Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

QUAN NIỆM CỦA TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN VỂ VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN

                                                                                                        Nguyễn Quỳnh Anh

Quần chúng nhân dân theo nghĩa rộng là dân cư của một quốc gia, đó là toàn bộ những người thực hiện hoạt động sinh sống của mình trong phạm vi một quốc gia. Trong chế độ công xã nguyên thuỷ, sự khác nhau giữa thuật ngữ "dân cư" và "quần chúng nhân dân" không có ý nghĩa đáng kể, tuy nhiên trong xã hội có đối kháng giai cấp thì sự khác nhau này là hết sức quan trọng, bởi vì ở đó diễn ra một sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các nhóm dân cư thống trị bóc lột với đông đảo người lao động.

Chủ nghĩa Mác - Lênin xác định tiêu chuẩn quan trọng nhất để thừa nhận những nhóm dân cư nhất định là một bộ phận của quần chúng nhân dân là sự quan tâm và khả năng tham gia giải quyết nhiệm vụ của tiến bộ, góp phần phát triển xã hội. V.I.Lênin đã viết: "Khi dùng danh từ "nhân dân", Mác không thông qua danh từ ấy để xoá mờ mất sự khác biệt về giai cấp; Mác đã gộp vào danh từ ấy những thành phần nhất định có khả năng làm cách mạng đến cùng" (1) .

Với cách tiếp cận như vậy, triết học Mác - Lênin khẳng định quần chúng nhân dân là bộ phận có chung lợi ích căn bản, bao gồm những thành phần, những tầng lớp và những giai cấp, liên kết lại thành tập thể dưới sự lãnh đạo của một cá nhân, tổ chức hay đảng phái nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của một thời đại nhất định.

Qua khái niệm trên, chúng ta thấy rằng trong những điều kiện hoàn cảnh lịch sử khác nhau, với những nhiệm vụ khác nhau thì quần chúng nhân dân bao gồm những thành phần, tầng lớp và giai cấp khác nhau. Vì vậy, để hiểu rõ khái niệm quần chúng nhân dân cần phải căn cứ vào những nội dung sau: Thứ nhất, quần chúng nhân dân bao gồm những người sản xuất ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần; Thứ hai, quần chúng nhân dân là những bộ phận dân cư chống lại giai cấp thống trị áp bức bóc lột, đối kháng với nhân dân; Thứ ba, quần chúng nhân dân bao gồm những giai cấp, tầng lớp xã hội thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

Quần chúng nhân dân là một phạm trù lịch sử cho nên quan niệm về vai trò quần chúng nhân dân trong các thời kỳ khác nhau cũng có sự khác nhau. Trước khi chủ nghĩa Mác ra đời, triết học duy tâm và triết học duy vật đều không hiểu đúng đắn vai trò quần chúng nhân dân. Tư tưởng tôn giáo quan niệm mọi thay đổi trong lịch sử xã hội là do ý chí của đấng tối cao, là do "mệnh trời", ý chí đó được các cá nhân thực hiện. Triết học duy tâm đề cao vai trò của các vĩ nhân, cho rằng lịch sử nhân loại là lịch sử của các bậc vua chúa, anh hùng hào kiệt, thiên tài lỗi lạc, quần chúng nhân dân chỉ là "lực lượng tiêu cực" là "phương tiện" mà các vĩ nhân cần đến để đạt được mục đích của mình. Những nhà duy vật trước Mác cũng chưa thoát khỏi quan niệm duy tâm về xã hội khi cho rằng nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội là tư tưởng, đạo đức, là các vĩ nhân sớm nhận thức được chân lý vĩnh cửu.

Khắc phục những quan điểm sai lầm về vai trò quần chúng nhân dân, triết học Mác - Lênin khẳng định quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử. Bởi vì mọi lý tưởng giải phóng xã hội, giải phóng con người chỉ được chứng minh thông qua sự tiếp thu và hoạt động của quần chúng nhân dân. Hơn nữa, tư tưởng tự nó không thể làm biến đổi xã hội mà phải thông qua hành động cách mạng, hoạt động thực tiễn của quần chúng nhân dân.Vai trò quyết định lịch sử của quần chúng nhân dân được thể hiện ở những mặt sau đây:

Thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Con người sản xuất của cải vật chất, đó là yêu cầu khách quan của sự sinh tồn xã hội. Xã hội không thể thoả mãn nhu cầu của mình bằng những cái đã có sẵn trong tự nhiên, để duy trì và ngày càng nâng cao đời sống của mình, con người phải tiến hành sản xuất của cải vật chất; nếu không có sản xuất thì xã hội sẽ diệt vong. Chính vì vậy mà Ăngghen đã viết: Mác là người đầu tiên “đã phát hiện ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, nghĩa là tìm ra cái thật sự giản đơn… là trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, trước khi có thể lo đến chuyện làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo…” (2) . Trong quá trình lao động sản xuất đó, lực lượng sản xuất cơ bản là đông đảo quần chúng nhân dân lao động bao gồm cả lao động chân tay và lao động trí óc.

Hiện nay có thể nói khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ và được coi là cái đặc trưng cho lực lượng sản xuất hiện đại. Tuy nhiên thực tiễn hoạt động sản xuất của loài người thì quần chúng nhân dân là cơ sở và là động lực của sự phát triển khoa học kỹ thuật. Nền sản xuất xã hội sẽ sa sút, kém hiệu quả nếu tài năng, trí tuệ, năng suất lao động của đông đảo những người lao động không được phát huy, không được nâng cao. Trong trường hợp đó khoa học cũng khó phát triển.

Lực lượng sản xuất phát triển sẽ dẫn tới thay đổi về mặt phương thức sản xuất và toàn bộ đời sống xã hội. Từ đó có thể khẳng định, hoạt động sản xuất ra của cải vật chất của quần chúng nhân dân là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội, bởi xét đến cùng lực lượng sản xuất là cái quy định sự biến đổi của lịch sử và trong lực lượng sản xuất thì quần chúng nhân là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất.

Thứ hai, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Theo nghĩa rộng, cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính chất bước ngoặt và căn bản về chất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là phương thức thay thế hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời bằng hình thái kinh tế xã hội cao hơn. Theo nghĩa hẹp cách mạng xã hội là việc lật đổ một chế độ chính trị đã lỗi thời, thiết lập một chế độ chính trị tiến bộ hơn. Nguyên nhân sâu xa của cuộc cách mạng xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất quan hệ sản xuất. Trong xã hội có giai cấp, mâu thuẫn đó biểu hiện thành mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng và dẫn tới đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cuộc cách mạng xã hội. Lịch sử đã chứng minh trong các cuộc cách mạng xã hội quần chúng nhân dân bao giờ cũng là lực lượng cơ bản, đóng vai trò quyết định mọi thắng lợi. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng, không có một chuyển biến chế độ, cách mạng xã hội nào mà không là hoạt động của đông đảo quần chúng nhân dân. Chẳng hạn như vào thời kỳ cổ đại nếu không có các cuộc đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của hàng chục vạn nô lệ và tầng lớp bình dân chống giai cấp chủ nô thì chế độ nô lệ dù đã thối nát cũng không thể sụp đổ. Cuối xã hội phong kiến chính các phong trào đấu tranh của nông dân, thợ thủ công, thương nhân, trí thức… do giai cấp tư sản lãnh đạo đã dẫn đến các cuộc cách mạng tư sản trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII làm sụp đổ chế độ phong kiến, đưa xã hội chuyển sang thời đại tư sản.

Có thể nói, suy đến cùng, nguyên nhân của mọi cuộc cách mạng xã hội đều bắt đầu từ sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn đến mâu thuẫn với quan hệ sản xuất nghĩa là bắt đầu từ hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng nhân dân. Bởi vậy, nhân dân lao động là chủ thể của các quá trình kinh tế, chính trị, xã hội, đóng vai trò là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Thứ ba, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hoá, tinh thần.

Quần chúng nhân dân chẳng những đóng vai trò quyết định trong sản xuất vật chất, trong cách mạng xã hội mà còn đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, khoa học đồng thời áp dụng những thành tựu đó vào hoạt động thực tiễn. Những sáng tạo về văn học, nghệ thuật, khoa học, nghệ thuật, khoa học, y học, quân sự, kinh tế, chính trị, đạo đức… của nhân dân vừa là cội nguồn, vừa là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nền văn hoá tinh thần của các dân tộc trong mọi thời đại. Nhân loại vô cùng biết ơn những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học như: Aristôt, Pascal, Anhxtanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh…Họ đã có những tác phẩm, phát minh vô cùng vĩ đại làm phong phú kho tàng văn hoá nhân loại. Tuy nhiên, những sáng tạo văn hoá tinh thần đó đều có quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Sở dĩ như vậy vì, hoạt động của quần chúng nhân dân trong thực tiễn là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tạo tinh thần trong đời sống xã hội. Mặt khác, quần chúng nhân dân còn là người bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Các giá trị văn hoá tinh thần chỉ có thể trường tồn khi được đông đảo quần chúng nhân dân chấp nhận và truyền bá sâu rộng, trở thành giá trị phổ biến. Truyện Kiều của Nguyễn Du sống mãi với nhân dân ta và nhân dân thế giới chính là vì tác phẩm phản ánh sinh động cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đồng thời thừa kế những tinh hoa văn học dân gian, nhất là ca dao, dân ca.

Nói về vai trò của quần chúng trong sáng tạo nghệ thuật, Hồ Chí Minh nhận định: "Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng, quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa... Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý" (3). Quần chúng là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các sáng tác, là người sáng tạo, kiểm nghiệm và có quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá.

Như vậy, xét từ kinh tế đến chính trị, từ thực tiễn đến tinh thần tư tưởng thì quần chúng nhân dân luôn đóng vai trò quyết định trong lịch sử.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước quần chúng nhân dân luôn là lực lượng đông đảo làm nền tảng cho đất nước, là gốc rễ của mỗi dân tộc, là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Như Nguyễn Trãi đã khẳng định: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ vai trò của quần chúng nhân dân: "Trong bầu trời, không có gì quý bằng nhân dân, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" (4).

Nhận thức được vai trò to lớn và sức mạnh của quần chúng nhân dân Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng luôn nêu cao tư tưởng "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Bài học kinh nghiệm đầu tiên được nêu ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đó là: Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Thực tiễn đã chứng minh, nếu ở đâu cấp uỷ, chính quyền không quan tâm sâu sắc đến nhân dân, có những cán bộ quan liêu, hách dịch, coi thường nhân dân, vi phạm quyền lợi của nhân dân thì sẽ gây hại cho cách mạng. Ví dụ như vụ gây rối tại Thái Bình tháng 5/1997, kẻ xấu đã lợi dụng việc khiếu kiện của nhân dân để trả thù cá nhân, hoạt động vi phạm pháp luật. Kết quả thanh tra cho thấy, nguyên nhân chính của vụ việc trên là do có những cán bộ tham nhũng, có những biểu hiện mất dân chủ khiến nhân dân bất bình, mất lòng tin vào chính quyền.

Là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, quần chúng nhân dân cũng giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc. Vì vậy, trong công tác công an việc quán triệt và vận dụng quan điểm của triết học Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân có ý nghĩa hết sức to lớn. Để được như vậy, thiết nghĩ lực lượng công an phải làm tốt những vấn đề sau đây:

- Nhận thức đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân, luôn kính trọng, yêu mến nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sỹ phải xây dựng cho mình quan điểm tác phong quần chúng, luôn ghi nhớ rằng "Công an của ta là công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân mà làm việc" (5). Bên cạnh đó cán bộ, chiến sỹ công an phải không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mệnh, 5 lời thề danh dự của công an nhân dân, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, chống lại các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, sách nhiễu nhân dân, có thái độ trân trọng, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của nhân dân và kịp thời khắc phục, sửa chữa những sai lầm thiếu sót.

- Bên cạnh việc xác định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc, để phát huy được sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân lực lượng công an phải làm tốt công tác vận động quần chúng, phải biết đoàn kết, tập hợp quần chúng thành một khối thống nhất. Chỉ như vậy, lực lượng công an mới có được lực lượng đông đảo tạo nên sức mạnh vô địch như Bác Hồ đã nói: "Năm vạn người chỉ có năm vạn cặp mắt và năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được…" (6).

Tóm lại, xét trên mọi phương diện, quần chúng nhân dân luôn là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử. Quan niệm trên của triết học Mác - Lênin đã nhận thức đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân, khắc phục những sai lầm của các trường phái triết học trước đó, đưa quần chúng nhân dân trở về vị trí vốn có của nó. Có thể nói, việc quán triệt và vận dụng quan niệm của triết học Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc nói riêng. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này những sự vận dụng mà chúng tôi nêu ra chỉ mang tính gợi mở vì thực tiễn cách mạng hết sức phong phú và sự vận dụng quan niệm của triết học Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân không chỉ dừng lại ở đó, rất mong được sự trao đổi và đóng góp của bạn đọc.

1. V.I. Lênin, toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mát – xcơ – va, 1972, Tập 2, tr. 159

2. C. Mác – Ph. Ăngghen: tuyển tập, T2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 198

3. Hồ Chí Minh toàn tập, T9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 250

4. Hồ Chí Minh toàn tập, T8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 276

5. Hồ Chí Minh toàn tập, T5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 406

6. Hồ Chí Minh toàn tập, T6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 366

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét