợp ba việc: “cá nhân tự học, xã hội giúp đỡ, nhà nước chỉ đạo”, nhằm kích thích việc tự học của nhân dân, tìm nhân tài chưa có điều kiện vào học tại các trường đại học. Toàn quốc và các tỉnh, thành phố thành lập uỷ ban chỉ đạo khảo thí tự học đại học. Các trường đại học phổ thông trên từng địa bàn được chỉ định làm đơn vị chủ khảo. Các ngành học được xác định theo nhu cầu của xã hội và người học được cấp bằng đại học chuyên khoa hoặc bản khoa sau khi khảo thí hợp cách toàn bộ các môn học theo quy định.

Tuy thực hiện việc mở rộng giáo dục đại học bằng nhiều loại hình khác nhau nhưng Trung Quốc cũng chú trọng đến việc xây dựng những trung tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển nhóm mười trường đại học lớn nhất nước và tiến hành hợp nhất với các trường đại học nhỏ khác. Trọng tâm của chính sách này là nâng cấp một số trường đại học lớn thành các trường đẳng cấp thế giới, đồng thời mở rộng quy mô của các trường này. Bằng việc đầu tư mạnh mẽ cho nhóm mười trường đại học lớn này, cũng như có những chính sách hợp lý nhằm thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học người Trung Quốc đã thành danh tại nước ngoài, nhóm các trường đại học này (còn được gọi là các trường đại học tinh hoa) đã nâng cao đáng kể vị thế của mình trong khu vực và thế giới. Phát triển các trường đại học tinh hoa Trung Quốc rất chủ động trong việc đào tạo phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao của chính mình và cũng nhờ có các trường đại học tinh hoa nên khi mở cửa giáo dục, Trung Quốc và có ngay được những đối tác hàng đầu thế giới và trong một thời gian ngắn các trường này lại có cơ hội phát triển nhanh và mạnh. Điển hình là hai trường Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Từ những trường đại học hầu như không được biết đến ở Âu - Mỹ, năm 2007 đã được xếp hạng 36 và 40 trong danh sách những trường đại học tốt nhất thế giới .

Thứ năm, chuyển đổi sang hình thức đào tạo theo tín chỉ. Đào tạo theo tín chỉ là một hình thức của việc thiết kế chương trình đào tạo, cụ thể hóa các kiểu loại và số lượng môn học cho sinh viên, cho phép sinh viên điều chỉnh nhịp độ học tập của mình theo khả năng của họ. Trên thực tế, việc đào tạo theo tín chỉ đã được thực hiện ở Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc từ năm 1917 – 1927. Những năm 50 của thế kỷ XX, giáo dục đại học Trung Quốc thực hiện đào tạo theo niên chế, song, tới năm 1978, một số trường đại học Trung Quốc bắt đầu quay lại áp dụng đào tạo theo tín chỉ. Năm 1986, có hơn 200 trường đã áp dụng hệ thống này và hiện nay đào tạo theo tín chỉ là hình thức tổ chức đào tạo phổ biến ở tất cả các trường đại học của Trung Quốc.

Ưu điểm của đào tạo theo tín chỉ là tạo ra sự tăng cường tính chủ động của sinh viên, giúp họ làm quen với sự cạnh tranh, mở rộng phạm vi kiến thức, cho phép họ tiến lên theo nhịp độ phù hợp với khả năng của mình, những người thông minh có thể tốt nghiệp trước thời hạn bằng cách học nhiều môn hơn trong cùng một thời gian. Tuy nhiên, rất nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, đào tạo theo tín chỉ, thì sinh viên sẽ theo dễ, bỏ khó, trốn những giờ giảng trên lớp và kiến thức có thể nông cạn; vấn đề quản lý việc tự học của sinh viên cũng rất khó khăn. Để khắc phục điều đó, trong đào tạo theo tín chỉ, Trung Quốc quy định sinh viên phải học từ 25 – 30 giờ mỗi tuần. Các môn bắt buộc chiếm 60 - 70%, những môn tự chọn chỉ chiếm 30 % – 40 %. Quy định này phần nào làm hạn chế khả năng nghiên cứu độc lập của sinh viên và như vậy, hệ thống đào tạo theo tín chỉ vẫn chưa thực hiện hết ý nghĩa của nó.

Thứ sáu, thu hút và bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho giáo dục đại học. Để phát triển giáo dục đại học, Trung Quốc xác định nhân tố con người giữ vai trò trung tâm và sớm có chiến lược về phát triển nhân tài. Chiến lược này được thực hiện một cách bài bản, từ khâu tuyển chọn đến xây dựng chương trình, phương thức đào tạo sử dụng và chế độ đãi ngộ, đặc biệt chú trọng gửi sinh viên, giảng viên tài năng đi du học và tu nghiệp dài hạn, ngắn hạn ở những nước phát triển. Đến nay đã có trên 300.000 người ra đi, phần lớn đã là tiến sĩ, thạc sĩ, nhiều người trở thành chuyên gia tài giỏi cấp quốc tế. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích kêu gọi trí thức Trung Quốc về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học với chế độ ưu đãi ngộ, đặc biệt là những trí thức gốc Hoa tại Mỹ. Chẳng hạn như Andrew Chi-chih Yao - giáo sư đại học Princeton, một trong những nhà khoa học vi tính hàng đầu nước Mỹ - đã về nước để điều hành chương trình nghiên cứu vi tính nâng cao tại trường đại học Thanh Hoa ...

2. Những vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học ở Việt Nam

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vấn đề giáo dục – đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng để phát triển nguồn lực con người Việt Nam ngày càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phát triển đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định chủ trương: “Đổi mới hệ thống giáo dục đại học và sau đại học, gắn với sử dụng, trực tiếp phục vụ chuyển đổi cơ cấu lao động, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành” .

Sau 20 năm đổi mới, giáo dục đại học của Việt Nam cũng đạt những thành tựu nhất định. So với năm 2001, số sinh viên cao đẳng, đại học của Việt Nam đã tăng 1,75 lần, số học viên cao học và nghiên cứu sinh tăng 2,5 lần. Các trường cao đẳng và đại học đã được thành lập ở hầu hết các địa bàn dân cư lớn, các vùng, các địa phương, đặc biệt ở vùng chậm phát triển như Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Công tác quản lý chất lượng giáo dục đại học đã đặc biệt được chú trọng. Ngoài Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cấp trung ương được thành lập vào tháng 8/2008, 55 đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng được thành lập ở các trường đại học và cao đẳng. Tới tháng 7/2008, đã có 114 trường đại học tự đánh giá chất lượng học tập và giảng dạy của trường mình. Đã có nhiều trường đại học tổ chức dạy học theo các chương trình tiên tiến quốc tế. Tới tháng 7/2008 có 24 chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế đang được sử dụng ở 17 trường đại học giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh. Sự gắn kết giữa hoạt động khoa học công nghệ với hoạt động đào tạo đại học và sau đại học được tăng cường tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, khoa học nông - lâm - ngư và khoa học giáo dục .

Mặc dù có những bước tiến nhất định, song, giáo dục đại học của Việt Nam còn nhiều bất cập, chương trình giáo dục đại học chậm đổi mới, chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Đội ngũ giảng viên đại học vừa thừa, vừa thiếu, vừa không đồng bộ về cơ cấu, số giảng viên có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ còn quá ít. Sản phẩm của giáo dục đại học chưa phù hợp với đòi hỏi của xã hội, nhiều sinh viên không tìm được việc làm, hoặc làm việc trái ngành. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học còn yếu, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Có thể nói, giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay có phần kém cạnh với những nước trong cùng khu vực và còn cách rất xa với nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới. “Báo cáo phát triển thể giới” của WB cho thấy, trong năm 2006 hai trung tâm khoa học lớn của Việt Nam là đại học quốc gia Hà Nội và đại học bách khoa Hà Nội có 34 công trình khoa học được công bố và có tên trong danh sách của ISI. Ngược lại, các giáo sư và sinh viên của Đại học Quốc gia Seoul có 4.556 ấn phẩm khoa học, Đại học Bắc Kinh gần 3000. Cũng theo báo cáo đó, năm 2006 ở Trung Quốc có đến 40.000 ứng dụng sáng chế ngược lại Việt Nam chỉ có 2. Ngay đối với Thái Lan, trong khi 98 % hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung vào các trường đại học, thì ở Việt Nam, các trường đại học chỉ đóng góp có 38% số công trình công bố quốc tế . Cũng bởi vì vậy, cho đến nay, trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của những hệ thống đánh giá như Times Higher Education Supplement (THES), Maclean University Ranking, The Guardian University Guide, Đại học Giao thông Thượng Hải không có tên bất cứ trường đại học nào của Việt Nam. Với xuất phát điểm như vậy, sẽ rất khó khăn cho Việt Nam trong việc hội nhập giao lưu với giáo dục đại học thế giới và vươn đến những mục tiêu như “đến năm 2020 có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học hàng đầu trong khối ASEAN, 80% số sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được các yêu cầu của công việc” . Do đó, Việt Nam cần phát huy nội lực và tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nền giáo dục trên thế giới để đưa giáo dục đại học phát triển. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm giáo dục đại học của Trung Quốc, có thể nhận thấy giáo dục đại học Việt Nam đang cần phải giải quyết những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, về công tác tuyển sinh và chế độ việc làm cho sinh viên. Phải đổi mới công tác tuyển sinh bao gồm mục đích tuyển sinh, nội dung thi tuyển, phân cấp quản lý đi đôi với phân quyền và phân cấp trách nhiệm công tác tuyển sinh cho các trường đại học, bảo đảm chính xác, công bằng, dân chủ và công khai, thực hiện đầy đủ chính sách xã hội để tăng cơ hội được đào tạo ở bậc đại học cho các bộ phận dân cư, nhất là các đối tượng chính sách và tầng lớp nhân dân lao động. Trong công tác tuyển sinh cần chú ý đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi vùng miền. Mặt khác, với cơ chế tuyển sinh như hiện nay, phần nhiều thí sinh học lệch, chỉ thiên về các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Điều này không đảm bảo mục tiêu của giáo dục là xây dựng con người phát triển toàn diện. Vì vậy, cần thay đổi cơ chế tuyển sinh để kiểm tra kiến thức của thí sinh một cách toàn diện, qua đó tạo động lực cho học sinh, sinh viên phấn đấu học tập. Ở đây, công thức 3 + X của Trung Quốc cũng là một kinh nghiệm có thể xem xét vận dụng. Mặt khác, đổi mới công tác tuyển sinh phải đi đôi với việc đổi mới chế độ việc làm, tuyển sinh phải gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, tránh trường hợp đào tạo một cách tràn lan, không định hướng, dẫn đến trường hợp sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm, hoặc làm việc không đúng ngành nghề đã học. Có thể nói giáo dục đại học phải đề ra chiến lược để sản phẩm đào tạo của mình phát huy được tác dụng trong thực tế.

Thứ hai, nâng cao tính tự chủ của các trường đại học, khuyến khích nghiên cứu khoa học. Cần thực hiện phân cấp quản lý mạnh đối với các trường đại học. Nâng cao tính tự chủ cho các trường qua việc tự quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung đào tạo, tài chính, nhân sự. Thúc đẩy thành lập Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của đơn vị. Mặt khác, cần giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học trong nghiên cứu khoa học, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện nay, cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học còn nhiều gò bó, thủ tục hành chính rườm rà, giảng viên phải trải qua rất nhiều khâu xét duyệt mới được thực hiện đề tài nghiên cứu mà mình tâm đắc. Vì thế, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học, giao quyền tự chủ cho các trường đại học trong khâu này cũng là một vấn đề cần thiết làm, điều này sẽ mang lại hiệu quả lớn, góp phần nâng vị thế của các trường đại học Việt Nam.

Thứ ba, mở rộng giáo dục đại học nhưng trên nguyên tắc coi trọng chất lượng, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, đẩy mạnh các hoạt động quản lý chất lượng. Việt Nam cũng chủ trương việc xây dựng mạng lưới các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước, chú ý xây dựng các trường cao đẳng, đại học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích mở các trường đại học dân lập, tư thục. Song, cũng cần phải chú trọng đến vấn đề chất lượng, thực tế có rất nhiều trường được thành lập nhưng qua kiểm tra cho thấy chưa đủ các điều kiện về giảng viên, về cơ sở vật chất và các điều kiện tối thiểu của một cơ sở đào tạo đại học. Có thể nói, nếu các trường đại học được thành lập một cách tràn lan, thiếu kiểm soát chặt chẽ thì vấn đề đưa giáo dục đại học Việt Nam ngang với mặt bằng chung của khu vực là rất khó khăn. Vì vậy, cần quản lý chặt chẽ và chấn chỉnh lại việc mở trường, đẩy mạnh các hoạt động quản lý chất lượng, xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, thay đổi nhận thức về chất lượng văn hoá bên trong các trường đại học và cao đẳng, thành lập các đơn vị chuyên trách để triển khai các hoạt động về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ở trong nước, được phát triển theo đúng xu thế đảm bảo chất lượng, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục trên thế giới.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và có trình độ chuyên môn cao, thu hút nhân tài và có chế độ đãi ngộ hợp lý. Hiện nay, số lượng giảng viên ở các trường đại học còn thiếu rất nhiều, trình độ chuyên môn chưa cao, nhiều trường đại học không có phó giáo sư, đội ngũ giảng viên một số ít là tiến sỹ, thạc sỹ còn lại phần đông là cử nhân. Vì vậy, phải tăng cường công tác xây dựng giảng viên, xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức và năng lực tốt; tạo động lực để giảng viên phấn đấu học tập và rèn luyện. Mặt khác, cần thu hút nhân tài, các nhà giáo, nhà khoa học ở nước ngoài, Việt kiều vào phục vụ trong các trường đại học. Muốn vậy, cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng, phải tạo được môi trường làm việc tốt, hấp dẫn, khiến cho giảng viên yêu ngành, yêu nghề, những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài muốn về phục vụ đất nước.

Thứ năm, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi từ đào tạo sang niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Xu hướng chuyển đổi từ đào tạo truyền thống, theo niên chế, sang đào tạo theo tín chỉ là tất yếu, hợp lý, việc này đã được trường đại học Đà Lạt thực hiện từ năm 1994. Tuy vậy, trên thực tế, các trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa xem hệ thống tín chỉ như một phương tiện đẩy mạnh việc thực hiện những quan niệm giáo dục có được thông qua quá trình tranh luận, tư vấn và lãnh đạo. Thay vào đó, hệ thống tín chỉ đang được dùng như một thứ băng dán nhằm xoa dịu những chỉ trích hiện tại, mà không tác động thật sự đến việc cải cách chương trình. Cần nhận thức được tính tích cực của việc đào tạo theo tín chỉ, đây là phương thức đào tạo lấy người học là trung tâm. Trong phạm vi nhất định, sinh viên được chọn môn mà họ thích học và thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề mà môn học đặt ra; được chọn thời gian học phù hợp với lịch hoạt động của cá nhân mình... Mặt khác, đào tạo theo tín chỉ cũng đặt ra yêu cầu cao với sự nỗ lực của người thầy và làm công tác quản lý giáo dục hiệu quả hơn. Để thực hiện tốt việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, vấn đề đặt ra là phải xây dựng được chương trình khung khung theo nguyên tắc chuyển từ chương trình cứng sang chương trình mềm dẻo, thể hiện ở việc giảm tỉ trọng các môn quy định của cứng của Bộ, của trường, tăng các môn chuyên ngành; giảm bớt môn học để sinh viên có thời gian đọc tài liệu tham khảo; có nhiều chuyên đề mở trong chương trình đào tạo. Cần chú ý đến cơ chế trao quyền nhiều hơn cho giảng viên trong đào tạo và tăng tính tự chịu trách nhiệm cao giảng viên. Mặt khác cần phải xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với hình thức đào tạo...

Tóm lại, trong kỷ nguyên của kinh tế tri thức, nhân tố con người giữ vai trò hết sức quan trọng, vấn đề cốt lõi trong việc phát huy nhân tố con người là phát triển giáo dục – đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Giáo dục đại học hiện nay đang đứng trước những thử thách to lớn trong việc hội nhập quốc tế, vươn lên theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới. Trong quá trình này, Việt Nam phải phát huy sức mạnh nội lực và tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trình bày một số kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra với giáo dục đại học của Việt Nam, rất mong được sự góp ý, trao đổi của các nhà khoa học và đồng nghiệp.



TÀI LIỆU THAM KHẢO



1. Bộ giáo dục và đào tạo, Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 – 2020 lần thứ 13.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006

3. Đánh giá chất lượng sản phẩm giáo dục đại học về việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Báo cáo tại Hội nghị chất lượng giáo dục đại học Việt Nam 2007, Tp. Hồ Chí Minh, 5 - 1- 2008.

4. Hai mươi năm cải cách thể chế giáo dục, Nxb. Cổ tịch, Trung Châu, 1998.

5. Nghiêm Đình Vy – Nguyễn Đắc Hưng, Phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

6. Viện khoa học giáo dục Việt Nam, Kinh nghiệm của một số nước về phát triển giáo dục và đào tạo - khoa học và công nghệ gắn với xây dựng đội ngũ trí thức, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét