Nguyễn Quỳnh Anh
Đối với sinh viên ở các trường đại học thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung và Trường đại học ANND nói riêng, môn học đầu tiên được tiếp cận thường là Triết học. Được học Triết ngay từ đầu là một thuận lợi lớn, sau này khi học các môn khác các bạn sẽ không cảm thấy ngỡ ngàng, vì ở đó ít nhiều đều có hình dáng của Triết học. Quan trọng hơn, khi học Triết, các bạn được trang bị một thế giới quan và phương pháp luận khoa học, tạo tiền đề cho các bạn chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức, nhất là ở trường đại học, môi trường mà phương pháp học chủ yếu là "tự học", "biến quá trình đào tạo trở thành quá trình tự đào tạo". Tuy nhiên, một câu hỏi phổ biến mà sinh viên nào cũng đặt ra khi học Triết, đó là: "Thầy ơi! Sao rắc rối quá, em không hiểu gì hết". Lại có những suy nghĩ hết sức ngộ nghĩnh: "Học mà không hiểu mới là học Triết". Điều đó chỉ mang tính chất hài hước, các bạn sẽ xoay sở làm sao khi bước vào phòng thi và nếu có may mắn lắm qua được thì với một hành trang "trống rỗng" con đường phía trước các bạn chắc hẳn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Như vậy, làm thế nào học Triết học được hiệu quả? Để trả lời câu hỏi đó đã có nhiều buổi thảo luận được tổ chức, nhiều ý kiến đưa ra với mong muốn tìm được phương pháp học tốt nhất. Tuy nhiên, sau đó mọi việc gần như trở về điểm xuất phát ban đầu, trong những bài giảng Triết vẫn bắt gặp những gương mặt mơ màng, đôi khi vô tình nhìn thấy ai đó đưa tay che miệng. Có lẽ nào mọi cố gắng đã bị lãng quên, những hình thức sinh hoạt học tập chẳng qua chỉ là hoạt động phong trào để chi đoàn báo cáo thành tích cho đoàn cấp trên. Phải chăng Triết học là một phương thuốc gây mê thần diệu. Có thể khẳng định một cách chắc chắn là không phải như vậy, vì bên cạnh những bạn luôn cảm thấy lo lắng khi học Triết thì cũng có những bạn say mê với môn học này và đã đạt điểm cao trong kỳ thi học phần.
Phần nhiều sinh viên không hứng thú thậm chí "dị ứng" với Triết học vì tính chất "khô khan" của nó. Đương nhiên Triết học không thể "ướt át" như văn học, không có những nét lãng mạn như "Tiếng Thu" của Lưu Trọng Lư: "Em ơi nghe mùa thu_Lá thu rơi xào xạc_Con nai vàng ngơ ngác_Đạp trên lá vàng khô". Tuy nhiên, Triết học không "khô khan" như người ta tưởng, Triết học không phải là "nghệ thuật tâm hồn" như thi ca nhưng nó là "nghệ thuật của lý trí", có lẽ cần phải loại bỏ quan niệm cho rằng, Triết học chỉ dành cho những ai có cặp kính dày, lúc nào cũng trầm tư suy nghĩ, việc học tập luôn diễn ra trong không khí "căng thẳng" như sợi dây đàn. Nên nhớ rằng âm thanh dù thánh thót đến đâu nhưng nghe mãi một tiếng cũng chán, phải có tiếng trầm, tiếng bổng thì mới cuốn hút và đi vào lòng người. Chính vì vậy mà để học tốt Triết học các bạn sinh viên cần tự tạo cho mình hứng thú, phải hết sức thoải mái. Chính thái độ quá căng thẳng khi học tập đã phần nào hạn chế khả năng tiếp thu bài của các bạn.
Những khái niệm, định nghĩa, phạm trù, nguyên lý trong Triết học khó hiểu vì không định nghĩa nào có thể nói lên đầy đủ cái cần định nghĩa. Hơn nữa khái niệm dùng để định nghĩa cho khái niệm cần định nghĩa, đến lượt nó lại cũng cần phải được định nghĩa. Cho nên định nghĩa mẹ lại đẻ định nghĩa con… nói nôm na là "lấy những cái khó hiểu để giải thích cho những cái khó hiểu". Chính vì vậy các bạn phải biết rằng cái chính là các bạn hiểu nội dung chứ không phải ngập chìm trong những định nghĩa. Khi nghe giảng các bạn cần chủ động đặt câu hỏi và chú ý đến những ví dụ của giáo viên, tự mình lấy ví dụ, đồng thời phân tích những ví dụ đó. Những ví dụ đưa ra nên gần gũi với đời sống xã hội hoặc hoạt động học tập thường ngày của các bạn, có thể hài hước, nhẹ nhàng chẳng hạn như khi học đến quy luật lượng chất có thể lấy ví dụ: Đối với hai người yêu nhau, thời gian là lượng, tình cảm là chất, theo thời gian thì tình cảm cũng tăng dần lên, đến một độ nào đó mà hai người cảm thấy sống không thể thiếu nhau được nữa, thì tất yếu sẽ dẫn đến bước nhảy đó là hôn nhân, và có lẽ giờ phút hai người trao nhẫn hay cùng ký tên vào bản đăng ký kết hôn được coi là điểm nút. Có thể các bạn sẽ cười hết sức vô tư nhưng sau đó là quá trình tư duy để hiểu nội dung và nắm được khái niệm, từ những cái chung cụ thể hoá thành những cái riêng và lấy ví dụ minh hoạ, đơn giản hoá vấn đề chính là cách thức tiếp cận không những với Triết học mà còn với nhiều môn học khác nữa. Mục đích không thay đổi nhưng phương pháp cần linh hoạt, bởi vì "mọi con đường đều dẫn đến Roma".
Một nhược điểm của nhiều sinh viên đó là khả năng hợp tác kém, lười suy nghĩ hoặc phức tạp hoá vấn đề. Khi nêu ra một câu hỏi và yêu cầu các bạn phát huy tinh thần tập thể, thảo luận để giải quyết, nhiều bạn ngồi cắn bút, không chịu trao đổi với người bên cạnh, thậm chí trông chờ vào sự giải đáp của giáo viên. Khả năng hợp tác kém, lười suy nghĩ, hay phức tạp hoá những vấn đề bản chất hết sức đơn giản đã làm việc học Triết học trở nên nặng nề đối với nhiều sinh viên. Để kiểm tra mức độ ì tâm lý, trong giờ Xêmina Triết học, tác giả đã có dịp tiến hành một trắc nghiệm nho nhỏ đối với một số lớp, đó là: "Làm thế nào để đưa một con voi vào trong tủ lạnh", với câu hỏi này, có bạn ngồi im không có ý kiến, có bạn cho rằng phải xẻ thịt con voi ra, cũng có bạn khẳng định chỉ có thể đưa con voi vào tủ khi con voi đó là đồ chơi của trẻ em. Thực ra câu hỏi này được lấy trong tạp chí giáo dục thời đại và câu trả lời là: "Chỉ việc mở cửa tủ lạnh ra và đưa con voi vào". Như vậy, với một vấn đề hết sức đơn giản nhưng nếu chúng ta không chịu động não, hoặc cố tình phức tạp hoá thì việc giải quyết trở nên khó khăn hơn nhiều. Do đó, để học tốt môn Triết học thì sinh viên cần phải không ngừng tư duy, phải công não, đó là cách để tránh được những cơn buồn ngủ vô cớ kéo đến vì lao động chính là phương thức của sự tồn tại. Bên cạnh đó các bạn phải tăng cường hợp tác, phát huy trí tuệ tập thể, hợp tác không có nghĩa là các bạn giúp nhau làm bài trong phòng thi mà đó là cùng nhau trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề thông qua các hình thức học nhóm, đôi bạn học tập…
Trên đây là những phương pháp có thể nói là hiệu quả hơn so với cách học thụ động, tiếp thu một chiều. Tuy nhiên, khi học Triết yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả chính là sự đam mê thật sự với môn học. Nếu các bạn cho rằng Triết học chỉ là môn học bình thường như bao môn học khác, không thấy được sự cần thiết và chức năng của Triết học, thì khó có thể tìm thấy sự hứng thú mà cốt yếu chỉ để cho qua, đạt yêu cầu. Trong bài này chúng ta không bàn đến chức năng của Triết học dù đó còn là vấn đề thuộc hệ thống mở, tuy nhiên hai chức năng quan trọng cần nói đến của Triết học, đó là chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận. Không phải ngẫu nhiên mà có thời kỳ Triết học được coi là "Khoa học của mọi khoa học". Triết học đã tạo ra những cuộc cách mạng vĩ đại trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật.
Khi nghiên cứu lịch sử Triết học có thể thấy rằng, Triết học ở phương Tây xuất hiện đầu tiên ở Hy Lạp đã đẩy lùi thần thoại về quá khứ và trở thành người "bạn đồng hành" của khoa học tự nhiên. Vị trí của Triết học thường ở tiền tiêu so với vị trí của chính trị. Đến thời kỳ Trung cổ Triết học đánh mất vị trí của mình và chỉ còn cách duy nhất là lẽo đẽo chạy theo "thuyết minh" cho nhà thờ, Triết học đã thực sự trở thành thần học. Tuy nhiên, vào thời kỳ Phục Hưng, không ai khác, chính Triết học đã mở đường cho giai cấp tư sản bước lên vũ đài chính trị. Cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên đã mở ra một kỷ nguyên thay thế cơ bắp con người bằng máy móc. Khoa học kỹ thuật không thể tiến vượt bậc nếu như không có những "bứt phá" ngoạn mục đảo lộn cách nhìn về thế giới của Triết học. Không có thuyết Nhật tâm của Copécnic, không có con mắt biện chứng (dù rằng duy tâm) của Hêghen… thì e rằng khoa học phương Tây khó có thể phát triển như ngày nay. Ngay như sự ra đời của Triết học Mác cũng không thể tách rời với những phát kiến khoa học vĩ đại ở thế kỷ XIX.
Triết học phương Đông mà tiêu biểu là Phật giáo, Nho giáo, mặc dù bắt đầu từ mối quan hệ giữa con người và con người, lấy cái thiện, tư tưởng đạo đức làm điểm tựa nhưng đã có ảnh hưởng lớn và sâu rộng đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia. Cho đến nay, những đạo lý về xử thế tu thân, tề gia, nhân, nghĩa, trí, tín… vẫn có sức sống mãnh liệt trong mỗi dân tộc, con người Á Đông.
Như vậy, Triết học cho chúng ta cách nhìn nhận thế giới, và phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề. Nhận thức con người là vô hạn, trong khi đó khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, nhiều vấn đề mà lý luận chưa kịp khái quát, ví như 3 phát kiến của thời đại ngày nay là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và vật liệu xây dựng đã được phản ánh vào Triết học duy vật biện chứng chưa. Qua việc được trang bị thế giới quan và phương pháp luận sinh viên có thể vận dụng giải thích những gì chưa biết, những cái mới, không hề có trong sách vở… từ đó sẽ giúp ích cho các bạn không chỉ trong học tập mà trong suốt quá trình sống, làm việc sau này.
Trên đây là vài dòng trao đổi cùng các bạn, biết đâu có người sẽ cho rằng "phức tạp chẳng kém những gì đã học". Tuy nhiên, đó là những trăn trở của bản thân tác giả với mong muốn giúp các bạn sẽ có suy nghĩ đúng đắn, có hứng thú, niềm đam mê khi tiếp cận Triết học và đạt được kết quả cao. Biển học vô bờ, chưa một ai dám nói mình hiểu hết những vấn đề của Triết học cả, chỉ có sự cố gắng, bởi mọi việc trên đời này kể cả việc học Triết học đều nằm trong quá trình vận động và phát triển không ngừng, Lênin đã từng nói: "Học, học nữa, học mãi". Chân lý ở phía trước các bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét