Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VÀ TÂM THƯ CỦA HOÀ THƯỢNG TUỆ TẠNG

Nguyễn Quỳnh Anh

GV Triết học, Trường Đại học An ninh nhân dân

Email: nguyenquynhanh.dhan@gmail.com

Phạm Trường Sinh

HVCH, Trường ĐHKHXH & NV TP. Hồ Chí Minh



1. Phong trào chấn hưng Phật giáo và thân thế, sự nghiệp của hoà thượng Tuệ Tạng

Phật giáo là một trào lưu tư tưởng – tôn giáo xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ VI trước Công nguyên ở Ấn Độ, phản ánh nỗi đau khổ của con người, chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp và sự áp bức, bất công, chống lại giáo lý truyền thống của kinh Veda và đạo Balamon, xây dựng niềm tin vào chính con người. Với mục đích giải thoát con người bằng chính cuộc sống đức độ, Phật giáo nhanh chóng chiếm được tình cảm và niềm tin của đông đảo quần chúng lao động. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo đã phát triển một cách mạnh mẽ, trở thành một tôn giáo có tính chất quốc tế và ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều dân tộc phương Đông. Tuy nhiên, mọi sự đều do luật vô thường chi phối, Phật giáo có giai đoạn hưng thịnh, cũng có giai đoạn khó khăn, đi xuống. Trong suốt thế kỷ XVIII, XIX, trước nền văn minh sống động, rực rỡ của Tây phương, việc truyền bá Phật giáo trên thế giới tưởng chừng chìm dần, đi đến cáo chung. Chấn hưng Phật giáo đã trở thành một yêu cầu cấp bách đối với toàn thể tăng ni, tín đồ đạo Phật. Phong trào này bắt nguồn từ Ấn Độ vào đầu thế kỉ XX và lan tới các nước như Trung Quốc, Nhật Bản… đưa đến những hiệu quả bất ngờ.

Đối với Việt Nam, vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sự chuyển biến mạnh mẽ của thời cuộc, sự tác động của những luồng tư tưởng mới lạ và sự ra đời của nhiều tôn giáo mang yếu tố Phật giáo nhưng đã có sự pha trộn với những tôn giáo khác đã phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh trang nghiêm của Phật giáo. Nhiều biểu hiện trần tục hóa trong sinh hoạt tôn giáo gây phai nhạt niềm tin của tín đồ. Trong tạp chí Duy tâm, số 18, Cư sĩ Khánh Vân đã viết: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên, lúc bà xuống, ngáp ngắn, ngáp dài, thu phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham quơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi! Họ phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì! Hiện trạng thế, bảo sao chẳng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà duy vật mỉa mai” . Trước hiện trạng đó, công cuộc chấn hưng Phật giáo của thế giới với những khẩu hiệu “cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế, cách mạng giáo hội” đã làm nức lòng những người mộ đạo, nung nấu ý chí thay đổi diện mạo Phật giáo nước nhà. Một trong những người đóng góp nhiều tâm huyết và có vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo của Việt Nam là hòa thượng Tuệ Tạng.

Hòa thượng Tuệ Tạng (1889 - 1959) pháp danh là Thích Tâm Thi xuất gia từ năm 14 tuổi, “nổi tiếng là nhớ luật và trì luật bậc nhất” . Năm 1920, Ngài tham gia lập hội Tiến Đức Cảnh Sách ở Nam Định nhằm đào tạo tăng ni và giữ chức giáo sư luật học ở đó. Năm 1934, hòa thượng Tuệ Tạng hỗ trợ đắc lực cho việc thành lập hội Bắc Kỳ Phật giáo tại Hà Nội và năm 1935, Ngài nhận làm giám viện cho chùa Quán Sứ - trụ sở Trung ương Hội. Từ năm 1936 đến năm 1945, hòa thượng Tuệ Tạng gắn bó với trường Phật học của hội Bắc Kỳ Phật giáo và cùng trường trải qua nhiều tình thế khó khăn. Cuối năm 1945, hòa thượng Tuệ Tạng về Nam Định mở đạo tràng dạy học, cảm mến đức độ của Ngài “tăng chúng các nơi lại xin về thụ giáo: từ 1946 đến 1949 đạo tràng lúc nào cũng đông đảo, số tăng sinh ít khi xuống tới 60 vị” . Năm 1950, hòa thượng Tuệ Tạng trở về chùa Quán Sứ giữ chức đốc giáo Phật đường và làm chứng minh đạo sư cho hội Phật giáo tăng già Bắc Việt. Năm 1951, tại Tổng Hội Phật giáo được thành lập và cung thỉnh Ngài làm chứng minh đạo sư. Năm 1952, các đoàn thể tăng già Bắc Trung Nam triệu tập đại hội tại chùa Quán Sứ Hà Nội ngày 7.9 để thành lập Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc. Trong Hội nghị này, Hòa thượng Tuệ Tạng được suy tôn là thượng thủ đầu tiên của Giáo hội Tăng già Việt Nam. Ngày 10 tháng 5 năm 1959, hòa thượng Tuệ Tạng mất, thọ 70 tuổi, nhục thân được an táng tại chùa Vọng Cung, tỉnh Nam Định. Có thể nói, từ khi xuất gia đến lúc tạ thế, Ngài luôn tận tụy với việc truyền bá đạo pháp và tích cực tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo.

2. Tâm thư của hoà thượng Tuệ Tạng

Tháng 4/1953, trên cương vị thư¬ợng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc, hòa thượng Tuệ Tạng đã gửi một lá Tâm thư¬ với lời lẽ thống thiết kêu gọi Tăng sĩ toàn quốc góp sức trùng hư¬ng Phật giáo.

Mở đầu lá Tâm thư, Ngài đã bộc bạch: “Tuệ Tạng tôi vốn biết mình hèn mọn, những cũng may có duyên, nên từ 18 năm nay đã từng truy tùy trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo. Dám chắc các Ngài, ai đã từng cặm cụi theo sứ mệnh thiêng liêng ấy đều nhận thấy rằng phí hơi sức, tổn thì giờ và tiền tài rất nhiều mà thu lượm kết quả về Phật giáo rất ít” . Báo Pháp Âm từng cho rằng “cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành” . Song, theo hoà thượng Tuệ Tạng, phong trào chấn hưng kém hiệu quả là do “chỉ được tiến hành Tam bảo sự theo thể thức hiệp hội, cho nên không những giới Thiện tín mà đến cả giới Tăng Ni, những vị không vào Hội Phật, hay vào rồi lại tự do ra, hoặc không hợp tác hay hợp tác rồi lại bỏ ra một khi bất đồng ý kiến, có khi còn phá hoại vì bất hòa nữa. Vị Chánh hội dù là vị Hòa thượng nữa, dù là Hội Tôn giáo cũng không có quyền đem giới luật của Phật ra bắt buộc Hội viên phải phục tòng” . Điều này cũng được hoà thượng Tố Liên trình bày tại Hội nghị Tăng Ni Bắc Việt (9/9/1950) khi trả lời chất vấn của hoà thượng Tuệ Tạng về vấn đề cải tổ hiệp hội, vì nếu “cứ để danh từ Hội Tăng Ni Bắc Việt, đã gọi là Hội ai muốn vào hay không cũng đư¬ợc. Nay đã lập Phật giáo thế giới nó sẽ không còn trong phạm vi một Hội nữa mà sẽ là cơ quan lãnh đạo Phật giáo đồ của cả một xứ, bấy giờ nếu Tăng Ni nào không theo hệ thống Tăng già sẽ không đư¬ợc công nhận vào Tăng tịch, hơn nữa vị Pháp Chủ và Hội đồng Tổng Trị sự có quyền cảnh cáo khai trừ nếu vị nào phạm đến giới luật của Phật, gián hoặc làm những việc tổn thư¬ơng đến kỷ luật Tăng già” .

Tuy nhiên, bên cạnh việc chỉ ra những yếu kém và nguyên nhân của những yếu kém ấy, bằng tri thức và trải nghiệm của bản thân, hoà thượng Tuệ Tạng cũng nhận thấy thời cơ của công cuộc chấn hưng Phật giáo. Ngài viết “Ngày nay vận mệnh nước nhà đưa lại có phần tươi sáng, cho nên mới được phép phục hưng Giáo hội Tăng già. Không những phục hưng theo luật điển của đức Giáo chủ Thích Ca mà còn căn cứ theo điển cố quốc gia Việt Nam ngày xưa cho tổ chức Giáo hội, lại còn căn cứ vào một điểm nữa là điểm chắc chắn Giáo hội sẽ được thoát ly pháp lý Hiệp hội, bởi vì luật quốc tế đều tôn trọng Tôn giáo để cho được quyền thiêng liêng tự do tổ chức, tự do phát triển, tự do truyền bá” .

Điểm lại bức tranh tôn giáo của Việt Nam, từ sau thời đại Lý - Trần, Phật giáo mất dần vị trí thống trị và thay vào đó là Nho giáo. Song, vào đầu thế kỷ XX, ý thức hệ Nho Giáo suy tàn, những tư tưởng mới chưa đủ điều kiện bén rễ, một khoảng trống tư tưởng tồn tại trong khi nhu cầu tinh thần của đại bộ phận nhân dân ngày càng bức thiết. Từ 1925 trở đi, Phật Giáo đã thức dậy khởi đầu từ miền Nam sau đó lan ra miền Trung và miền Bắc. Trong hàng ngũ tăng chúng của Phật giáo xuất hiện những con người đặc biệt, xuất sắc và những tư tưởng mạnh mẽ, quyết liệt. Hoà thượng Tuệ Tạng khẳng định đây là “cơ hội may mắn cho giới Phật tử, nhất là Tăng Ni” . Tuy nhiên, chấn hưng Phật giáo không phải là công việc một sớm một chiều mà là một công việc lâu dài phải đối phó với vô vàn khó khăn, thử thách, đó là “cải tạo lại một gia đình đại tín ngưỡng đương hết sức rối ren, phức tạp và lẻ tẻ, rời rạc trong nội bộ, vì những ý kiến câu chấp thói thường gây ra; huống hồ lại có những thảm trạng đã diễn, đương diễn ra trong hoàn cảnh Phật giáo còn đương trầm trọng vì ảnh hưởng của thời cuộc gây ra. Về phương diện tinh thần tín ngưỡng, nào tư tưởng hỗn loạn, nào tín ngưỡng phức tạp vì bất phân là chính, chân ngụy, nào giới luật sơ khoáng, nào đạo đức luân vong vì tư trào xô đẩy. Về phương diện hình thức phụng sự thì hầu như toàn quốc có nửa số chùa chiền chỉ còn lại đống tro tàn gạch vụn, đầy tang thương...” . Do vậy, cần phải có sự chung sức của toàn thể Tăng Ni, phật tử vào mục đích chung “nếu không cùng nhau tận tâm, kiệt lực, nhân cơ hội mà tiến triển, để cho cơ hội tốt của Phật pháp đi qua mất thì chúng ta là những tội nhân lớn nhất đối với Phật pháp” .

Trong lá Tâm thư, Hoà thượng Tuệ Tạng đã nêu rõ mục đích của mình là nhằm giải đáp các vấn đề được đặt ra trong cuộc Chấn hưng Phật giáo, bao gồm: “1. Nay gọi là phục hưng Giáo hội Tăng già, tất nhiên trước đây đã có Giáo hội, vậy ai là những người lãnh đạo? và các Giáo hội về dĩ vãng đã để lại những thành tích gì? 2. Giáo hội Tăng già hiện tại thực hiện theo mục đích nào cho có lợi ích cả về nội bộ Tăng Ni mà lại lợi ích chung cho xã hội?”

- Với mục đích thứ nhất, hoà thượng Tuệ Tạng đã trình bày giáo hội Tăng già về dĩ vãng và thành tích. Ngài chỉ ra sự hưng thịnh của Phật giáo trong quá khứ là “vì Tăng già ngày xưa có Giáo hội, có Tăng chế và có Tăng thống lãnh đạo giới Tăng Ni, Thiện tín cho ai nấy tu hành có tôn chỉ, học vấn có mục đích. Bên ngoài thì đem chính giáo cảm hóa chính trị được có quân minh, thần lương, quốc thịnh, dân hùng, bên trong thì làm cho Tăng già xứng đáng ở ngôi “Chúng trung tôn” giữ địa vị lớn lao với giang sơn, dân tộc” . Nhưng Phật giáo lúc đó lại không được như thế bởi sự rời rạc, thiếu chặt chẽ, như nhận xét của hoà thượng Trí Hải tình trạng chia môn rẽ phái, Phật pháp đồng quy củ dị, mỗi nơi mỗi khác không đâu giống đâu, không ai theo ai như đống cát khô, nếu bị cơn cuồng phong thổi tới là bay hết. Đáng lẽ Phật giáo đối với những việc lợi ích chung cho quần chúng, việc giữ gìn tinh thần dân tộc, không việc gì là không làm được, nhưng lâu nay không làm được việc gì đáng kể đối với nhân quần xã hội cũng chỉ vì thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết. Hòa thượng Tuệ Tạng yêu cầu tăng chúng phải tự mình tạo nên vận hội, ra sức đóng góp vào phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài viết: “Theo triết lý Duy tâm tạo của Phật dạy thì vận hội nào cũng do tâm chúng ta tạo ra cả. Vậy tất cả trên 18 triệu tín đồ Phật giáo (đây nói tất cả số người gián tiếp tín ngưỡng Phật giáo), ngay từ nay chúng ta hãy cùng nhau đúc tâm niệm mà tin tưởng vào lực lượng duy tâm mà tạo lấy vận hội, vận hội lại tạo ra Thánh triết, Thánh triết sẽ cải tạo thời thế. Đó mới là bậc chính thức lãnh đạo chúng ta vãn hồi lại nền văn minh đạo đức cổ truyền của dân tộc, mà tổ tiên chúng ta đã để lại làm quốc hồn, quốc túy” .

- Với mục đích thứ hai, để có lợi cho cả nội bộ Tăng Ni và toàn xã hội, hoà thượng Tuệ Tạng chủ trương đối nội thực hiện Lục hoà, đối ngoại thực hiện Từ bi phương tiện đối với xã hội.

+ Về đối nội, mục đích Lục hoà bao gồm: giới hoà đồng tu, thân hoà đồng trụ, khẩu hoà vô tránh, ý hoà đồng duyệt, kiến hoà đồng giải, lợi hoà đồng quân.

Giới hoà đồng tu yêu cầu “Tăng Ni phải giữ giới hạnh cho nghiêm ngặt, đừng hủy phạm để giữ lấy đặc tính thiêng liêng cao cả của người xuất gia, không phải để đến chư Tăng xét đoán nghị phạt mà sinh ra tranh cãi... kẻ bán Tăng bán Tục, buôn Phật bán Pháp đều là phạm giới, bất cử một ai đã là Phật tử đều có quyền đôi ba lần can gián, nếu không nghe sẽ bị pháp luật của Giáo hội khai trừ” .

Thân hoà đồng trụ yêu cầu chư Tăng ở chung một Tùng lâm... phải giữ lễ độ, trật tự, tôn ty, danh phận và tận tâm với chức sự mới không làm nghịch ý mọi người để sinh ra tranh cãi” .

Khẩu hòa vô tránh là yêu cầu về cư xử, “Tăng Ni cư xử với nhau phải thận trọng về nghiệp khẩu... Muốn tránh nó thì mỗi người đều phải nói năng nhân nhượng, thẳng thắn, thực thà, êm dịu. Bàn đến sự kinh nghiệm thì như trước đây vì có người, giới không đồng tu, thân không đồng trụ, hay đồng trụ mà không đồng lao cộng tác trong mọi công việc Tăng chúng, người thì quá nhàn hạ, người thì quá lao lực v.v… mà sinh ra tỵ nạnh đến ly tán vì đấu tranh, từ đây nên giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ và đồng lao cộng tác trong mọi công việc đạo, việc chúng, như thế còn làm gì có sự ganh tỵ, đấu tranh mà chẳng hòa thuận, vui vẻ” .

Ý hòa đồng duyệt là việc “điều hòa ý thức và phá trần. Tất cả những cái suy nghĩ, nhận xét là ý thức, và tất cả sự vật bị suy nghĩ nhận xét là pháp trần. hai cái nó đều không có tự tính sinh ra, nó đều làm nhân duyên hòa hợp cới nhau mà sinh ra. Nếu bất hòa hợp là ly tán. Vậy mỗi khi suy xét bàn định hay tiến hành công việc gì, thành hay bại là do ý thức của mọi người... Khi hội họp để bàn xét nhận định vào công việc gì, trước nhất mỗi người đều phải bỏ ý thức câu chấp thiên kiến, cả đến pháp lý, nguyên tắc và văn tự hay danh từ; chỉ cần suy xét, nhận định làm sao cho công việc hợp tình - lý, hợp cơ duyên, có lợi chung, không hại chung là được rồi, sẽ cùng nhau hòa hợp” . Theo hoà thượng Tuệ Tạng ý hoà đồng duyệt quyết định cả năm hòa khác, khi thống nhất được ý chí của cả một đại đoàn thể, sẽ làm nên đại sự nhân duyên trong Phật pháp.

Kiến hòa đồng giải là yêu cầu “phá ý kiến thiên chấp của từng người cho khỏi có sự phân biệt về ý thức mỗi người một khác mà sinh ra mâu thuẫn, bất hòa...” . Đây là sự dung hoà những luồng ý kiến khác nhau “người có tính ác nên phải nghe người thiện giãi bày lẽ phải can ngăn, người học ít biết nông phải chịu nghe lời hay lẽ phải của người học nhiều thấy sâu; người tà ngụy phải nghe người chân chính mỗi khi giãi bầy lời chân chính khuyên răn mình” .

Lợi hòa đồng quân yêu cầu “người có trách nhiệm nhận tiền tài của Tam bảo và của chúng nhân cần phải quân phân cho minh bạch mới khỏi xảy ra sự tranh cãi...” . Ở đây, hoà thượng Tuệ Tạng thể hiện mong ước của mình là “Giáo hội Tăng già sẽ có một bản quy ước rất tinh tế về phương pháp quân phân tài sản, hoa lợi thuộc về của Tam bảo thì mới giải quyết nổi vấn đề tài sản làm huyết mạch lưu thông mạnh mẽ cho Giáo hội” .

+ Về đối ngoại, mục đích từ bi phương tiện đối với xã hội mà hoà thượng Tuệ Tạng chủ trương thực hiện gồm: truyền bá văn hoá, tổ chức giáo dục và cứu tế xã hội.

Truyền bá văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong tình trạng dân chúng bạc đạo, tín ngưỡng phức tạp, tư tưởng hỗn loạn, mê tín dị đoan làm mất tinh thần giáo nghĩa của đạo Phật...thì việc truyền bá văn hóa giáo trở thành sức mạnh giải thoát những chướng ách ấy nâng cao địa vị chư Tăng. Theo hòa thượng Tuệ Tạng “muốn giải quyết chiến tranh, gây dựng hòa bình cho nhân loại, quyết phải đem văn hóa Phật giáo xây đắp cho nhân loại một con đường tiến hóa đều đều cả về trí thức lẫn đạo đức” .

Tổ chức giáo dục được hòa thượng Tuệ Tạng coi là động lực khai phát chân trí tuệ đại từ bi cho nhân loại. Ngài đề nghị “mỗi ngôi chùa đã bị tàn phá nay trùng tu lại, thì trong số nhà phụ tùng của chùa đó, nhất định phải làm riêng ra một học đường kiêm giảng đường... Học đường đó đương nhiên để dạy cho con em trong làng có chùa theo chương trình của chính phủ. Về vấn đề giáo sư, tất nhiên đã có chính phủ bổ nhiệm; học phí thì công quĩ của làng đó chịu, nếu cùng nữa thì Giáo hội Tăng già sẽ đài thọ. Ngoài sự giáo dục theo chương trình chính quy ra, chư Tăng Ni chủ chùa sẽ mỗi ngày giảng cho học sinh một vài câu của Phật dạy để cảm hóa cho chúng khi lớn lên mõi người đều phải có một tâm hồn lễ, nghĩa, liêm, sỉ làm đạo tu thân xử thế, và làm đạo phụng sự gia đình bằng tính hiếu thuận, phụng sự quốc gia, xã hội bằng tính nhân nghĩa” .

Cứu tế xã hội là truyền thống vô cùng tốt đẹp của Phật giáo thể hiện tinh thần từ bi, hỉ xả, yêu thương con người. Hòa thượng Tuệ Tạng đề nghị các Giáo hội Tăng già có những hành động thiết thực trong cứu tế xã hội “theo với hiện trạng thiên tai dân nạn ở xứ mình mà tổ chức nên cơ quan cứu tế xã hội, tất cả các vị Tăng Ni chủ chùa đều góp công góp sức vào các công việc cứu tế thì mới khỏi trái với bản nguyện xuất gia của mình, mới đủ làm đại biểu của Đấng Từ bi Cứu thế” .

Toàn bộ Tâm thư của hòa thượng Tuệ Tạng đã thể hiện nguyện vọng tha thiết muốn chấn hưng Phật giáo và tấm lòng nhân ái rộng lớn. Từ rất sớm Ngài đã quan tâm đến vấn đề giáo dục Tăng Ni từ đức độ, đến kiến thức Phật học. Hòa thượng Tuệ Tạng thấy được tầm quan trọng của con người trong quá trình phát triển Phật pháp, bản thân Ngài đã tham gia tích cực vào việc giáo dục những thế hệ kế tiếp cho Phật giáo. Ngài cũng rất mực quan tâm đặc biệt là dân nghèo, chú trọng đến công tác từ thiện. Đây là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Tăng già mang đậm nét từ bi cứu khổ của đạo Phật được tăng ni, phật tử cả nước tích cực tham gia và đạt hiệu quả cao. Cho đến ngày nay, nó vẫn được duy trì và ngày càng phát triển hơn. Mặc dù trong Tâm thư, có đến hai lần hòa thượng Tuệ Tạng tự cho mình là tài hèn sức mọn nhưng trên thực tế những công việc Ngài đóng góp cho Đạo pháp thì thật to lớn. Mặc dù lịch sử có nhiều thay đổi nhưng những vấn đề hòa thượng nêu lên trong lá Tâm thư cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngài xứng đáng là một bậc đại trí uyên thâm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận – hiện đại. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của hoà thượng Tuệ Tạng (1959 - 2009), chúng tôi viết bài này để tỏ lòng tôn kính vị Thượng thủ đầu tiên của Giáo hội Tăng già Việt Nam. Do thời gian và tài liệu nghiên cứu còn có phần hạn chế nên bài viết còn nhiều khiếm khuyết. Rất mong được sự thông cảm và chia sẻ của quý vị.



TÀI LIỆU THAM KHẢO



1. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 1, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.

2. Hoà thượng Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2004.

3. Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.

4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2000.

5. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Triết học), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

6. Tư liệu về hoà thượng Tuệ Tạng, Nguyễn Đại Đồng sưu tầm và biên soạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét