Nguyễn Quỳnh Anh
V. I. Lênin (1870 - 1924) - vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, người đã đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác. Bằng những nghiên cứu và kết luận khoa học của mình, V. I. Lênin đã làm phong phú chủ nghĩa Mác, đưa chủ nghĩa Mác sang một giai đoạn mới cao hơn, giải đáp những vấn đề cơ bản mà thời đại đặt ra cho giai cấp vô sản quốc tế. Nhìn nhận những đóng góp to lớn của V. I. Lênin đối với lý luận của chủ nghĩa Mác, chúng ta không thể không nhắc tới công lao của Người trong việc bảo vệ và phát triển quan niệm chuyên chính vô sản, một trong những điểm đặc sắc và trọng yếu nhất của chủ nghĩa Mác.
C. Mác cho rằng giai cấp công nhân muốn giải phóng mình đồng thời giải phóng toàn xã hội, trước hết phải chiếm lấy chính quyền, thực hiện chuyên chính vô sản. Trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta, C. Mác viết: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính vô sản” (1)
Sau C. Mác, Ăngghen đã cụ thể hóa luận điểm này và nhấn mạnh: về nguyên tắc, giai cấp công nhân không còn con đường nào khác là phải giành lấy chính quyền và thiết lập nền chuyên chính của mình thông qua con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, theo chủ nghĩa Mác, chuyên chính vô sản thực chất là sự thống trị của giai cấp công nhân, do cách mạng xã hội chủ nghĩa sinh ra và có sứ mệnh xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Đến giai đoạn Lênin, yêu cầu tổng kết, khái quát, bảo vệ và phát triển sáng tạo quan niệm của chủ nghĩa Mác về chuyên chính vô sản được đặt ra hết sức cấp bách. Sở dĩ như vậy vì theo Lênin, từ đầu thế kỷ XX, mâu thuẫn trong lòng các nước tư bản ngày càng thể hiện một cách rõ nét, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn “đêm trước của cách mạng vô sản”. Bên cạnh đó, trong hàng ngũ những người cộng sản đã xuất hiện những phần tử cơ hội, chống lại những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác về chuyên chính vô sản như E. Bextanh, C. Causki. Những người này chủ trương tiến tới chủ nghĩa xã hội bằng con đường hòa bình, phủ nhận tính chất giai cấp của nhà nước. Mặt khác, cực đoan hơn, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ còn chống lại bất cứ một quan niệm nào về tổ chức nhà nước, kể cả nhà nước chuyên chính vô sản.
Thực hiện nhiệm vụ đặt ra ở thời đại của mình, V. I. Lênin đã bổ sung và phát triển quan niệm chuyên chính vô sản qua nhiều tác phẩm như: “Nhà nước và cách mạng”, “Cách mạng vô sản và tên phản bội Causki”, “Sáng kiến vĩ đại”, “Kinh tế và chính trị trong thời kỳ chuyên chính vô sản”. Trong các tác phẩm đó, Lênin tiếp tục nhấn mạnh quan niệm chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác, phê phán mạnh mẽ những kẻ cơ hội chủ nghĩa về nhà nước muốn tiến tới chủ nghĩa xã hội bằng con đường cải lương. Người khẳng định quan niệm chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác “tuyệt đối không thể dung hòa với chủ nghĩa cải lương, nó đả thẳng vào những thành kiến cơ hội chủ nghĩa thường thấy và những ảo tưởng tiểu thị dân về sự tiến triển hòa bình của chế độ dân chủ” (2).
V. I. Lênin vạch rõ, tất cả bọn theo chủ nghĩa cơ hội, bọn xã hội sôvanh và bọn Causki đều lặp lại như nhau rằng giai cấp vô sản cần có nhà nước, đều quả quyết rằng, đó là tư tưởng, học thuyết của Mác. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là giai cấp vô sản cần tới nhà nước nào, và thực hiện bằng cách nào thì chúng đều, đều cố tình đem sự lập lờ, mơ hồ và trừu tượng thay cho cách đặt vấn đề lịch sử cụ thể, như thế tức là chúng không hiểu gì cả hoặc cố tình “không hiểu” học thuyết của Mác. Người khẳng định rằng: “Chỉ những người đã hiểu rằng chuyên chính của một giai cấp là tất yếu không những cho mọi xã hội có giai cấp nói chung, không những cho giai cấp vô sản sau khi đã lật đổ giai cấp tư sản, mà còn cho suốt cả thời kỳ lịch sử từ chế độ tư bản chủ nghĩa đến “xã hội không có giai cấp”, đến chế độ cộng sản chủ nghĩa, chỉ những người đó mới thấm nhuần được thực chất của học thuyết Mác về nhà nước” (3).
Luận chứng về sự cần thiết của chuyên chính vô sản, V. I. Lênin cho rằng chưa bao giờ có một giai cấp bị áp bức nào đạt được địa vị thống trị mà lại không trải qua một thời kỳ chuyên chính, nghĩa là lại không giành lấy chính quyền và không dùng bạo lực để đè bẹp sự kháng cự tuyệt vọng nhất, điên cuồng nhất, chẳng từ bất cứ một tội ác nào, một sự kháng cự mà bọn bóc lột luôn luôn tiến hành. Việc “thừa nhận sự thống trị chính trị của giai cấp vô sản”(4) là kết quả hợp logíc từ việc đấu tranh giai cấp vận dụng vào vấn đề nhà nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người viết: “Học thuyết đấu tranh giai cấp mà Mác vận dụng vào vấn đề nhà nước và vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa tất nhiên phải đưa đến sự thống trị về chính trị của giai cấp vô sản. Chuyên chính của giai cấp đó, tức là một chính quyền không bị chia sẻ với ai hết, và trực tiếp dựa vào lực lượng vũ trang của quần chúng. Giai cấp tư sản chỉ có thể bị lật đổ khi nào giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị đủ sức trấn áp sự phản kháng không thể tránh khỏi, tuyệt vọng của giai cấp tư sản, và đủ sức tổ chức hết thảy quần chúng lao động và bị bóc lột để xây dựng một chế độ kinh tế mới” (5).
Sau khi trở thành giai cấp cầm quyền thì giai cấp vô sản phải nắm vững công cụ chuyên chính, kiên quyết trấn áp những thế lực đi ngược lại với lợi ích của nhân dân để bảo vệ thành quả cách mạng nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, nếu “Nhà nước, tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị”… thì “chuyên chính vô sản, là sự thống trị chính trị của giai cấp vô sản” (6). Những luận điểm này của V. I. Lênin có thể xem là sự trình bày cô đọng nhất thực chất của chuyên chính vô sản.
Bên cạnh đó, V. I. Lênin cũng đã phát triển sáng tạo quan niệm của chủ nghĩa Mác khi cho rằng chuyên chính vô sản là nhà nước kiểu mới, nhà nước không còn theo nghĩa đen của từ này, nó là hiện tượng nhà nước một nửa nhà nước. Do vậy, theo V. I. Lênin chuyên chính vô sản là nền “chuyên chính kiểu mới” (7).
Chuyên chính vô sản được coi là nền “chuyên chính kiểu mới” vì nó cũng thể hiện sự thống trị chính trị của một giai cấp nhưng về bản chất lại khác xa so với nền chuyên chính của các giai cấp bóc lột trước đó.
Chức năng của chuyên chính vô sản không chỉ phải là bạo lực đối với bọn bóc lột, và không phải chủ yếu là bạo lực mà mặt cơ bản của nó là tổ chức, xây dựng toàn diện xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Mặt khác, trong lịch sử, các giai cấp sau khi tấn công vào những trật tự lạc hậu, vươn lên thành giai cấp thống trị đã không bao giờ quên và buông lơi vai trò chuyên chính của mình, nó chỉ xác lập nền dân chủ cho số ít những kẻ giàu có, phục vụ cho lợi ích của những người thuộc tầng lớp trên. Ngược lại, giai cấp vô sản là giai cấp bị bóc lột cuối cùng trong lịch sử, có lợi ích thống nhất với toàn thể nhân dân lao động bị áp bức bóc lột, vùng lên giành lấy quyền lãnh đạo, giải phóng mình đồng thời giải phóng toàn xã hội, xác lập nền dân chủ cho toàn dân. Điều đó cho thấy, nền chuyên chính vô sản về nguyên tắc chính là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, V. I. Lênin đã nhấn mạnh rằng chuyên chính vô sản là nền dân chủ cao nhất, rộng rãi nhất, là nền dân chủ thực sự của nhân dân. Đó cũng là điểm khác nhau cơ bản giữa chuyên chính vô sản với các nền chuyên chính khác trong lịch sử.
V. I. Lênin cũng khẳng định rằng thực hiện dân chủ cho nhân dân cũng là điều kiện đảm bảo sự tồn tại và phát triển của chuyên chính vô sản, của chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn…” (8) là một trong những vấn đề có tính quy luật của sự phát triển và hoàn thiện nền chuyên chính vô sản để tiến tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, để tiến tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, nền chuyên chính đó cần phải thu hút đông đảo quần chúng tham gia vào quá trình quản lý và xây dựng xã hội mới. Với ý nghĩa đó, chuyên chính vô sản cũng là hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp công nhân với đông đảo quần chúng nhân dân mà trụ cột của sự liên minh ấy là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.
Quan niệm chuyên chính vô sản qua sự phát triển sáng tạo của V. I. Lênin đã được chứng minh qua thực tiễn cách mạng của nước Nga (Liên Xô cũ). V. I. Lênin đã phát hiện thấy các Xôviết ra đời nhờ sự sáng tạo cách mạng của giai cấp công nhân Nga là một hình thức chuyên chính vô sản. Người cũng nhận ra rằng nhất định sẽ có rất nhiều hình thức chính trị khác nhau của việc tổ chức nhà nước trong thời kỳ quá độ, tùy theo những điều kiện lịch sử cụ thể của các nước khác nhau. Mặc dù vậy, “thực chất của những hình thức ấy” – những hình thức chính trị khác nhau “chỉ là một, tức là chuyên chính vô sản” (9).
Xem xét chuyên chính vô sản là “thời kỳ chính trị quá độ” và rõ ràng là cả nhà nước của thời kỳ ấy cũng là quá độ từ nhà nước đến phi nhà nước, tức là nhà nước theo đúng nghĩa của nó, V. I. Lênin cũng chỉ ra rằng mặc dù không mất đi chức năng trấn áp bằng bạo lực nhưng trong xu thế phát triển, chuyên chính vô sản tất yếu đi đến chỗ tự tiêu vong.
Như vậy, có thể thấy rằng quan niệm về chuyên chính vô sản giữ vai trò hết sức quan trọng trong lý luận của chủ nghĩa Mác, chính vì vậy nên đây chính là một trong những điểm mà kẻ thù của chủ nghĩa Mác luôn nhằm tới để xuyên tạc, đả kích tiến tới phủ nhận nó. Để bảo vệ chủ nghĩa Mác, bảo vệ giá trị của quan niệm chuyên chính vô sản, V. Lênin bằng sự phân tích khoa học sâu sắc và tính phê phán triệt để đã đấu tranh không khoan nhượng không chỉ đối với kẻ thù của chủ nghĩa Mác, mà còn cả với những kẻ nhân danh lý luận của Mác trên lời nói nhưng thực tế là chủ nghĩa xét lại, hoặc ít ra đã xa rời học thuyết của Mác. Qua những tác phẩm của mình, Người đã vạch rõ bọn theo chủ nghĩa cơ hội đã tầm thường hóa chủ nghĩa Mác như thế nào, qua đó phân biệt quan niệm chuyên chính vô sản với những sự xuyên tạc, tầm thường và thô thiển. V. I. Lênin không những bảo vệ quan niệm của chủ nghĩa Mác về chuyên chính vô sản mà còn phát triển một cách sáng tạo quan điểm đó lên một nấc thang cao hơn cho phù hợp với tình hình mới. Người đã chỉ rõ vai trò, nhiệm vụ, tính ưu việt và xu hướng phát triển của chuyên chính vô sản, làm rõ sự khác nhau giữa chuyên chính vô sản với các nền chuyên chính khác trong lịch sử. Những đóng góp của V. I. Lênin đối với quan niệm của chủ nghĩa Mác về chuyên chính vô sản có ý nghĩa vô cùng lớn lao, bảo vệ vững chắc chân giá trị của chủ nghĩa Mác và góp phần làm sáng rõ con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa của các giai cấp, các dân tộc hằng khát khao tự do, khát khao hạnh phúc, giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội.
Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng việc củng cố vững chắc nhà nước, củng cố nền chuyên chính vô sản, đấu tranh chống lại mọi thế lực thù địch, vì đó là điều kiện tiên quyết để tiến tới chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn cho thấy mọi sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều không thể tách rời vai trò tổ chức lãnh đạo, quản lý và điều tiết của bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân. Nền chuyên chính mà chúng ta xây dựng luôn dựa trên nguyên tắc dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mọi chủ trương chính sách đều vì lợi ích nhân dân, nó kiên quyết đập tan mọi mưu đồ đi ngược lại với lợi ích nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, bộ máy nhà nước, nền chuyên chính của ta không phải không có những khiếm khuyết, nhiều vấn đề tiêu cực như tham ô, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, ức hiếp, sách nhiễu nhân dân vẫn luôn xảy ra.
Ngày nay, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự thoái hóa của một bộ phận cán bộ đảng viên cùng những âm mưu hoạt dộng chống phá của các thế lực thù địch, để giữ vững nền chuyên chính, để nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, Đảng và nhà nước ta đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, từ phương diện lý luận cần phải nói rằng việc kế thừa và phát huy những giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn là vấn đề hết sức quan trọng và mang giá trị to lớn trong mọi thời đại.
1. C. Mác và Ph. Ănghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 19, tr. 47
2. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr. 30
3. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr. 43 - 44
4. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr. 31
5. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr. 32
6. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr. 33
7. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr. 43
8. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr. 97
9. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr. 44
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét