Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BẢN CHẤT CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM

Nguyễn Quỳnh Anh

Mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có những vĩ nhân riêng của mình nhưng hiếm thấy một vĩ nhân nào mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với vận mệnh dân tộc, với lịch sử thời đại như chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ một thanh niên yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người mang trong tim một ước muốn cháy bỏng: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"(1) . Có thể thấy, nội dung cơ bản xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh là "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội". Đây cũng chính là nguyện vọng của nhân dân vì chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bác từng nói: "Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì cũng chẳng có nghĩa lý gì"(2) . Người luôn nhấn mạnh "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" và phải "lấy dân làm gốc".

Tư tưởng "lấy dân làm gốc" của chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo mọi ngành, mọi cấp trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ta. Đối với ngành công an tư tưởng đó có ý nghĩa hết sức đặc biệt, xác định bản chất của công an. Trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, giám đốc công an khu XII (3/ 1948), Người đã viết: "Công an của ta là công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân mà làm việc"(3)

Lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bản chất của lực lượng công an: "công an của ta là công an nhân dân". Cán bộ, chiến sỹ trong ngành công an đều là con em nhân dân, từ nhân dân mà ra. Do vậy, công an phải hết lòng phục vụ nhân dân, Người yêu cầu: "Công an phải là đầy tớ nhân dân. Đã là đầy tớ nhân dân thì công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân"(4), "Làm công tác chính quyền, công an hay ở quân đội đều là làm đầy tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ là chính quyền do nhân dân làm chủ"(5). Tại hội nghị công an toàn quốc lần thứ 10 (1956), Người khẳng định: "Nhiệm vụ của công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân"(6). Người cũng nói: "Công an cách mạng là một công cụ sắc bén của chuyên chính vô sản. Cho nên nhiệm vụ của công an là cực kỳ quan trọng. Nó phải giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân ta an cư lạc nghiệp"(7). Bảo vệ cho dân "an cư lạc nghiệp" chính là bảo vệ cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thể hiện sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, lực lượng công an muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình phải dựa vào nhân dân, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của nhân dân: "Trong bầu trời, không có gì quý bằng nhân dân, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"(8) và "Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân ta là lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi sự đồng tâm hợp lực của đồng bào ta đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc"(9) . Lực lượng công an chỉ mạnh lên và thực sự mạnh lên khi biết dựa vào nhân dân, Người nói: "Năm vạn người chỉ có năm vạn cặp mắt và năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn"(10) . Chính vì vậy, Người đòi hỏi: "Bất kỳ việc to, nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân… Việc giữ gìn trật tự an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân"(11).

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất công an nhân dân phải được thể hiện qua thái độ của công an đối với quần chúng nhân dân. Người yêu cầu công an: "Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép", làm cán bộ không phải là làm "quan cách mạng". Kính trọng, lễ phép với nhân dân tức là phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát và phê bình của nhân dân. Khi tiếp xúc với nhân dân phải luôn niềm nở, khiêm tốn, tôn trọng nhân dân. Bên cạnh đó phải tin ở dân, phải có thái độ khôn khéo, Người nói: "Dân ta rất tốt. Gặp trường hợp nguy hiểm nếu công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thật sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân"(12). Người nghiêm khắc phê phán thái độ tự kiêu, tự đại, quan liêu, hách dịch, xa rời nhân dân.

Có thể nói tư tưởng "lấy dân làm gốc" dựa vào dân, vì dân của chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quyết định bản chất mà còn là đường hướng, là nhân cách, lẽ sống của Công an nhân dân.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, công an nhân dân luôn quán triệt quan điểm "lấy dân làm gốc", thức cho dân vui chơi, gác cho dân ngủ ngon, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui lẽ sống cho mình. Cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân khắc ghi lời thề: "Triệt để bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân lao động, suốt đời tận tuỵ làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, vì cuộc sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân". Nhiều gương anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sỹ công an kiên quyết và trung thành bảo vệ nhân dân, bảo vệ cách mạng càng tô thắm cho mối quan hệ máu thịt giữa công an và nhân dân.

Song, bên cạnh những cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, gắn bó với nhân dân, còn một bộ phận cán bộ, chiến sỹ có thái độ coi thường nhân dân, quan liêu, hách dịch, thậm chí hạch sách, gây khó khăn cho nhân dân. Đó là những thái độ hoàn toàn xa lạ với bản chất công an nhân dân. Họ đã quên rằng quyền lực nhân dân trao cho họ là để bảo vệ và phục vụ nhân dân.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất công an nhân dân là vấn đề hết sức cần thiết đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an, có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng niềm tin của nhân dân đối với công an, tạo nên sức mạnh để bảo vệ vững chắc nền an ninh trật tự của Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào.

Để quán triệt một cách sâu sắc tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất công an nhân dân, thiết nghĩ mỗi cán bộ, chiến sỹ công an cần phải:

- Nhận thức đầy đủ vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng.

- Mỗi cán bộ chiến sỹ phải xây dựng cho mình quan điểm tác phong quần chúng, luôn ghi nhớ, phấn đấu học tập, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mệnh, 6 lời thề danh dự của công an nhân dân. Phải không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, có lối sống trong sạch lành mạnh, phải tận tuỵ, hết lòng, hết dạ phục vụ nhân dân. Có như vậy nhân dân mới tin yêu công an.

- Phải nêu cao tinh thần phê và tự phê, kiên quyết chống lại các hiện tượng tiêu cực, quan liêu hách dịch, sách nhiễu nhân dân trong công an. Phải có thái độ trân trọng, thật sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân và kịp thời sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, phải biết nhận lỗi trước nhân dân. Tuy vậy, khi nhân dân hiểu lầm, công an phải kiên trì giải thích để nhân dân hiểu rõ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin ở nhân dân và sống giữa lòng dân. Người coi nhân dân là động lực, là lực lượng quyết định trong sự nghiệp cách mạng nói chung cũng như trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng. Tư tưởng của Người chính là nguồn gốc, là nền tảng, sức mạnh, là chỗ dựa vững chắc của lực lượng công an để lực lượng công an có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình. Chỉ có thể quán triệt tư tưởng của Người, thì lực lượng công an mới giữ vững bản chất của mình, và có sức mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, xứng đáng với danh hiệu cao quý: "Công an nhân dân".

------------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, T12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr517.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, T4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr56.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, T5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr406.

(4) Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân Việt Nam, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, 2000, tr14.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, T6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr365.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, T8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr119.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, T11, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr54.

(8) Hồ Chí Minh toàn tập, T8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr276.

(9) Khắc ghi lời Bác, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr191.

(10) Hồ Chí Minh toàn tập, T6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr366.

(11) Hồ Chí Minh toàn tập, T7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr363.

(12) Hồ Chí Minh toàn tập, T6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr 366.

2 nhận xét:

  1. bạn có tài liệu nào để phân tích nội dung câu nói:" công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc" của Bác không? cho mk xin với được k?

    Trả lờiXóa