Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

NHẬN DIỆN VÀ PHÊ PHÁN NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ QUYỀN CON NGƯỜI, TUYÊN TUYỀN PHÁ HOẠI TƯ TƯỞNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

                  Nguyễn Quỳnh Anh
                              (Bộ môn Mác - Lênin)
Việt Nam sau 20 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng cũng đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta trên mọi phương diện mà trước hết là lĩnh vực tư tưởng. Chúng ra sức tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc với mưu đồ làm phai nhạt ý thức hệ, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng Cộng sản với nhân dân ta, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tiến tới chuyển đổi chế độ chính trị, “giành chiến thắng mà không cần chiến tranh”. Thủ đoạn thâm độc mà các thế lực thù địch đã sử dụng thành công ở một số nước và đang áp dụng để chống Việt Nam là chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”. Chính nhân vật chống cộng khét tiếng của Mỹ là Brêdinxki đã thừa nhận cuộc đấu tranh hiện nay là cuộc đấu tranh bằng “khối óc và con tim”, cần khai thác triệt để lá bài “nhân quyền” tạo sức ép “thúc đẩy sự thay đổi chính trị một cách êm thấm từ bên trong”. Thông qua nhiều phương tiện thông tin như mạng internet, báo chí chống cộng, các thế lực thù địch không ngừng mở các chiến dịch đòi tự do, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng. Chúng giật dây cho những con rối chính trị bước lên “diễn đàn dân chủ” tuyên truyền cho cái gọi là “nhân quyền tư sản”, bóp méo sự thật, vu cáo, bịa đặt hòng tạo ra một hình ảnh Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Những luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam hiện nay có thể nhận diện ở một số điểm chính như sau:
Thứ nhất, tuyệt đối hoá tự do cá nhân, nhấn mạnh yếu tố cá nhân mà bỏ qua việc xem xét mối quan hệ giữa quyền cá nhân với quyền của cộng đồng, xã hội từ đó cổ suý cho quan niệm tách nhân quyền ra khỏi chủ quyền quốc gia, hoặc đối lập nhân quyền với chủ quyền quốc gia, cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” vì vậy cần phải “hy sinh chủ quyền quốc gia cho nhân quyền”.
Thứ hai, vu cáo chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, không dân chủ, đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử với các dân tộc dân tộc thiểu số, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, bắt giam và xét xử không theo chuẩn mực quốc tế đối với những người mà chúng gọi là "hiệp sĩ đi đầu" trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ "tự do", "dân chủ", "nhân quyền".
Thứ ba, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của ta, cho rằng đó là khuyết điểm mang tính bản chất không thể khắc phục trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quy mọi sai lầm vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trích Đảng độc đoán, chuyên quyền, từ đó đòi xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị của đất nước.
Đưa ra những luận điệu đó, các thế lực thù địch hướng đến những mục tiêu như: làm mơ hồ và thay đổi nhận thức người dân về vấn đề nhân quyền, đề cao nhân quyền hơn chủ quyền, khuyến khích chủ nghĩa cá nhân phát triển; khoét sâu những mâu thuẫn giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan dẫn đến hình thành tâm lý xã hội bất ổn, mong muốn và trông chờ một sự thay đổi chính trị. Kịch bản đó đã diễn ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Do vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác, không được mơ hồ, chủ quan trước những âm mưu và hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền của các thế lực thù địch . Cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền và chống địch lợi dụng vấn đề nhân quyền chính là biểu hiện của cuộc đấu tranh giai cấp nhằm bảo vệ những thành quả cách mạng mà chúng ta đã dày công vun đắp, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ cuộc sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân. Trước hết phải nhận diện được bản chất vấn đề nhân quyền và vạch trần âm mưu ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền, chỉ ra tính chất sai trái, bịa đặt của chúng.
Khái niệm quyền con người đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, ngay khi con người bắt đầu tự ý thức về mình như một bộ phận đặc thù của tự nhiên song nó chỉ được định hình và thể hiện bằng pháp luật khi giai cấp tư sản giành được vị trí thống trị xã hội. Tư tưởng phổ biến của nhiều quốc gia tư sản hiện nay là thừa nhận quyền con người là quyền tự nhiên, mang tính bẩm sinh của con người, tuyệt đối hoá tự do cá nhân và “quyền tư hữu thiêng liêng” đi đến chỗ chỉ nhấn mạnh yếu tố cá nhân trong quan niệm nhân quyền. Đây chính là nền tảng tư tưởng mở đường cho luận điểm đề cao nhân quyền hơn chủ quyền, cắt nghĩa cho việc các thế lực thù địch can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của những quốc gia độc lập.
Việc tuyệt đối hoá mặt tự nhiên của nhân quyền là sai lầm và phản khoa học vì con người không chỉ tồn tại với tư cách là con người tự nhiên mà còn mang bản chất xã hội. Con người không phải là thực thể ngủ im trong vỏ ốc, trong một thế giới khép kín đầy bí ẩn mà là con người sống trong một thời đại nhất định, một xã hội nhất định, có những quan hệ xã hội hết sức phong phú và phức tạp. C. Mác từng viết: “Con người không phải là một sinh vật trừu tượng đâu đó ẩn nấp ngoài thế giới. Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội”1. Do vậy, mỗi con người phải có trách nhiệm và gắn bó với xã hội, với cộng đồng, quốc gia mà mình sinh sống. Điều này đồng nghĩa với việc quyền con người phải thống nhất với  vận mệnh dân tộc và chủ quyền quốc gia, chỉ khi quốc gia có chủ quyền thì vấn đề nhân quyền mới được đảm bảo. Như vậy, không thể có chuyện “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, việc tuyệt đối hoá các quyền cá nhân sẽ gây phương hại cho xã hội khi có các thế lực theo đuổi những giá trị riêng vì mục đích, ý đồ của mình mà bất chấp sự phản đối của các lực lượng tiến bộ.
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định mối liên hệ hữu cơ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia. Khi đất nước còn đắm chìm trong màn đêm nô lệ, quằn quại dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc thì những giá trị nhân quyền như “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà chúng mang đến khai hoá cho nhân dân ta là “nhà tù”, “rượu cồn và thuốc phiện”, là sự đàn áp đẫm máu và dã man… Là một dân tộc phải chiến đấu bền bỉ, đổ bao máu và nước mắt để vươn lên giành lại chủ quyền dân tộc, giành quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc, hơn ai hết chúng ta hiểu rằng quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, chỉ khi nào giành được độc lập tự do, quyền tự quyết cho dân tộc mình thì nhân dân mới được hưởng những quyền cơ bản của con người.
Mỉa mai thay, các thế lực từng gieo rắc bao tang thương, mất mát cho nhân dân của nhiều quốc gia dân tộc lại tự cho mình quyền để đánh giá, phán xét tình hình nhân quyền của các quốc gia có chủ quyền khác. Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm vẫn thực hiện một thông lệ hết sức kỳ quặc là công bố bản báo cáo về tình trạng nhân quyền thế giới, trong đó thường xuyên phê phán Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hơn thế nữa, Hạ viện Mỹ còn thông qua “Đạo luật nhân quyền cho Việt Nam”, vi phạm trắng trợn những nguyên tắc pháp lý đã được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc, đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia... Hai Công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 cũng khẳng định quyền dân tộc tự quyết chính là điều kiện cơ bản tiên quyết để đảm bảo quyền con người của tất cả các quốc gia. Những hành động thiếu thiện chí này đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia độc lập, gây trở ngại đến quá trình bình thường hoá giữa hai nước Việt - Mỹ. Trước khi phán xét quốc gia khác tại sao Mỹ không tự hỏi vì sao lại bị gạt ra khỏi Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc? Thật nực cười khi cho rằng, chiến tranh chính là phương thức để xuất khẩu “nền tự do kiểu Mỹ”. Quyền được sống trong độc lập tự do là thiêng liêng nhất của mỗi con người, khi quyền sống bị tước đoạt thì “tự do” sẽ đi về đâu, chẳng lẽ là ở các linh hồn vất vưởng bên những đống hoang tàn, đổ nát. Với những hành động vi phạm nhân quyền của mình, Mỹ không bao giờ đủ tư cách áp đặt một tiêu chuẩn nào về nhân quyền để buộc quốc gia khác phải tuân thủ, mọi hành động can thiệp thô bạo vào nội bộ của một quốc gia có chủ quyền đều đi ngược lại với tiến bộ xã hội và cần phải bị lên án.
Việt Nam sau 20 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đủ sức vươn mình ra biển lớn hoà cùng xu thế hội nhập của thế giới. Những thắng lợi quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại của đất nước năm 2006 như tổ chức thành công Hội nghị APEC, được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… đã thể hiện rõ nét chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là nâng cao tinh thần đoàn kết quốc tế sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Về vấn đề nhân quyền, đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất cả vì sự nghiệp giải phóng con người, vì quyền con người đích thực tuy nhiên chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh chống mọi sự can thiệp, mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm làm suy yếu tiến tới lật đổ chế độ ta. Những thành tựu về mặt nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được là hết sức to lớn mà không một ai có thể phủ nhận được.
Sau gần một thế kỷ bị xâm lược, quyền con người bị tước bỏ, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đánh dấu sự tiến bộ về mặt quyền con người. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 – 9 – 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 : “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(2). Từ đó Người khẳng định: "tất cả các dân tộc thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(3). Lời tuyên bố hùng hồn đó đã đặt cơ sở cho việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã thực sự thoát khỏi thân phận nô lệ, được hít thở không khí của một quốc gia độc lập, được chăm lo phát triển một cách toàn diện. Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn các tiêu chí về quyền con người trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Về mặt pháp lý, quyền con người đã được thể hiện và bổ sung ngày một hoàn thiện trong các bản Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có hai công ước cơ bản là Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (năm 1966). Trên bình diện vĩ mô, Nhà nước ngày càng thể hiện vai trò của mình trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần người dân nâng lên, làm giảm đi sự bất bình đẳng về kinh tế, trình độ dân trí và văn hoá…
Theo báo cáo của cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam luôn được nâng cao, cao hơn cả chỉ số phát triển kinh tế. Cụ thể: năm 1991 chỉ số HDI là 0.498, năm 2002 là 0.688, năm 2004 là 0.691 và năm 2005 là 0.708. Điều đó phản ánh được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước Việt Nam trong phát triển con người, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội ngày càng tốt hơn. Những cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước, chăm lo cho con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được bầu vào Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc và được đánh giá là nước giải quyết thành công nhất việc xoá đói, giảm nghèo, được các nước Châu Á đề cử làm ứng cử viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho năm 2008…
Về vấn đề tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và sẽ cùng tồn tại với dân tộc. Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”(4). Đảng và Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động bình thường theo pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng nhân dân cả nước phấn đấu xây dựng một xã hội hạnh phúc, phồn vinh. Hiện nay có khoảng 21.830 nơi thờ tự của các tôn giáo có hệ thống đang sinh hoạt, trong đó có khoảng 14.550 ngôi chùa, 5.456 nhà thờ Thiên chúa giáo, khoảng 500 nhà thờ đạo Tin lành, hơn 1000 thánh thất Cao đài, 89 thánh đường Hồi giáo...Ngày 25.1.2007, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Vatican và tiếp kiến Giáo hoàng Benedict XVI. Những số liệu và sự kiện trên bằng chứng rõ ràng của sự tôn trọng quyền dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Nhà bình luận Radolêry cũng thừa nhận: không hề có chuyện đàn áp tôn giáo, chính phủ Việt Nam cho phép mọi người dân thờ cúng theo những tôn giáo mà họ lựa chọn, việc tham gia hoạt động tôn giáo trên toàn quốc tiếp tục tăng lên đáng kể.
Đối với vấn đề dân tộc, Đảng ta khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”(5). Trên quan điểm đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, chống mọi biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc.
Việc thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam đã và đang mang lại những kết quả to lớn, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi đã có những kết quả rõ rệt. Từ 10 năm nay, tăng trưởng kinh tế tại các địa phương có nhiều dân tộc ít người luôn đạt tỷ lệ 8-10% năm (cao hơn mức tăng trưởng toàn quốc), số hộ đói, nghèo giảm mạnh từ 60% xuống còn 25,9%.
Cơ sở hạ tầng phát triển khá nhanh. Đến nay, hầu hết các địa phương vùng dân tộc ít người đã hình thành mạng lưới giao thông từ tỉnh đến huyện, xã; 97,42% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thị xã - tỉnh lỵ, 98% số huyện và 64% số xã có điện lưới. Tất cả các huyện trong vùng dân tộc ít người đều có trung tâm y tế và trên 93,5 % số xã vùng dân tộc ít người và miền núi có trạm y tế (trong khi cả nước mới đạt 90%).
Hệ thống giáo dục phổ thông phát triển nhanh tại vùng đồng bào dân tộc ít người và việc dạy tiếng dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông ở khu vực dân tộc ít người. Hiện có 99,5% số xã có trường tiểu học, trên 60% cụm xã có trường phổ thông cơ sở, các huyện đều có ít nhất một trường phổ thông trung học. Hệ thống trường dân tộc nội trú (theo chế độ miễn phí và nhà nước chu cấp ăn, ở…) ngày càng mở rộng và hoàn thiện….
Như vậy, căn cứ vào đâu để các thế lực thù địch bịa đặt chuyện chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số.
Để viện dẫn cho luận điệu Việt Nam đàn áp tôn giáo, kỳ thị dân tộc, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của nhân dân, chúng đưa ra những nhân vật đã bị pháp luật Việt Nam xử lý, biến những phần tử này thành những chí sỹ yêu nước thông qua những tên gọi mỹ miều như “hiệp sỹ”, “chiến sỹ đấu tranh cho tự do dân chủ”. Thực tế, đây chỉ là những phần tử phản động đội lốt tôn giáo, dân tộc, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị hoạt động chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, gây phức tạp an ninh trật tự của đất nước, đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Pháp luật Việt Nam khoan dung, độ lượng nhưng cũng rất nghiêm minh, chúng ta xét xử các phần tử đó theo đúng các trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định, được dư luận trong và ngoài nước ủng hộ thì làm sao gọi đó là vi phạm chuẩn mực quốc tế.
Toàn bộ những thành tựu về quyền con người mà Việt Nam đã đạt được ghi nhận công lao hết sức to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lý luận và thực tiễn cách mạng ngày càng khẳng định vững chắc rằng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chúng ta mới có thể tiến tới chủ nghĩa xã hội, mới đảm bảo được quyền con người và xây dựng được nền dân chủ thật sự cho nhân dân. Tuy nhiên, đất nước ta quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một xuất phát điểm thấp, đây là thời kỳ giao thời giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu nên chắc hẳn cũng còn có nhiều sai lầm, khuyết điểm, điều quan trọng là chúng ta biết nhận ra những sai lầm và tích cực khắc phục, sửa chữa. Việc các thế lực thù địch cố tình bới móc, thổi phồng khuyết điểm, đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng, đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng không hề có mục đích xây dựng mà chỉ là sự nhìn nhận thiên kiến mang ý đồ đen tối mà thôi.
Bước sang thế kỷ XXI, hoà cùng xu thế hội nhập, toàn cầu hoá, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì đó là con đường mang lại quyền con người, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân như chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn. Chúng ta khẳng định rằng sự lựa chọn con đường phát triển và thể chế chính trị của mình là đúng đắn, là quyền thiêng liêng của mỗi quốc gia dân tộc. Những thành tựu trong chăm lo quyền con người của Việt Nam đã phủ nhận mọi sự xuyên tạc, bóp méo, chứng tỏ rằng những luận điệu đó chỉ là những hành động lạc lõng thể hiện mưu đồ bất chính của các thế lực thù địch,  hiếu chiến, phá hoại hoà bình, phản bội lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng về vấn đề quyền con người tuy có nhiều khó khăn, phức tạp nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tin chắc sẽ thắng lợi, không một thế lực nào có thể ngăn cản được sự nghiệp cách mạng mà chúng ta đã lựa chọn.
---------------------------------------------
(1). C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T1, tr. 569.
(2), (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2004, T.4, tr.1.
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr. 122.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr. 121.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét