Bài thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Nguyễn Quỳnh Anh
1. Mở đầu
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn. Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta di sản tinh thần vô cùng quý giá, trong đó có tư tưởng về đạo đức - kết tinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc, nhân loại và thời đại. Hồ Chí Minh không chỉ nói và viết nhiều về đạo đức mà còn là một tấm gương thực hành đạo đức trong sáng nhất, tiêu biểu nhất, được cả thế giới ngợi ca. Trong tác phẩm Trở thành người Bác như thế nào, Êlen Tuốcmerơ đã viết: “Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được mọi người kính yêu nhất trong gia đình mình… Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng vóc rất tự nhiên” .
Toàn bộ tư tưởng và cuộc đời Hồ Chí Minh đã toát lên nhân cách cao cả của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Đó là lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, là sự nâng niu, trân trọng con người, trân trọng những giá trị của cuộc sống… Những câu chuyện về tấm gương đạo đức ngời sáng của Người đã in sâu vào tâm hồn của mỗi con người Việt Nam và trở thành mẫu mực để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta noi theo.
2. Nội dung
2.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự nâng niu, trân trọng và tình yêu thương cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp, trong đó có lực lượng Công an nhân dân. Câu chuyện "Bác đến thăm trường Công an" , tôi kể sau đây chính là minh chứng sâu sắc cho điều đó.
Khóa học đầu tiên trong lịch sử ngành Công an khai giảng vào năm 1950. Trong khóa học có biết bao điều đáng nhớ, nhưng có một chuyện mà bất cứ học viên nào cũng không thể quên được, đó là chuyện Bác đến thăm trường.
Tin Bác đến thăm làm toàn thể học viên và lãnh đạo nhà trường vô cùng xúc động. Nhiều người vui quá nhảy lên reo cười; có đồng chí ôm chầm lấy bạn nhấc bổng lên: “Mi ơi, tau mừng quá!”…; có đồng chí đang làm việc mà trống ngực đập liên hồi, tay run run, đôi hàng mi nong nóng, cổ họng nghẹn ngào. Không ai bảo ai, mọi người đều mặc những bộ quần áo tươm tất nhất của mình. Từng toán đông tụ tập dưới các gốc cây bàn tán về các mẩu chuyện mà mình biết về Bác, nói những lời mong ước tâm sự của mình và những lời nhắc gửi của anh em ở nhà khi tiễn chân lên đường ra Việt Bắc.
Thời gian sao trôi chậm quá, lồng ngực không nén nổi con tim đập mạnh nữa rồi. Ai cũng hướng mắt đổ về cửa trường chờ đợi… Bỗng một tiếng reo lên “Bác đến rồi”. Bác hiện ra từ đằng sau vườn tăng gia với dáng người thanh thoát, mang trên mình bộ quần áo nâu và cưỡi trên lưng một con la nhỏ. Mọi người đều ùa đến, vây quanh Bác chào ríu rít.
Bác cười sung sướng như người cha thấy đàn con ngoan, khỏe mạnh xúm quanh mình: “Các chú là Công an phải biết trật tự chứ! Khéo không lại giẫm nát hết rau”. Người đi ngay xuống bếp, xem xét từng cái xanh, cái chảo, từng chỗ đựng nước ăn, rồi lên nhà ngủ, ra vườn tăng gia. Bác chú ý đến nơi ăn, chốn ở của an hem, hỏi han các cán bộ lãnh đạo, cán bộ nhà trường về việc phục vụ anh em và hỏi trực tiếp anh em về mức ăn có đủ chất tươi hay không? Bác căn dặn mọi người phải cố gắng chịu đựng gian khổ trong lúc nước nhà đang thiếu thốn, căn dặn mọi người phải phải cố gắng tăng gia tự cải thiện lấy sinh hoạt và giữ gìn sức khỏe. Mỗi lời nói của Bác đều chan chứa tình thương yêu chân thành như của người cha chăm lo cho đàn con yêu đang sống trong thiếu thốn.
Khi lên hội trường để nghe Bác nói chuyện, ai cũng muốn ngồi lên hàng ghế đầu để nhìn Bác rõ hơn. Hội trường ồn ào như ngả nghiêng say sưa với nỗi mừng vui của anh em. Tuy nhiên, khi Bác cất tiếng thì cả khu rừng im phăng phắc, không một tiếng động…. Bác hỏi mọi người: “Công an đối với dân như thế nào?”.
- Thưa Bác, Công an là bạn dân ạ!
- Bạn dân thôi à? Chưa đủ, Công an phải là đầy tớ dân. (Bác nhấn mạnh chữ đầy tớ). Đã là đầy tớ dân thì Công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, phải ra sức phục vụ nhân dân, không được bắt oan dân, không được tra tấn người bất cứ trường hợp nào. Các chú là Công an nhân dân thì tuyệt đối không được làm như Công an đế quốc, tuyệt đối không được dùng nhục hình để xét hỏi người ta.
Tiếng Bác nói sang sảng ấm áp, truyền cảm thấm thía vào lòng mọi người. Bác nói xong, mọi người vẫn im lặng như sợ dư âm tan mất. Bác nhắc đến hai lượt, hỏi chú nào muốn hỏi gì không? Một giọng miền Trung ngập ngừng cảm động: “Thưa Bác, trước khi cháu ra đây, nhân dân trong nớ và toàn thể anh em tha thiết gửi lời chúc Bác sống lâu mạnh khỏe. Chúng cháu xin hứa với Bác, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, trung thành với Đảng và quyết sống chết với kẻ thù!”.
“Cháu ở Bình Trị Thiên à? Đồng bào trong ấy gian khổ lắm..” – Giọng Bác trầm xuống, ngắt quãng, ngậm ngùi. Trong anh em có người cảm động quá rươm rướm nước mắt. Bác xót xa thông cảm nỗi gian khổ của nhân dân trong vùng địch tạm chiếm.
“Đồng bào khổ lắm phải không các chú?”.
Câu hỏi đột ngột của Bác, không ai trả lời được vì ai nấy đều thấy rõ lòng yêu thương vô bờ bến của Người đối với nhân dân. Không khí trầm lặng nhưng toát lên một ý chí căm thù kẻ địch, cương quyết tiêu diệt địch…
Khi Bác về cả khóa học đều lưu luyến không muốn dời xa, ai cũng chạy theo tiễn Bác. Đến cửa trường Bác vẫy tay báo mọi người dừng lại và giật dây cương cho la bước nhanh. Mọi người đứng sững sờ nhìn theo bóng Bác khuất sau lùm cây. Thôi! Bác đi rồi! Rừng cây kia sao ngăn lại bóng Bác, bước chân còn in rõ trên đường... Ước gì rừng hãy quang đi, bước chân la chậm lại để được nhìn theo Bác xa hơn.
2.2. Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời tranh đấu cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, luôn dành cho con người tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ. Tuy nhiên, đối với bản thân mình, Người sống vô cùng giản dị. Hồ Chí Minh chăm lo, nâng niu tất cả, chỉ quên mình. Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Hồ Chí Minh luôn hoà mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình. Điều đó phần nào được thể hiện qua câu chuyện "Bác có phải là vua đâu" .
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sỹ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao, suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng. Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng, Bác gạt đi: Bác còn khỏe, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi thế này là tốt rồi.
Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời đã gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng vẫn còn gay gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí chủ tịch huyện cho tìm mượn chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:
- Chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?
Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông hiếm, thường chỉ có ở khúc sông Hồng đoạn Bạch Hạc, Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:
- Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.
Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.
- Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến!
Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.
3. Kết luận
Từ trong tư tưởng và hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ suy nghĩ, tình cảm, nỗi đau của nhân dân, nhân loại và trong sự thanh cao, tinh khiến của tâm hồn, tầm cao của trí tuệ để nhận thức và giải quyết mọi vấn đề. Người không đứng ở trên cao ban ơn, không đứng ở bên ngoài thông cảm, mà đứng trong lòng nhân dân, đập chung một nhịp tim, chia cùng một sức sống, mang cùng một khát vọng... với nhân dân. Người gắn bó với dân tộc, nhân dân và với cả nhân loại từ trong con tim và khối óc, trọn vẹn cả cuộc đời. Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa nhưng ngọn lửa tư tưởng, nhân cách của Người vẫn bùng cháy mãnh liệt trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Đồng chí Phiđen Catxtơrô Ruđơ – Bí thư thứ nhất Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cu Ba đã viết: “Cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh tụ nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy… Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm sống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt” .
Lão Tử có nói: Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn. Chủ tịch Hồ Chí Minh sống quên mình mà lại trở thành sống mãi, lời Lão Tử thật sâu sắc lắm thay!.
Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Sự nghiệp đó cần đến những con người có đạo đức cách mạng trong sáng, biết vì dân, vì nước, những người tự coi mình là công bộc của nhân dân, chăm lo cho nhân dân; những con người có trái tim, khối óc biết yêu thương con người, biết rung động trước những mất mát, chia sẻ những sự ngọt bùi, biết tha thứ và bao dung. Đó là những phẩm chất vô cùng cần thiết của mỗi con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng nhất để chúng ta noi theo. Đẩy mạnh việc học tập, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người là yêu cầu cấp bách trước mắt nhưng đồng thời là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài. Đây là việc làm nhằm hình thành và phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ; đấu tranh, khắc phục sự suy thoái về lối sống, đạo đức, chặn đứng, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.
Là một chiến sỹ Công an nhân dân, tôi luôn nhận thức được ý nghĩa to lớn của việc học tập, rèn luyện theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để mỗi chúng ta có thể hoàn thiện mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chiến đấu và cống hiến cho xứng đáng với danh hiệu cao quý: "Công an nhân dân". Tham gia hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đối với tôi là một vinh dự vô cùng lớn lao, qua đó tôi có thể bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Qua những câu chuyện đã kể, điều tôi mong muốn nhất đó là mỗi chúng ta hãy ra sức học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người bằng những hành động thiết thực. Đó là không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn luôn hy sinh phấn đấu vì con người, hết lòng, hế sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Thiết nghĩ, nếu tất cả chúng ta cùng yêu thương nhau, cùng kề vai sát cánh, đoàn kết phấn đấu, hy sinh lợi ích bản thân vì lợi ích của tập thể, của nhân dân thì đó chính là một động lực mạnh mẽ để xây dựng chi bộ, đơn vị trong sạch, vững mạnh góp công sức của mình vào việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Với tất cả chúng ta hôm nay:
“Còn ai chưa một lần gặp Bác,
Hãy nhanh chân,
Tiến lên phía trước, trên cao ấy,
Bác vẫn đưa tay đón lại gần…”
(Tố Hữu).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét