Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

BẢO VỆ GIÁ TRỊ CHÂN CHÍNH CỦA VẤN ĐỀ QUYỀN CON NGƯỜI, GIỮ VỮNG MẶT TRẬN TƯ TƯỞNG TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

                                                                                                                     Nguyễn Quỳnh Anh


Bảo vệ và thực hiện quyền con người là khát vọng của nhân loại tiến bộ, thể hiện nỗ lực vươn tới những giá trị tốt đẹp vì một xã hội tôn trọng phẩm giá con người, tự do, bình đẳng, bác ái. Cũng vì lẽ đó mà nhân dân Việt Nam trải qua bao khó khăn, gian khổ vẫn một lòng đoàn kết đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, mưu cầu hạnh phúc. Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta vững bước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng tăng lên, quyền con người được tôn trọng. Tuy vậy, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn, các thế lực phản tiến bộ vẫn ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá sự nghiệp cách mạng trên mọi phương diện mà trước hết là lĩnh vực tư tưởng. Phương thức mà các thế lực phản tiến bộ đã sử dụng thành công ở một số nước và đang áp dụng ở Việt Nam là chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, coi đây là cuộc đấu tranh bằng “khối óc và con tim”, “giành chiến thắng mà không cần chiến tranh”. Chúng ra sức tuyên truyền các luận điệu sai trái, tạo ra một hình ảnh Việt Nam vi phạm nhân quyền mưu đồ làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng Cộng sản với nhân dân ta, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tiến tới “chuyển đổi chế độ chính trị một cách êm thấm từ bên trong”. Những luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam hiện nay có thể nhận diện ở một số điểm chính như sau:

Thứ nhất, tuyệt đối hoá tự do cá nhân, nhấn mạnh yếu tố cá nhân mà bỏ qua việc xem xét mối quan hệ giữa quyền cá nhân với quyền của cộng đồng, xã hội từ đó cổ suý cho quan niệm tách nhân quyền ra khỏi chủ quyền quốc gia, hoặc đối lập nhân quyền với chủ quyền quốc gia, cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” vì vậy cần phải “hy sinh chủ quyền quốc gia cho nhân quyền”.

Thứ hai, cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, không dân chủ, đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử với các dân tộc dân tộc thiểu số, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, bắt giam và xét xử không theo chuẩn mực quốc tế đối với những người được gọi là "hiệp sĩ đi đầu" trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ "tự do", "dân chủ", "nhân quyền".

Thứ ba, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của ta, cho rằng đó là khuyết điểm mang tính bản chất không thể khắc phục trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quy chụp mọi sai lầm lên vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chỉ trích Đảng độc đoán, chuyên quyền, từ đó đòi xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị của đất nước.

Đưa ra những luận điệu sai trái đó, các thế lực phản tiến bộ hướng đến những mục tiêu cụ thể đó là làm cộng đồng quốc tế có cái nhìn thiếu xác thực về tình hình nhân quyền của Việt Nam, làm mơ hồ và thay đổi nhận thức người dân về vấn đề nhân quyền, đề cao nhân quyền hơn chủ quyền, khuyến khích chủ nghĩa cá nhân phát triển, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi dẫn đến hình thành tâm lý xã hội bất ổn, mong muốn và trông chờ một sự thay đổi chính trị. Kịch bản đó đã diễn ra ở một số nước xã hội chủ nghĩa vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Do vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan trước những âm mưu và hoạt động của các thế lực phản tiến bộ trên lĩnh vực tư tưởng. Trong xu thế hội nhập hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền và chống việc lợi dụng vấn đề nhân quyền là hết sức cần thiết nhằm tạo lòng tin và xác lập vị thế của Việt Nam đối với các nước trên thế giới, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo vệ cuộc sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta phải vạch trần âm mưu ý đồ của các thế lực phản tiến bộ, chỉ ra tính chất sai trái, bịa đặt của chúng từ đó khẳng định những giá trị đích thực của vấn đề nhân quyền.

Khái niệm quyền con người đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, ngay khi con người bắt đầu tự ý thức về mình như một bộ phận đặc thù của tự nhiên song nó chỉ được định hình và thể hiện bằng pháp luật khi giai cấp tư sản giành được vị trí thống trị xã hội. Tư tưởng phổ biến của nhiều quốc gia tư sản hiện nay là thừa nhận quyền con người là quyền tự nhiên, mang tính bẩm sinh của con người, tuyệt đối hoá tự do cá nhân và “quyền tư hữu thiêng liêng” đi đến chỗ chỉ nhấn mạnh yếu tố cá nhân trong quan niệm nhân quyền. Đây chính là nền tảng tư tưởng dung dưỡng, mở đường cho luận điểm đề cao nhân quyền hơn chủ quyền, cắt nghĩa cho việc các thế lực phản tiến bộ can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của những quốc gia độc lập.

Trên thực tế, việc tuyệt đối hoá mặt tự nhiên của nhân quyền có những hạn chế vì con người không chỉ tồn tại với tư cách là con người tự nhiên mà còn mang bản chất xã hội. Đó không phải là những thực thể ngủ im trong vỏ ốc, trong một thế giới khép kín đầy bí ẩn mà là những con người sống trong một thời đại nhất định, một xã hội nhất định, có những quan hệ xã hội hết sức phong phú và phức tạp. Vì vậy, trong tác phẩm “Luận cương về Phoiơbắc”, C. Mác đã viết: “… bản chất con người không phải là cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”(1). Có thể thấy, sự đa dạng về nhân cách của cá nhân và những giá trị của nhân loại bao hàm cả yếu tố tự nhiên, và yếu tố xã hội. Theo ý nghĩa đó, quyền con người vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính đặc thù, vừa là quyền cá nhân, vừa là quyền của cộng đồng, xã hội nói chung. Quyền và lợi ích cá nhân gắn bó chặt chẽ với quyền và lợi ích của cộng đồng, cộng đồng chăm lo cho quyền và lợi ích của cá nhân, ngược lại sự lựa chọn hành vi, giá trị của cá nhân cũng cần thiết phải phù hợp với lợi ích của cộng đồng. Như vậy, không thể có chuyện “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, việc tuyệt đối hoá các quyền cá nhân sẽ gây phương hại cho xã hội khi có các thế lực theo đuổi những giá trị riêng vì mục đích, ý đồ của mình mà bất chấp sự phản đối của các lực lượng tiến bộ.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định mối liên hệ hữu cơ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia. Khi đất nước còn đắm chìm trong màn đêm nô lệ, quằn quại dưới ách thống trị của quân xâm lược thì những giá trị nhân quyền như “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà chúng mang đến khai hoá cho nhân dân ta là “nhà tù”, “rượu cồn và thuốc phiện”, là sự đàn áp đẫm máu… Là một dân tộc phải chiến đấu bền bỉ, đổ bao máu và nước mắt để vươn lên giành lại chủ quyền dân tộc, giành quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc, hơn ai hết chúng ta hiểu rằng quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, chỉ khi nào giành được quyền tự quyết cho dân tộc mình thì nhân dân mới được hưởng những quyền cơ bản của con người.

Có thể nói, trong các quyền con người được xác lập thì quyền được sống trong độc lập tự do là thiêng liêng nhất. Điều đó được Hiến chương Liên hợp quốc thể hiện trong những nguyên tắc pháp lý cơ bản, đó là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Hai Công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 cũng khẳng định quyền dân tộc tự quyết chính là điều kiện cơ bản tiên quyết để đảm bảo quyền con người. Vì vậy, không một thế lực nào lại có thể tự cho mình quyền để đánh giá, phán xét và áp đặt một tiêu chuẩn nào về nhân quyền để buộc người khác phải tuân thủ, mọi hành động can thiệp thô bạo vào nội bộ của một quốc gia có chủ quyền đều đi ngược lại với tiến bộ xã hội, làm tình hình thế giới trở nên phức tạp hơn.

Việt Nam sau 20 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, vươn mình ra biển lớn hoà cùng xu thế hội nhập của thế giới. Những thắng lợi quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại của đất nước năm 2006 như tổ chức thành công Hội nghị APEC, được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… đã thể hiện rõ nét chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là nâng cao tinh thần đoàn kết quốc tế, hợp tác thân thiện, mở rộng cửa sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Về vấn đề nhân quyền, đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất cả vì sự nghiệp giải phóng con người, vì quyền con người đích thực tuy nhiên chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh chống mọi sự can thiệp, mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản tiến bộ nhằm làm suy yếu tiến tới lật đổ chế độ ta. Những thành tựu về mặt nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được là hết sức to lớn mà không một ai có thể phủ nhận được.

Sau gần một thế kỷ bị xâm lược, quyền con người bị tước bỏ, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đánh dấu sự thắng lợi của những tiến bộ về mặt quyền con người. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 – 9 – 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 : “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(2). Từ đó Người khẳng định: "tất cả các dân tộc thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(3). Lời tuyên bố hùng hồn đó đã đặt cơ sở cho việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã thực sự thoát khỏi thân phận nô lệ, được hít thở không khí của một quốc gia độc lập, được chăm lo phát triển một cách toàn diện. Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn các tiêu chí về quyền con người trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Về mặt pháp lý, quyền con người đã được thể hiện và bổ sung ngày một hoàn thiện trong các bản Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có hai công ước cơ bản là Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (năm 1966). Trên bình diện vĩ mô, Nhà nước ngày càng thể hiện vai trò của mình trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần người dân nâng lên, làm giảm đi sự bất bình đẳng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, trình độ dân trí, văn hoá được rút ngắn…

Theo báo cáo của cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam luôn được nâng cao, cao hơn cả chỉ số phát triển kinh tế. Cụ thể: năm 1991 chỉ số HDI là 0.498, năm 2002 là 0.688, năm 2004 là 0.691 và năm 2005 là 0.708. Điều đó phản ánh được sự quan tâm chú ý của Việt Nam trong phát triển con người, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội ngày càng tốt hơn. Những cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước, chăm lo cho con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được bầu vào Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc và được đánh giá là nước giải quyết thành công nhất việc xoá đói, giảm nghèo, được các nước Châu Á cử làm ứng viên duy nhất không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho năm 2008, Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cũng đã quyết định tài trợ cho Việt Nam năm 2007 một số tiền cao hơn những năm trước…

Về vấn đề tôn giáo và dân tộc, sự thật đằng sau những luận điệu sai trái cho rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số là gì? Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và sẽ cùng tồn tại với dân tộc. Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”(3). Đảng và Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động bình thường theo pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính chúa yêu nước”, “phúc âm trong lòng dân tộc”, cùng nhân dân cả nước phấn đấu xây dựng một xã hội hạnh phúc, phồn vinh. Hiện nay có khoảng 21.830 nơi thờ tự của các tôn giáo có hệ thống đang sinh hoạt, trong đó có khoảng 14.550 ngôi chùa, 5.456 nhà thờ Thiên chúa giáo, khoảng 500 nhà thờ đạo Tin lành, hơn 1000 thánh thất Cao đài, 89 thánh đường Hồi giáo... Ngày 25.1.2007, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Vatican và tiếp kiến Giáo hoàng Benedict XVI. Sự kiện này đã được hàng loạt các tờ báo nước ngoài ghi nhận: chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bằng chứng rõ ràng của sự tôn trọng quyền dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của chính phủ Việt Nam.

Những điều nêu trên đã bác bỏ luận điệu của các thế lực phản tiến bộ cho rằng Việt Nam tước đoạt quyền tự do tôn giáo của công dân. Bản thân ông John Hanford, Đại sứ lưu động - Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ trách về các vấn đề tôn giáo cũng đã cho biết: tổng thống Mỹ Bush và Ngoại trưởng C. Rice đã đánh giá rất cao về tự do tôn giáo ở Việt Nam và thống nhất cho rằng ở Việt Nam không có ai là "tù nhân chính trị", "tù nhân tôn giáo" hay "tù nhân lương tâm".

Đối với vấn đề dân tộc, Đảng ta khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”(4). Trên quan điểm đó, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, chống mọi biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc. Đảng và Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật vùng dân tộc thiểu số, thực hiện nhiều chính sách ưu tiên trong đào tạo cán bộ, trí thức là người dân tộc thiểu số như đưa con em của đồng bào vào các trường nội trú, tuyển vào học tại các trường đại học, cao đẳng mà không phải thông qua thi tuyển, hiện có khoảng trên 6.000 con em đồng bào được hưởng chế độ này. Như vậy, căn cứ vào đâu để các thế lực phản tiến bộ cho rằng chính phủ Việt Nam phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số.

Để viện dẫn cho luận điệu Việt Nam đàn áp tôn giáo, kỳ thị dân tộc, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của nhân dân, các thế lực phản tiến bộ đưa ra những nhân vật đã bị pháp luật Việt Nam xử lý, gọi những phần tử này là những chí sỹ yêu nước, là “hiệp sỹ”, “chiến sỹ đấu tranh cho tự do dân chủ”. Thực tế, đây chỉ là những phần tử phản động đội lốt tôn giáo, dân tộc, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị hoạt động chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, gây phức tạp tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, phản bội nhân dân đã bị quần chúng lên án. Pháp luật Việt Nam khoan dung, độ lượng nhưng cũng rất nghiêm minh, chúng ta xét xử các phần tử đó theo đúng các trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định, được dư luận trong và ngoài nước ủng hộ thì làm sao gọi đó là vi phạm chuẩn mực quốc tế.

Toàn bộ những thành tựu về quyền con người mà Việt Nam đã đạt được ghi nhận công lao hết sức to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi cả dân tộc còn trong tình cảnh “một cổ, hai tròng” sống kiếp nô lệ, chính Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân ta xoá bỏ ách nô dịch của thực dân phong kiến, mang đến nền độc lập toàn vẹn cho nước nhà, tự do cho nhân dân. Ngày nay, cũng chính sự lãnh đạo của Đảng đã đưa đất nước, nhân dân ta vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, sống cuộc sống hạnh phúc, an cư lạc nghiệp. Những thắng lợi rực rỡ sau 20 năm đổi mới cho thấy bản lĩnh, vai trò lãnh đạo của Đảng. Lý luận và thực tiễn cách mạng ngày càng khẳng định vững chắc rằng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chúng ta mới có thể tiến tới chủ nghĩa xã hội, mới đảm bảo được quyền con người và xây dựng được nền dân chủ thật sự cho nhân dân. Tuy nhiên, đất nước ta quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một xuất phát điểm thấp, đây là thời kỳ giao thời giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu nên chắc hẳn cũng còn có nhiều sai lầm, khuyết điểm, điều quan trọng là chúng ta biết nhận ra những sai lầm và tích cực khắc phục, sửa chữa. Việc các thế lực phản tiến bộ cố tình bới móc, thổi phồng khuyết điểm, đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng, đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng không hề có mục đích xây dựng mà chỉ là sự nhìn nhận sai lệch và thiên kiến. Hơn nữa, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội mới, có một quốc gia dân tộc nào không mắc phải những hạn chế. Do vậy, nếu ai là người có trái tim yêu nước, yêu quê hương thì hãy góp sức vào sự nghiệp chung đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, ngày càng phát triển, làm rạng danh dân tộc Việt Nam chứ đừng cố tình rắc cát lên mảnh đất màu mỡ mà nhân dân ta đã dày công vun xới.

Bước sang thế kỷ XXI, hoà cùng xu thế hội nhập, toàn cầu hoá, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì đó là con đường mang lại quyền con người, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân như chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn. Chúng ta khẳng định rằng sự lựa chọn con đường phát triển và thể chế chính trị của mình là đúng đắn, là quyền thiêng liêng của mỗi quốc gia dân tộc. Những thành tựu trong chăm lo quyền con người của Việt Nam đã phủ nhận mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái, chứng tỏ rằng những luận điệu đó chỉ là những hành động lạc lõng của các thế lực phản tiến bộ, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng về vấn đề quyền con người tuy có nhiều khó khăn, phức tạp nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tin chắc sẽ thắng lợi, không một thế lực nào có thể ngăn cản được sự nghiệp cách mạng mà chúng ta đã lựa chọn./

---------------------------------------------

(1). C. Mác và Ph. Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2004, t.1, tr. 434.

(2), (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2004, t.4, tr.1.

(4). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr. 122.

(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr. 121.





Địa chỉ công tác:

Nguyễn Quỳnh Anh

Bộ môn Mác - Lênin, Đại học An ninh Nhân dân

Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

SĐT: 0982233480

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét